Hội nghị quốc tế về Khảo thí Ngoại ngữ New Directions Đông Á lần thứ 11 của Hội đồng Anh vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Sau một thập kỷ kết nối các cộng đồng khảo thí và giảng dạy ngôn ngữ tại Đông Á, sự kiện năm nay quy tụ các chuyên gia trong khu vực và thế giới để thảo luận và chia sẻ những giải pháp đổi mới nhằm giải quyết các thách thức trong lĩnh vực khảo thí và giáo dục.
Báo GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn ông Mark Walker - Giám đốc Giảng dạy tiếng Anh và Khảo thí toàn cầu và bà Donna McGowan - Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam.
PV: Đào tạo và kiểm tra Tiếng Anh đã là một phần quan trọng trong các hoạt động của chương trình giáo dục của Hội đồng Anh từ trước đến nay. Ông có thể chia sẻ về những thành tựu mà Hội đồng Anh đã đạt được trong lĩnh vực này?
Ông Mark Walker: Chúng tôi tin rằng tiếng Anh là kỹ năng quan trọng giúp mọi người trên toàn cầu xây dựng kết nối, hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau. Xét về những thành tựu nổi bật trong chín thập kỷ qua, chúng tôi đã xây dựng mạng lưới trung tâm giảng dạy tiếng Anh trên gần 50 quốc gia, trong đó có Việt Nam để giúp hàng triệu người học tiếng Anh có môi trường thuận lợi.
Cùng với các đối tác của mình, chúng tôi cũng đã xây dựng và triển khai IELTS - bài kiểm tra tiếng Anh được sử dụng rộng rãi nhất để đăng ký vào các chương trình giáo dục đại học quốc tế hoặc tạo ra nhiều cơ hội khác.
Ngoài ra, chúng tôi cũng chung tay cùng các chính phủ trên thế giới cải thiện tiếng Anh trong hệ thống trường học từ Rwanda đến Nhật Bản. Và hơn cả là hàng chục triệu người được sử dụng tài nguyên học tập trực tuyến miễn phí của Hội đồng Anh mỗi năm.
Ông Mark Walker. |
PV: Chủ đề chính của Hội nghị là "Tương lai của khảo thí tiếng Anh trong các hệ thống giáo dục", ông có thể chia sẻ những đánh giá sâu hơn về xu hướng và phương pháp áp dụng trong hệ thống đánh giá tiếng Anh tại Việt Nam? Cần thay đổi điều gì trong chính sách để hỗ trợ tốt nhất cho công chúng tiếp cận ngoại ngữ và phát triển tiếng Anh?
Ông Mark Walker: Trong nhiều năm qua, tôi rất ấn tượng với tham vọng và nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển tiếng Anh. Tôi nhận thấy rằng công việc của Bộ GD&ĐT và các Vụ, Cục trực thuộc Bộ GD&ĐT như Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Cục Quản lý Chất lượng và Cục Hợp tác Quốc tế đã và đang đóng góp to lớn vào việc cải thiện việc học và đánh giá tiếng Anh tại các trường học ở Việt Nam. Chúng tôi tin rằng việc đánh giá bài bản sẽ có tác động mạnh mẽ đến quá trình học, vì vậy việc thực hiện đúng điều này được cho là rất quan trọng.
PV:Thưa bà, Hội nghị New Directions đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của mối quan hệ hợp tác giữa Anh và Việt Nam như thế nào? Hội nghị năm nay có điều gì đặc biệt?
Bà Donna McGowan: Vào 10 năm trước, hội nghị đầu tiên đã được tổ chức tại Bắc Kinh và kể từ đó, sự kiện đã được tổ chức hàng năm, trong đó có hai lần diễn ra trực tuyến trong thời kỳ đại dịch. Đây là diễn đàn độc đáo quy tụ các chuyên gia giáo dục từ khắp nơi trên thế giới cũng như nhiều bên liên quan từ các bộ, cơ quan giáo dục, doanh nghiệp và các tổ chức chuyên ngành. Các cơ quan chính phủ và ngành giáo dục đã trở thành những đối tác không thể thiếu của New Directions từ những ngày đầu.
Lần đầu tiên chúng tôi tổ chức New Directions tại Hà Nội vào năm 2016. Năm nay đánh dấu lần thứ hai hiếm hoi New Directions quay trở lại cùng một quốc gia và là lần đầu tiên New Directions quay trở lại cùng một thành phố.
Điều này nhấn mạnh rõ mức độ quan tâm ở Việt Nam đối với việc phát triển chất lượng dạy, học, đánh giá và kiểm tra tiếng Anh. Là hội nghị đánh giá ngôn ngữ hàng đầu của Hội đồng Anh, chúng tôi tạo ra một không gian nơi các nhà tư tưởng và nhà giáo dục đánh giá ngôn ngữ hàng đầu thế giới được cùng nhau trao đổi, chia sẻ kiến thức chuyên môn và luôn đặt người học và giáo viên làm trọng tâm của phương pháp đánh giá.
Đặc biệt, hội nghị năm nay đánh dấu một năm vô cùng quan trọng nhằm kỷ niệm mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, phản ánh mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Hội đồng Anh với các đối tác tại Dự án Ngoại ngữ Quốc gia (NFLP) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, là dịp kỷ niệm sự hợp tác của chúng tôi trong các dự án quan trọng nhằm hỗ trợ cải cách giáo dục ngôn ngữ ý nghĩa.
Bà Donna McGowan. |
PV:Hội đồng Anh sẽ làm gì để mở rộng sự liên kết và mối quan hệ hai nước trong dự án UK/Viet Nam Season? Theo bà, những cơ hội mới nào sẽ được thúc đẩy bởi sự hợp tác này?
Bà DonnaMcGowan: UK/Viet Nam Season mang đến một nền tảng mở giúp thúc đẩy các cuộc hội thoại về những thách thức và trải nghiệm chung xung quanh các chủ đề “Khí hậu và Môi trường” và “Di sản chung của chúng ta”, điển hình là sự chú trọng về đánh giá ngôn ngữ thông qua New Directions và “Tương lai của tiếng Anh”.
Đó là việc hợp tác cùng nhau, giữa các đối tác đa dạng về nghệ thuật, ngôn ngữ tiếng Anh và giáo dục đại học từ cả hai quốc gia. Khoảng một phần ba các tổ chức có liên quan là những người mới làm việc với chúng tôi tại Việt Nam. Điều này đã mở ra các cơ hội và cánh cổng mới để thúc đẩy hợp tác chuyên sâu, đặc biệt là khi việc đồng sáng tạo giữa Vương quốc Anh và Việt Nam là trọng tâm của Season. Chúng tôi rất vui mừng khi nhìn lại những tác động của hơn 30 dự án và sáng kiến, đồng thời không ngừng mong đợi những cơ hội và kết nối mới trong tương lai.
PV: Cảm ơn ông/bà!
Ông Mark Walker được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Giảng dạy tiếng Anh và Khảo thí toàn cầu của Hội đồng Anh từ tháng 9 năm 2022. Trước khi đảm nhận vị trí này, ông là Giám đốc Chuyển đổi với nhiệm vụ đảm bảo sự thay đổi tổ chức thành công và hiệu quả nhằm thực hiện sứ mệnh và chiến lược của Hội đồng Anh. Ông đã lãnh đạo khu vực Đông Á trong 5 năm (bao gồm Trung Quốc, Myanmar và Úc).
Ông Mark Walker từng đảm nhận vị trí Giám đốc Khảo thí toàn cầu của Hội đồng Anh, điều hành tổng thể các hoạt động tổ chức thi lấy bằng cấp của Vương quốc Anh cũng như đánh giá trình độ tiếng Anh tại tất cả các nước nơi Hội đồng Anh hoạt động.
Bà Donna McGowan hiện là Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam. Với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại các quốc gia và châu lục khác nhau như Đông Á, Trung Đông và Bắc Phi, châu Phi cận Sahara và châu Mỹ Latinh, bà Donna McGowan đã dẫn dắt nhiều đội nhóm khác nhau, thiết kế và triển khai hiệu quả các chương trình với nhiều đối tác và tổ chức liên quan. Bà đã đóng góp nhiều sáng kiến góp phần tạo dựng, củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược và thúc đẩy sự phát triển các hoạt động của Hội đồng Anh trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, giáo dục và ngôn ngữ Anh.