Thật nhẹ và êm nhưng cũng đủ làm rạo rực lòng người, làm xôn xao cả đất trời, cỏ cây, hoa lá. Có khá nhiều những nét đẹp truyền thống của dân tộc ta vẫn được gìn giữ, hội tụ mỗi dịp xuân về, tết đến.
Trong đó, không thể không kể đến tục gói bánh chưng, nhất là ở các vùng nông thôn. Với người Việt Nam nói chung, bánh chưng luôn được coi là một món ăn, một biểu tượng không thể thiếu trong ngày đầu năm mới. Dẫu rằng ngày nay,do nhịp sống thời hiện đại, bánh chưng có mặt suốt cả bốn mùa. Lúc nào ra chợ,người ta cũng có thể mua được những chiếc bánh chưng như ý nhưng công việc gói bánh chưng ngày tết không vì thế mà mất đi ý nghĩa. Nó vẫn còn đó, vẹn nguyên như một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt.
Thú vị nhất là lúc luộc bánh. Đây là khoảnh thời gian mà gần như tất cả mọi người trong gia đình cùng vui vầy, quần tụ. Người già nhâm nhi chén nước trà nóng hoặc bỏm bẻm nhai trầu rồi kể cho con cháu nghe bao nhiêu là chuyện. Trong những câu chuyện ấy,thế nào họ cũng nhắc đến chàng hoàng tử Lang Liêu thông minh, cần cù, hiếu thảo và nguồn gốc của chiếc bánh chưng, bánh dầy.
Trẻ con thì háo hức, ngước cặp mắt ngây thơ nghe người lớn kể chuyện bên ánh lửa bập bùng như những chùm pháo hoa đêm hội. Bên nồi bánh chưng đượm sắc màu cổ tích, trong vòng tay ấm êm của người lớn,giấc ngủ êm đềm đến đến với chúng tự khi nào chẳng rõ. Mãi tới khi mùi thơm đầy quyến rũ từ những chiếc bánh chưng đã chín được người lớn vớt ra tỏa khắp căn bếp, trẻ con mới bừng tỉnh giấc. Đã thành lệ, đợi bánh chưng ráo nước,người lớn bao giờ cũng lựa một cặp bánh đẹp nhất để bày lên bàn thờ gia tiên, thắp nén nhang thơm tỏ lòng thành kính với cội nguồn, tiên tổ.
Rồi sau đó mới chia những chiếc bánh nhỏ cho trẻ con. Nhận những chiếc bánh chưng nhỏ xinh từ tay người lớn, trẻ con vui mừng như vừa nhận được món quà kì diệu từ ông tiên trong những câu chuyện cổ tích mà chúng vẫn thường nghe. Cứ thế, trẻ con, người lớn, ai cũng vui như tết.
Tết thời hiện đại, người ta không coi trọng nhiều đến việc ăn uống. Tuy vậy, dù hiện đại thế nào thì trong mấy ngày tết cũng không thể thiếu những món ăn truyền thống, trong đó có món bánh chưng. Việc gói bánh chưng cũng vì thế mà càng thêm ý nghĩa, nhất là ở nông thôn. Nó đã góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt nói chung, vẻ đẹp truyền thống ở các vùng thôn quê – vẻ đẹp của nếp sống nơi hương đồng gió nội nói riêng.
Báo Giáo dục&Thời đại kính mời quý độc giả chia sẻ những kỷ niệm, hình ảnh Tết đáng nhớ của mình, góp phần lưu giữ kỷ niệm đẹp của một mùa Xuân yêu thương 2019.
Mọi bài viết của quý độc giả sẽ được biên tập phù hợp. Các bài viết đăng tải sẽ được nhận nhuận bút của Báo Giáo dục&Thời đại.
Đặc biệt, bài viết có lượt đọc cao nhất sẽ nhận được một Quý báo biếu các ấn phẩm của Báo Giáo dục&Thời đại.
Quý độc giả gửi bài viết về email: gdtddientu@gmail.com và ghi rõ Gửi chuyên mục Xuân yêu thương 2019 kèm họ và tên, số điện thoại liên hệ, số tài khoản.
Kính chúc quý độc giả một mùa Xuân an khang, thịnh vượng.
Trân trọng.
Báo Giáo dục&Thời đại