Về phương án môn thi, thầy Huấn đề xuất thi tốt nghiệp THPT 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn học sinh tự chọn trong các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Lý giải cho lựa chọn này, thầy Huấn cho rằng: Thi tốt nghiệp THPT 4 môn thay vì 5 hoặc 6 môn sẽ bớt áp lực thi cử cho học sinh; đồng thời, giảm bớt tốn kém về chi phí.
Bên cạnh đó, không thể bắt buộc thi môn Ngoại ngữ trong thời điểm hiện nay vì chất lượng dạy học môn này không đồng đều giữa các vùng miền.
Việc dạy học ngoại ngữ còn nhiều hạn chế ở các vùng miền khó khăn, trong khi chúng ta chỉ mới bắt đầu triển khai Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Nếu cho phép chọn thi Ngoại ngữ sẽ tạo thuận lợi cho học sinh học tốt môn học này bởi số lượng học sinh học tốt môn Ngoại ngữ ngày càng nhiều; đồng thời, cũng tạo thuận lợi cho việc triển khai Đề án dạy học Ngoại ngữ...
Tuy nhiên, với việc cộng điểm khuyến khích, thầy Nguyễn Văn Huấn cho rằng, thi tốt nghiệp không nên cộng điểm khuyến khích như thi tuyển.
“Thi tuyển thì 1, 2 điểm khuyến khích có khi có ý nghĩa quyết định đậu hỏng. Nhưng cộng 1, 2 điểm trong thi tốt nghiệp không có ý nghĩa gì lớn đối với thí sinh.
Có thể 1, 2 điểm cộng thêm quyết định đậu hỏng hoặc chuyển xếp loại, nhưng thật sự không ảnh hưởng nhiều so với thi tuyển. Nên cộng điểm khuyến khích có thể gây thiệt thòi quyền lợi cho học sinh học tốt Ngoại ngữ” - Thầy Huấn cho biết.
Với quy định miễn thi tốt nghiệp THPT cho một số đối tượng học sinh, thầy Huấn cũng ủng hộ, nhưng cho rằng, Bộ GD&ĐT cần quy định tiêu chí rõ ràng, chặt chẽ, để căn cứ vào đó các địa phương thực hiện.
Làm như vậy, các địa phương sẽ không gặp khó khăn đối với sức ép, can thiệp từ bên ngoài. Tỉ lệ 20% miễn thi cho mỗi tỉnh có thể mang tính chủ quan.
“Dù có thể Bộ GD&ĐT dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT các năm qua để ấn định tỉ lệ miễn thi, nhưng tỉ lệ này vẫn mang tính chủ quan.
Theo tôi, không nên ấn định tỉ lệ 20% mà cứ quy định tiêu chí miễn thi. Nếu muốn có một tỉ lệ miễn thi cao thì quy định các tiêu chí không quá khắt khe.
Nếu Bộ quy định 20% rồi giao về cho địa phương quyết định thì chẳng khác nào Bộ gây khó khăn cho địa phương chứ không phải trao quyền quyết định” - Thầy Huấn bày tỏ.
*****
Nhằm giúp Ngành Giáo dục có một phương án thi tốt nghiệp ổn định từ khi bắt đầu triển khai cho đến khi có lứa học sinh đầu học xong chương trình mới để thi theo phương án mới, vừa giảm áp lực cho học sinh vừa đảm bảo đánh giá thực chất hơn, báo GD&TĐ mở Diễn đàn đổi mới thi tốt nghiệp THPT 2014, đăng tải rộng rãi những ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các nhà giáo, chuyên gia trong và ngoài ngành Giáo dục, các em học sinh và các bậc cha mẹ.
Mọi trao đổi, đóng góp xin gửi về: thitnpt@gmail.com