Nét đẹp văn hóa từ "Tết khuyến học"

GD&TĐ - Đã trở thành truyền thống, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, nhiều gia đình, dòng họ trên cả nước lại háo hức, sôi nổi với phong trào Tết khuyến học.

Lễ phát động Tết khuyến học Nghệ An năm 2022.
Lễ phát động Tết khuyến học Nghệ An năm 2022.

Lan tỏa phong trào khuyến học

Hàng năm, cứ vào ngày 5 Tết, Hội Khuyến học phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại tổ chức “Tết khuyến học” để vinh danh học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó vươn lên, các em đỗ đại học và biểu dương dòng họ, tổ dân phố làm tốt công tác khuyến học.

Nguyễn Ngọc Anh - sinh viên năm thứ nhất, Học viện Tài chính rất vui và hạnh phúc khi nhận được món quà ý nghĩa từ Hội Khuyến học phường. “Ngày Tết, ai cũng muốn có một món quà nào đó để làm vật may mắn, lì xì đầu năm. Món quà là nguồn động viên lớn giúp em phấn đấu trong học tập, để phát huy truyền thống hiếu học của địa phương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”, Ngọc Anh chia sẻ.

Theo ông Lê Văn Chư - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường Phú Đô, ngày hội khuyến học đầu năm là một trong những hoạt động quan trọng của Hội nhằm lan tỏa phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương. Hoạt động nhằm khích lệ các em vươn lên trong học tập, đồng thời huy động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nguồn lực giúp đỡ học sinh nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Trong những năm qua, phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Hệ thống tổ chức của Hội được kiện toàn, củng cố và lan tỏa đến khắp các tổ dân phố, dòng họ và toàn thể nhân dân. Nội dung, hình thức hoạt động của Hội Khuyến học có nhiều đổi mới, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao, nhiều phong trào có ý nghĩa.

Vào dịp Tết Nguyên đán, dòng họ Hoàng tại thị trấn Vinh Quang (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) lại tiến hành họp, đóng góp Quỹ khuyến học dòng họ để khen thưởng cho các cháu có thành tích học tập tốt. Không chỉ động viên các con, cháu nỗ lực học tập, dòng họ còn giáo dục nhân cách, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, răn dạy những điều hay, lẽ phải cho mỗi thành viên.

Cụ Hoàng Ngọc Lâm - Trưởng nhánh họ Hoàng sinh sống tại Hoàng Su Phì năm nay ngoài 90 tuổi nhưng vẫn khỏe và minh mẫn. Cụ cho biết: Dòng họ Hoàng, dân tộc Tày vốn gốc từ Cao Bằng đến lập nghiệp tại Hà Giang. Từ ngày đến vùng đất mới, dòng họ luôn có truyền thống khuyến học, khuyến tài, động viên con cháu học tập. Ngày Tết khuyến học được tổ chức vài năm nay đã có tác dụng rất tốt, giúp các cháu có thành tích học tập ngày càng tốt hơn.

Ông Hạng Mí De - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Giang - phấn khởi thông tin: Những năm gần đây, phong trào “Tết khuyến học” được tổ chức ngày càng rộng rãi trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Mỗi dịp Tết đến xuân về, Hội Khuyến học các cấp lại náo nức tổ chức những hoạt động tuyên dương, khen thưởng, động viên kịp thời học sinh, sinh viên nhân dịp năm mới.

Với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, phong trào khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh đã phát triển rộng khắp và ngày càng đi vào chiều sâu. Các phong trào đã kịp thời động viên, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân tham gia học tập suốt đời, tác động tích cực đối với việc nâng cao dân trí ở địa phương.

Hội khuyến học phường Phú Đô (Hà Nội) trao giấy khen cho những gia đình, dòng họ học tập tiêu biểu.
Hội khuyến học phường Phú Đô (Hà Nội) trao giấy khen cho những gia đình, dòng họ học tập tiêu biểu.

Tết khuyến học ở vùng đất hiếu học

Tại Thanh Hóa, “Tết khuyến học” được tổ chức hàng năm đã trở thành nét đẹp văn hóa góp phần động viên, khích lệ học sinh, sinh viên khá giỏi, có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học. Từ khi phong trào được phát động, cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc biệt là gặp mặt, giao lưu học sinh, sinh viên trong dịp đầu xuân, năm mới.

Trong buổi gặp mặt, giao lưu, nhiều học sinh, sinh viên chia sẻ những công việc, kế hoạch đã và sẽ làm cho sự học của quê hương, cũng như động lực vượt qua khó khăn vươn lên trong học tập, rèn luyện. Ngoài ra, các em còn được nhận những phần quà, học bổng ý nghĩa, nhân thêm niềm vui trong mùa xuân mới.

Theo ông Vương Văn Việt - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa, việc phát động phong trào “Tết khuyến học” vào dịp Tết Nguyên đán nhằm hướng tới mục tiêu quan tâm, chăm lo tốt hơn nữa việc học của con em ở mỗi gia đình, dòng họ. Đây cũng là dịp để từng gia đình giáo dục truyền thống hiếu học của dòng họ mình; biểu dương thành tích học tập, động viên con em phấn đấu vươn lên trong học tập.

Tại Nghệ An, năm 2022 là lần thứ 19 phong trào Tết khuyến học được tổ chức. Tết khuyến học Nghệ An năm nay được phát động từ Rằm tháng Chạp đến Rằm tháng Giêng với nhiều hoạt động ý nghĩa như vận động xây dựng, phát triển các loại hình Quỹ khuyến học, trao thưởng khuyến học cho học sinh, sinh viên có thành tích học tập và rèn luyện tốt, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

“Tết khuyến học năm nay được phát động trong bối cảnh toàn ngành Giáo dục chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, Hội Khuyến học tỉnh và các cấp Hội Khuyến học đã tổ chức nhiều hoạt động để chung tay cùng ngành Giáo dục hỗ trợ học bổng, máy tính, điện thoại cho học sinh”, ông Nguyễn Thanh Hiền - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An trao đổi.

Cũng với ý nghĩa trên, nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc, Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An tiếp tục phát động và triển khai “Tết khuyến học”. Qua nhiều năm tổ chức, chương trình được triển khai hiệu quả ở cơ sở; các tầng lớp nhân dân, đoàn thể xã hội, doanh nghiệp hưởng ứng rộng rãi và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Đây là hoạt động được tổ chức thường niên vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội cùng chung tay chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài ở các địa phương. Qua đó nhằm tôn vinh sự học và tô thắm thêm truyền thống hiếu học của người dân xứ Nghệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.