Nhưng lịch không thể dung hòa với các yếu tố văn hóa, tôn giáo lẫn lịch sử của nhân loại.
Tính đồng nhất
Đối với con người đương đại, lịch là một hệ thống cố định nhưng từ xa xưa, những tranh cãi về nó đã diễn ra gay gắt. Lịch hiện đại hình thành từ năm 45 trước Công nguyên, khi Hoàng đế Julius Cesar thêm ngày nhuận vào lịch La Mã để tạo ra lịch Julian.
Lịch này được sửa đổi bởi Giáo hoàng Gregory XIII vào khoảng 1.500 năm sau để tạo ra lịch Gregorian (Dương lịch) như chúng ta sử dụng hiện nay.
Tuy nhiên, lịch Gregorian chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, các quốc gia đã ngồi lại với nhau để thống nhất xây dựng một bộ lịch chung cho thế giới.
Năm 1923, Hội Quốc Liên thành lập Ủy ban Điều tra Đặc biệt về Cải cách Lịch và bắt đầu tiếp nhận các đề xuất. Mục tiêu của tổ chức này là thiết kế một hệ thống theo dõi thời gian chuẩn hóa, hoàn hảo nhằm đoàn kết thế giới. Kế hoạch Lịch Cố định Quốc tế (IFC) theo đó ra đời.
Sau nhiều lần nhóm họp, tổ chức cũng đưa ra được một bộ lịch chung. Lịch IFC bao gồm 13 tháng, mỗi tháng 28 ngày. Ưu điểm của lịch mới là tính đồng nhất. Mỗi tháng bắt đầu vào Chủ nhật và kết thúc vào thứ Bảy nên chúng ta không bao giờ phải hỏi ngày 26 là ngày nào trong tuần. Nó sẽ luôn rơi vào thứ Năm.
Tháng được tăng thêm gọi là Sol, nằm giữa tháng 6 và tháng 7. IFC cũng đặt ra “Ngày lễ thế giới”, là ngày sau khi hết tháng 12, từ đó nâng tổng số ngày trong năm lên 365 ngày. Ngày tăng thêm được tính là 24 giờ từ khi kết thúc ngày thứ Bảy cuối cùng của năm đến Chủ nhật, ngày 1/1 của năm sau.
Khi thiết kế lịch, các chuyên gia đã kỳ vọng nó giúp chấm dứt chiến tranh, mang lại một kỳ nghỉ chung cho thế giới vào “Ngày lễ thế giới”. Nhưng không phải ai cũng tin rằng một chiếc lịch có thể đoàn kết mọi người dân trên thế giới.
Đơn cử, người Do Thái có một mối bận tâm lớn với IFC. Ngày nghỉ của họ, ngày Sabbath, thường diễn ra vào thứ Bảy hàng tuần. Với một ngày được thêm vào sau khi hết tháng 12, chu kỳ 7 ngày của người Do Thái, vốn được cho là do Thượng Đế quy định, sẽ không còn ăn khớp với các ngày trong tuần nữa. Ngày Sabbath, ngày cấm làm việc đối với người Do Thái, sẽ diễn ra trong tuần và không nhất thiết phải vào cuối tuần.
Ý tưởng ngày Sabbath rơi vào một ngày trong tuần khiến cộng đồng người Do Thái không hài lòng.
Giáo sĩ trưởng Do Thái ở Anh, ông Joseph Hertz cho biết: “Vào thời khắc bình minh của tất cả những đau khổ, vỡ mộng và trên bờ vực của những biến động, Hội Quốc Liên vẫn cho rằng việc sửa lịch là điều đáng làm thay vì viển vông. Ngay khi cả thế giới cuối cùng cũng có thể thống nhất một bộ lịch (ám chỉ lịch Gregorian), Hội Quốc Liên lại tạo ra kỷ nguyên mới đầy bối rối cho nhân loại”.
Tuy nhiên, IFC được nhiều doanh nhân ưa chuộng, trong đó phải nhắc đến ông chủ của công ty nhiếp ảnh Kodak, George Eastman. Với lịch Gregorian, việc so sánh lợi nhuận giữa các tháng sẽ gặp khó khăn vì số ngày trong các tháng không đồng nhất.
Năm 1928, Eastman đã đưa IFC vào sử dụng trong nội bộ Kodak và chi tiền để thuyết phục thế giới làm theo. Chẳng bao lâu sau, 140 công ty tại Mỹ đã tham gia cùng Kodak, duy trì sử dụng lịch 13 tháng trong kinh doanh và đặt cược rằng cải cách sẽ thành công. Thật vậy, trong một thời gian, IFC đã được sử dụng rộng rãi và tưởng như có thể thế chỗ lịch Gregorian.
Cách tính Lịch Cố định Quốc tế (IFC). |
Va đập với lịch sử
Nhiều tôn giáo đã bày tỏ phản đối IFC và đệ trình đưa việc sử dụng IFC trên toàn cầu ra thảo luận tại hội nghị của Liên Hợp Quốc vào năm 1931. Ông Arthur I. LeVine, giáo sĩ Do Thái có ảnh hưởng tại Mỹ, chỉ ra rằng mọi phí bảo hiểm, kể cả hàng tháng hay hàng quý, mọi hợp đồng trên toàn thế giới sử dụng lịch Gregorian đều phải làm lại nếu IFC được sử dụng rộng rãi. Trái phiếu đến hạn vào những thời điểm nhất định sẽ bị nhầm lẫn.
Ông LeVine còn đặc biệt lưu ý con số 13 sẽ xuất hiện hàng triệu lần mỗi năm bởi lịch có 13 tháng và nó gắn với hoạt động thường ngày. Người phương Tây rất kị con số 13 vì cho rằng, nó mang lại điềm rủi.
Những lập luận của ông LeVine dù ngắn gọn nhưng đã làm thay đổi suy nghĩ của nhiều quan chức, chính trị gia lẫn doanh nhân tại hội nghị. Ông cũng chỉ ra rằng cộng đồng người Do Thái, vốn chiếm số lượng đáng kể trên thế giới, cũng đồng nhất phản đối IFC.
Những người theo đạo Cơ đốc Phục lâm cũng có chung mối bận tâm về ngày Sabbath nên hoàn toàn ủng hộ cộng đồng Do Thái. Hơn nữa, lịch Gregorian có ý nghĩa văn hóa và lịch sử đối với nhiều xã hội.
Nó đã được chấp nhận và sử dụng rộng rãi trong các truyền thống tôn giáo. Việc thay đổi sang lịch 13 tháng sẽ phá vỡ những thông lệ đã gắn liền với lịch sử, văn hóa đương đại.
Còn nhiều quốc gia thì mải mê tranh luận nên chọn ngày nào là ngày cố định cho Lễ Phục sinh. Phần Lan muốn tổ chức Lễ Phục sinh vào cuối mùa Xuân nhưng Na Uy muốn chọn ngày 20/4 để tránh trùng với mùa đánh bắt cá tuyết.
Chưa kể lịch 13 tháng không dễ chia thành quý. Cách sắp xếp khả thi nhất là mỗi quý kéo dài 3 tháng một tuần. Như vậy, quý đầu tiên luôn kết thúc vào ngày 7/4 và quý thứ hai bắt đầu từ ngày 8/4.
Thời gian nửa năm sẽ bắt đầu từ ngày 15 của tháng Sol và quý cuối cùng bắt đầu vào 22/9. Tuy nhiên, những ngày lẻ sẽ gây bất tiện cho các việc kinh doanh, vận chuyển, sản xuất vì các hoạt động này đều tính theo quý.
Vì những lý do trên, IFC đã bị hủy bỏ. Ý tưởng về lịch 13 tháng thách thức sự hiểu biết thông thường của con người về mặt thời gian. Đến nay, phần đông đánh giá IFC là không thực tế nhưng hoạt động này đã mở ra những hiểu biết có giá trị về sự phức tạp trong văn hóa của loài người, mối liên hệ giữa con người với thế giới tự nhiên. IFC cũng là minh chứng cho sự phát triển không ngừng của hệ thống đo thời gian của nhân loại.
Dù IFC đã bị hủy bỏ, nó vẫn khiến con người đặt câu hỏi về hiện trạng, phương pháp tối ưu hóa phép đo và nhận thức của nhân loại về thời gian.