New Zealand 'trao quyền' cho trẻ em từ bậc giáo dục mầm non

GD&TĐ - Chương trình giáo dục mầm non Te Whāriki của New Zealand đã và đang truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia trên thế giới.

New Zealand 'trao quyền' cho trẻ em từ bậc giáo dục mầm non

Với triết lý giáo dục đặt trẻ em là trung tâm, Chương trình giáo dục mầm non Te Whārikicủa New Zealand đã và đang truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia trên thế giới. Đây cũng là một trong những chủ đề chính được chia sẻ tại Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm giáo dục mầm non Việt Nam - New Zealand” và Diễn Đàn Giáo Dục Việt Nam 2023 (VES).

Te Whāriki là chương trình giáo dục mầm non quốc gia ở New Zealand. Tên gọi Te Whāriki trong tiếng Maori có nghĩa là "tấm thảm", thể hiện sự đan xen và tương tác giữa các yếu tố để đóng góp vào sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Chương trình này được xây dựng dựa trên bốn nguyên tắc chính: Trao quyền (Empowerment), Phát triển toàn diện (Holistic Development), Gia đình và cộng đồng (Family and community), và Các mối quan hệ (Relationships), cùng với năm kết quả học tập/mục tiêu hướng đến trong sự phát triển của trẻ: Wellbeing (Tinh thần thoải mái của trẻ), Belonging (Sự phụ thuộc), Contribution (Đóng góp), Communication (Giao tiếp) và Exploration (Khám phá). Các nguyên tắc và mục tiêu này được xây dựng để hỗ trợ trẻ em phát triển toàn diện về mọi mặt, bao gồm thể chất, tinh thần, xã hội và trí tuệ.

Triết lý giáo dục đặc biệt của Te Whāriki, vốn đề cao việc tôn trọng và khuyến khích sự độc lập và tự do, cũng như quyền tự quản lý học tập và khám phá thế giới xung quanh của trẻ em, đã thu hút nhiều thảo luận sôi nổi tại hai sự kiện Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm giáo dục mầm non Việt Nam - New Zealand” và Diễn Đàn Giáo Dục Việt Nam 2023 diễn ra vào tháng 3 vừa qua.

GS. Marek Tesar chia sẻ về những ưu điểm của Chương trình Te Whāriki tại tọa đàm. (Ảnh: Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội).

GS. Marek Tesar chia sẻ về những ưu điểm của Chương trình Te Whāriki tại tọa đàm. (Ảnh: Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội).

Nhấn mạnh về việc tôn trọng năng lực và sự độc lập nơi trẻ, Giáo sư Marek Tesar - Trưởng khoa, Khoa Giáo dục Quốc tế Học tập, Phát triển và Thực hành Chuyên nghiệp và Công tác Xã hội, Đại học Auckland nhận định: “Giáo viên cần phải làm việc với trẻ dựa trên năng lực, trình độ và khả năng hiện có của trẻ. Đồng thời, giáo viên cũng cần nhìn nhận trẻ như một cá nhân hoàn chỉnh, thay vì là một bản sao của người lớn. Theo đó, việc triển khai các hoạt động dựa trên sở thích và hứng thú hàng ngày của trẻ là rất quan trọng. Thay vì chuẩn bị trước và lên kế hoạch cụ thể, giáo viên nên bàn luận với trẻ và phụ huynh để tạo nên một chương trình chung mà mọi học sinh đều thấy mình được thuộc về”.

“Các hoạt động như vẽ tranh, lắp ghép, chơi đùa có thể giúp trẻ phát triển năng lực ngôn ngữ, kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng giao tiếp. Chính nhờ việc chơi đùa, trẻ học hỏi cách kết nối với bạn bè và nói chuyện với người khác”, Giáo sư Marek Tesar dẫn chứng thêm tại Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm giáo dục mầm non Việt Nam - New Zealand.

Gs. Janet S. Gaffney chia sẻ về phương pháp thấu hiểu trẻ và các dự án thực tế tại Diễn đàn Giáo dục Việt Nam 2023.

Gs. Janet S. Gaffney chia sẻ về phương pháp thấu hiểu trẻ và các dự án thực tế tại Diễn đàn Giáo dục Việt Nam 2023.

Nhấn mạnh về việc tôn trọng trẻ như một cá thể độc lập trong giáo dục, Giáo sư Janet S. Gaffney, Giám đốc trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ trẻ em Marie Clay, Đại học Auckland chia sẻ về phương pháp thấu hiểu trẻ thông qua những câu chuyện và quan sát hằng ngày tại Diễn đàn Giáo dục Việt Nam 2023. Theo đó, bà giới thiệu về khái niệm Storied Conversations, một phương pháp đang được ứng dụng trong thực hành giáo dục ở các cơ sở mầm non và tiểu học của New Zealand: “Phương pháp Storied Conversations góp phần thiết lập không gian để giáo viên hiểu những gì trẻ em và gia đình đang trải qua, với trung tâm là những câu chuyện của trẻ. Phương pháp này yêu cầu giáo viên chú ý đến môi trường tự nhiên, câu chuyện và nền văn hóa của trẻ để đạt được sự hiện diện (presencing) trong quá trình tương tác với các em. Kết quả là, trẻ sẽ cảm thấy bản thân được tôn trọng và có giá trị hơn, đồng thời có nhiều cơ hội để tương tác với giáo viên và bạn bè cùng trang lứa.”

Một trong những dự án đầu tiên mang dấu ấn của giáo dục mầm non New Zealand ở Việt Nam là dự án Phát triển Giáo dục mầm non tại tỉnh Gia Lai, được tài trợ bởi chương trình Viện trợ Phát triển New Zealand (NZAID), được thực hiện bởi Plan International Vietnam, từ năm 2012 đến năm 2018. Giáo sư Helen Hedges (Khoa Giáo dục, Đại học Auckland) là một thành viên của nhóm chuyên gia quốc tế tham gia dự án này.

Sau 6 năm triển khai, dự án đã hoàn thành mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại tỉnh Gia Lai: 18 trường mầm non đã được xây dựng, đồng thời cải thiện được tỷ lệ nhập học và đào tạo giáo viên; hơn 2.000 giáo viên đã được đào tạo về phương pháp giảng dạy tích cực và hơn 90% cha mẹ biết cách nuôi dạy trẻ từ 0-3 tuổi. Ngoài ra, một bộ công cụ tập huấn kỹ năng phát triển trẻ đã được xây dựng riêng cho các cha mẹ và giáo viên trên địa bàn, tạo nên nhiều giá trị bền vững cho môi trường giáo dục mầm non nơi đây.

Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm giáo dục mầm non Việt Nam - New Zealand" đánh dấu sự hợp tác lần đầu tiên giữa Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand - ENZ) và Hiệp hội Giáo dục mầm non ngoài công lập trong lĩnh vực này. Sự kiện không chỉ cung cấp cho các giáo viên kiến thức, kinh nghiệm và phương pháp tiếp cận về giáo dục mầm non ở New Zealand, mà còn là nơi chuyên gia có thể trao đổi kinh nghiệm thực tế trong việc giảng dạy và áp dụng vào thực tế lớp học.

Độc giả quan tâm đến nền giáo dục New Zealand có thể cập nhật những thông tin mới nhất về học bổng, chương trình học, hoạt động giáo dục bổ ích tại: https://www.facebook.com/thongtingiaoducnewzealand

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.