Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn:

Nếu coi giáo dục là đột phá chiến lược thì cần có một vài ưu tiên

GD&TĐ - Sáng 20/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận.

Phát biểu tiếp thu ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, hôm nay là ngày đặc biệt, ngày lễ, ngày hạnh phúc của hơn 1 triệu người đang làm việc trong ngành Giáo dục.

Ngày 20/11 năm nay đặc biệt hơn, niềm hạnh phúc các nhà giáo được nhân lên khi đúng thời điểm này Quốc hội thảo luận Luật Nhà giáo. Trước đó, Chính phủ, Quốc hội thống nhất xây dựng, trình dự thảo Luật Nhà giáo đã là sự động viên rất lớn với hàng triệu nhà giáo trong cả nước.

Cảm ơn các ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ trưởng bày tỏ, với các quan điểm ủng hộ, tán thành, thống nhất rất cao đã được trao đổi, có thể cảm nhận sự đồng tình của các đại biểu; đó không chỉ là sự ủng hộ với dự thảo Luật Nhà giáo, mà còn thể hiện trách nhiệm với ngành Giáo dục và đất nước.

Với phần lớn các ý kiến của đại biểu góp ý vào các nội dung cụ thể, quy định chi tiết, Bộ trưởng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu từng ý kiến, để đưa vào Luật, nhưng phần lớn sẽ đưa sang các Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn.

Theo Bộ trưởng, ngoài Luật Nhà giáo còn có Luật Giáo dục và nhiều luật khác nên dự thảo Luật Nhà giáo không bao quát được. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng phải chấp nhận một vài điểm khác với các luật khác để phù hợp với sự phát triển của lực lượng nhà giáo.

botruongnguyenkimsonjpg2.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 20/11.

“Ví dụ như quy định về tuổi nghỉ hưu, quy định về thuyên chuyển, quy định dạy liên trường, liên cấp…” – Bộ trưởng viện dẫn và cho rằng, nếu xét thấy khác nhưng phục vụ mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo, mang lại sự tốt lành cho nhà giáo - mong các đại biểu ủng hộ.

Về một số ý kiến đối với xếp lương nhà giáo, Bộ trưởng cho biết, khi xây dựng, chúng tôi cũng phải nhìn cùng các ngành khác, không muốn ngành của mình có đặc quyền, đặc lợi hay ưu ái “bất thường”. Thế nhưng, trong số 1,6 triệu nhà giáo, phần lớn chưa đủ sống, khi đó không thể toàn tâm, toàn ý cho dạy học được.

Trong bối cảnh hiện nay, đất nước vừa thoát nghèo, chưa giàu, không thể “dàn hàng ngang” ưu tiên cho mọi việc. Nhưng khi đã xem là đột phá chiến lược, là quốc sách thì dứt khoát phải có một vài ưu tiên.

Đối với vấn đề dạy thêm nhận được một số đại biểu nêu, Bộ trưởng cho biết, chủ trương là không cấm dạy thêm nhưng cấm những hành vi vi phạm đạo đức về dạy thêm, trong đó có việc “giáo viên ép buộc học sinh học thêm”.

Nhấn mạnh tiếp thu tối đa các ý kiến, bao gồm 90 ý kiến thảo luận tại tổ và 36 ý kiến thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng khẳng định, dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng một phần vì khó khăn của nhà giáo nhưng lý do chính yếu là để phát triển đội ngũ nhà giáo.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt những người làm giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời chúc mừng tốt đẹp tới các đại biểu Quốc hội đã và đang công tác trong ngành Giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.