Nga củng cố vị thế cường quốc dựa trên sức mạnh quân sự

GD&TĐ - Ngày 9/5, nước Nga tổ chức lễ duyệt binh lớn nhân Ngày Chiến thắng với sự góp mặt của các hệ thống vũ khí hiện đại. Trước đó, ngày 15/4, Triều Tiên cũng trình làng nhiều tên lửa thế hệ mới trong lễ duyệt binh kỉ niệm 105 ngày sinh cố lãnh tụ Kim Nhật Thành. 

Nga củng cố vị thế cường quốc dựa trên sức mạnh quân sự

Phô trương sức mạnh quân sự trong các lễ duyệt binh là thông điệp từ những quốc gia theo đuổi chính sách ngoại giao lấy sức mạnh quân sự làm nền tảng…

Giai đoạn khó khăn

Vào giữa những năm 1980, lãnh đạo Liên Xô cũ Mikhail Gorbachev thực hiện một loạt cải cách khiến suy giảm sức mạnh của Lực lượng vũ trang Xô viết. Đây cũng là thời kì quân đội Xô viết suy yếu trầm trọng. Thể chế chủ nghĩa xã hội tại Đông Âu tan rã giữa năm 1989 và 1990 và lực lượng Xô viết ở nước ngoài triệt thoái về nước. 500.000 quân trở về nước trong khi doanh trại chưa được xây, riêng từ Đức có 12.000 xe tăng được đưa về. Binh sĩ và thiết bị quân sự trú tạm một cách khó tin trên những cánh đồng không mông quạnh bên ngoài Rostov-on-Don, Voronezh và Smolensk.

Cộng đồng các quốc gia độc lập được thành lập trên nền tảng Liên bang Xô viết cũ, ban đầu muốn hợp nhất lực lượng quân đội. Tuy nhiên, các chính trị gia không đạt được thỏa thuận để rồi đi tới quyết định Nga tiếp nhận hơn 2,8 triệu quân từ quân đội Xô viết cũ; còn lại Ukraine và Belarus chia nhau số quân còn lại (lần lượt là 380.000 và 230.000 quân).

Vào giữa những năm 1990, hệ thống tài chính và kinh tế Nga rơi vào rối loạn, lương tháng của một sĩ quan cao cấp tương đương 5 USD và thậm chí số lương ít ỏi này bị trả gộp 6 đến 8 tháng/lần. Quân đội thiếu nhiên liệu và các nguồn lực khác cho tập luyện… Hàng nghìn xe tăng hiện đại bị bán đi với giá rẻ mạt, tàu sân bay Minsk và Novorosiysk bị bán ra nước ngoài với giá thép phế liệu. Các cơ sở quân sự tại Siberia và Viễn Đông bị bỏ hoang. Nhiều binh sĩ và sĩ quan chuyển ngành…

Cân bằng quyền lực thế giới

Những khí tài hiện đại được Nga trình diễn trong lễ duyệt binh ngày 9/5 chỉ là phần nổi của sức mạnh quân sự Nga - được đầu tư mạnh mẽ trong một chính sách nhất quán nhằm bảo đảm cân bằng quyền lực thế giới.

Ngày 7/5/1992, Tổng thống Boris Yeltsin kí sắc lệnh “Về việc thành lập Lực lượng vũ trang Liên bang Nga” – chính thức giải thể quân đội Xô viết và mở ra thời kì mới xây dựng quân đội Nga.

Năm 2000, dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, nền tảng pháp lí cho Lực lượng vũ trang Nga được xây dựng. Chính phủ thông qua Khái niệm An ninh quốc gia cùng với Học thuyết Quân sự của Liên bang Nga.

Năm 2010, chính phủ cam kết chương trình hiện đại hóa toàn diện nhằm nâng cấp 70% khí tài quân sự vào năm 2020 với tổng giá trị đầu tư 20 nghìn tỉ rúp. Theo các chuyên gia quân sự, sau những cải cách thực hiện tháng 10/2008 và chương trình hiện đại hóa năm 2011 trị giá 670 tỉ USD, lực lượng quân đội đã trở thành một trong những công cụ đáng tin cậy nhất của sức mạnh quốc gia Nga.

Năm 2016, quân đội tiếp nhận hơn 5.500 đơn vị vũ khí trong đó có hàng trăm xe tăng thế hệ mới, gần 2 chục hệ thống phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars… Đây là những “cú đấm” quyết định trên chiến trường.

Hai mươi năm sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga đã lấy lại vị thế cường quốc hàng đầu thế giới về quân sự - có khả năng đáp trả những loại vũ khí tối tân nhất của bất cứ quốc gia nào. Theo các chuyên gia thì vũ khí Nga tạo ra sự cân bằng sức mạnh và giúp tăng cường hòa bình trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: