Cuối tuần qua, lực lượng cứu hộ giải cứu hơn 400 con cá voi hoa tiêu mắc cạn trên bãi biển South Island. Tuy nhiên, hàng trăm con cá voi khác đã chết và được Cục Bảo tồn New Zealand (DOC) khoanh vùng. Đồng thời, DOC kêu gọi người dân thông báo nếu họ phát hiện cá voi chết dạt vào bờ biển.
“Khu vực này hiện đóng cửa vì nguy cơ xác cá voi phát nổ. Nhà chức trách sẽ sử dụng dao và kim tiêm (dài 2 m) để đục lỗ trên xác những con cá voi” – DOC cho biết. Phải mất vài tháng, thi thể chúng mới phân hủy hoàn toàn, để lại những bộ xương.
Hàng trăm con cá voi hoa tiêu mắc cạn ở New Zealand. Ảnh: REUTERS
Một quản lý của DOC, Mike Ogle, khuyến cáo người dân không lại gần xác những con vật bởi chúng đang trong thời kỳ phân hủy nên có mùi rất khó chịu. Hơn nữa, cá voi chết bị trương phình cơ thể, dẫn tới dạ dày có thể phát nổ.
“Nếu bạn đứng ngay đó, sẽ chẳng vui vẻ gì khi dính một quả ‘bom ruột’ ở trên mặt. Chúng tôi sẽ kết hợp tất cả các phương pháp trong quá khứ để xử lý chúng: dùng xe kéo, đưa xác cá voi ra cồn cát hoặc để sóng cuốn ra biển” – ông Ogle nói.
Cũng theo DOC, một số con cá voi hoa tiêu còn sống được nhìn thấy bơi ở ngoài khơi South Island vào tối 12-2 (giờ địa phương).
Ảnh: REUTERS
Tổ chức môi trường biển Project Jonah cho biết cá voi mắc cạn trên bãi biển South Island không phải là chuyện hiếm bởi khu vực này nước khá nông, khiến chúng dễ bị kẹt lại khi thủy triều lên xuống.
Cá voi hoa tiêu không được liệt kê như một loài nguy cấp nhưng số lượng cá voi hoa tiêu ở New Zealand còn khá ít. Một số giả thuyết về tình trạng cá voi mắc cạn ở New Zealand được nêu ra. Chẳng hạn, các nhà khoa học cho rằng sự bất thường của từ tính trái đất khiến cá voi xác định nhầm hướng, bơi lạc vào bờ. Cũng có thể những con cá voi đi theo các cá thể trẻ hoặc bị bệnh, dẫn đến mắc cạn.