Cô gái khuyết tật Trần Thúy Nga (sinh năm 1985) tại Tân Kỳ, Nghệ An đã chọn cho mình lẽ sống là mang niềm vui, tri thức đến cho mọi người qua tủ sách.
Tuổi thơ nghèo, không cha và… khuyết tật
Là một đứa trẻ không được đón nhận tình yêu thương của cha, Trần Thúy Nga lớn lên trong vòng tay của mẹ và các anh chị ở một vùng quê nghèo của tỉnh Nghệ An. Các anh chị còn đang ở tuổi ăn, tuổi lớn đã vất vả đi làm thuê cùng mẹ và làm đủ việc từ đi mót, chặt củi, bẻ măng, mò cua, bắt ốc... bởi nhà Nga rất nghèo.
Tuổi thơ cô gái Trần Thúy Nga chịu không ít ấm ức khi bạn bè trêu đùa là “đồ không cha”. Nỗi niềm đó cô chỉ giấu riêng trong lòng bởi sợ mẹ buồn. Cho đến khi, cô nhận ra, phải nỗ lực để trở thành người có ích cho xã hội và được mọi người tôn trọng.
Thế rồi, vượt qua được tuổi thơ với những nỗi tâm sự chất chứa thì cũng là khi lớn lên gặp phải biến cố lớn. Nga bị căn bệnh viêm đa khớp rất nặng. Nó tàn phá và làm biến dạng tất cả các khớp trên người và khiến cô từ một người khỏe mạnh trở thành một người phải ngồi xe lăn.
“Tôi phải sống chung với bệnh, chịu đựng những cơn đau khớp nặng thêm từng ngày. Mọi sinh hoạt của tôi phải phụ thuộc vào người thân”, Nga nhớ lại.
Người bình thường khó mà hiểu được nỗi buồn khổ của một cô gái bỗng một ngày phải chấp nhận mình là người khuyết tật. Và vượt qua những tuyệt vọng, Nga đã tìm đến sách. “Tình yêu thương của mẹ, của các anh chị, của anh em, bạn bè, và cả những cuốn sách đã kéo tôi lên từ tận cùng của tuyệt vọng và đau khổ”, Nga nói.
Đọc nhiều sách, cô gái này càng hiểu sâu sắc hơn về tình yêu thương. Cô thấm hơn những nỗi đau của con người và học được cách cho đi. Đối với Trần Thúy Nga, mỗi người, mỗi cuốn sách đều là một người thầy dạy rất nhiều bài học ý nghĩa.
Không đi được, không làm được các việc tay chân nhưng Nga cho rằng, cô còn có bộ óc minh mẫn. Từ đó, cô gái trẻ quyết tâm học viết chữ bằng chính các khớp ngón tay sưng đau và biến dạng. Sau đó, cô đã mở một hàng tạp hóa nhỏ để có thêm thu nhập, dù là ít ỏi.
Nhân rộng mô hình đọc sách miễn phí
Với số tiền tích cóp, Nga mua rất nhiều sách. Ban đầu, cô cho thuê những sách giải trí như truyện tranh, tiểu thuyết... Sau đó, cô cho đọc miễn phí những sách có nội dung sâu sắc, ý nghĩa. Ví dụ như sách văn học, hạt giống tâm hồn, khoa học, lịch sử, kỹ năng học tập, nuôi dạy con...
Dần dần, cô coi mỗi người đến tìm đọc sách là một người bạn. Cô trò chuyện và gợi ý các thể loại sách cho từng người, từng lứa tuổi dễ chọn. Đó cũng là niềm vui mỗi ngày khi cảm thấy mình sống có ý nghĩa. Cho đến một ngày, cô đã tìm thấy “sứ mệnh cuộc đời” khi đọc được cuốn sách “Không gục ngã” và “Cà phê cùng Tony”.
“Đọc “Không gục ngã”, tôi bắt gặp hình ảnh của chính tôi, đồng cảm với những gì tác giả đã trải qua. Không ít lần mắt tôi đã nhòe ướt. Ở đó, tác giả đã bước qua hầm tối bằng con đường tự học và tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm, đó chính là niềm vui và hạnh phúc khi chị được làm công việc yêu thích. Chị đã gieo những hạt mầm tích cực và động lực mãnh mẽ đến tôi và tất cả mọi người. Chị đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, tìm thấy sứ mệnh của mình”, Nga chia sẻ.
Sau cuốn sách ấy, Trần Thúy Nga muốn phát huy tủ sách của mình bằng cách lan tỏa tri thức đến với nhiều người hơn nữa. Khi được hỏi, điều gì làm bạn vui nhất mỗi ngày xung quanh hàng chồng sách, Nga cho rằng, đó là khi cô thuyết phục được thêm một người “sợ sách” chịu đọc sách. Rồi đọc xong người đó bảo sách hay lắm, chọn cho họ cuốn khác nữa...
Đó cũng là khi những người đọc sách trong cái tủ miễn phí ấy bảo rằng, nhờ đọc những cuốn sách đó mà họ học hỏi được nhiều điều và thay đổi tích cực…
Từ ngày đó, Nga hiếm khi mua sách giải trí nữa mà tập trung tìm hiểu và mua thêm đa dạng thể loại sách ý nghĩa cho đủ lứa tuổi. Lan tỏa mô hình nhiều người đọc sách miễn phí, Nga thường cho các em nhỏ viết lại được ngắn gọn suy nghĩ, cảm xúc của mình sau mỗi cuốn sách. Hoặc trả lời được câu hỏi “em học được gì từ cuốn sách này?”, cô sẽ có phần thưởng khích lệ.
Cách khuyến đọc này hiệu quả với những em nhỏ, nhờ đó học sinh được đọc đa dạng các đầu sách. Từ đó, các em cũng được gieo đam mê đọc để học tập tốt hơn.
Dần dần, Nga thường xuyên viết bài đăng lên mạng xã hội về các hoạt động ở Thư viện miễn phí Thúy Nga kèm hình ảnh các bạn đọc đến mượn sách. Các bài viết này giúp lan tỏa Thư viện và khuyến khích nhiều người đọc sách. Bên cạnh đó, nhiều người đã tìm đến để học tập mô hình thư viện cộng đồng và nhân rộng ra nhiều địa phương.
Tiếng lành đồn xa, từ trong thôn, xã rồi các huyện khác đã tìm đến mượn sách về đọc khiến cô quản lý Thúy Nga rất vui. Đối với Nga, mỗi ngày được nghe những câu chuyện, chia sẻ của mọi người về bài học mà họ học được từ những con chữ kia là một ngày hạnh phúc.
Và để có thêm tiền mua nhiều sách hơn nữa, cô đã tích cực bán hàng online, tối giản chi tiêu để dành tiền mua sách cho thư viện nhỏ của mình. Và theo như Nga nói, nhờ đọc sách, cô biết thực hành lòng biết ơn mỗi ngày.