Nền tảng thực của chất lượng

Nền tảng thực của chất lượng

(GD&TĐ) - Ngày 4/12, hầu hết các trang báo mạng phổ biến trong nước đã đồng loạt đưa tin một cách trang trọng về kết quả đánh giá học sinh quốc tế (PISA) năm 2012, do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố tối 3/12, với thứ hạng cao của học sinh Việt Nam trên các lĩnh vực đánh giá. Ngỡ ngàng, tự hào và cả… bất ngờ. Chẳng phải riêng chúng ta, cả thế giới cũng phải bất ngờ trước kết quả này. Tuy nhiên, đó lại là một bất ngờ thú vị với những kết quả hoàn toàn xứng đáng xuất phát từ nền tảng thực của chất lượng GD nước nhà.

Cũng không ngạc nhiên khi thế giới tỏ ra bất ngờ về kết quả xếp hạng PISA 2012 của học sinh Việt Nam. Trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, chúng ta có thu nhập bình quân đầu người (GDP) thấp nhất.

Để nhìn nhận rõ hơn về tác động của GDP đối với chất lượng GD, ngay sau khi kết quả PISA 2012 được OECD công bố, tờ The Guardian của Anh quốc đã đưa tin: Báo cáo (của OECD) xem xét cả đến yếu tố kinh tế ảnh hưởng tới điểm số môn Toán của học sinh như thế nào. Kết quả là có một mối tương quan giữa GDP và khả năng của học sinh.

Mối quan hệ này cho thấy 21% sự thay đổi trong điểm số trung bình của các nước có thể được dự đoán dựa trên GDP (con số này ở các nước OECD là 12%). Những quốc gia có thu nhập trên đầu người cao hơn sẽ có lợi thế hơn, mặc dù bảng xếp hạng không biểu diễn bản chất nhân quả của yếu tố này.

Tuy vậy, cũng có một số ngoại lệ như Qatar đạt điểm số trung bình môn Toán khá thấp là 376 điểm (Việt Nam là 511 điểm), trong khi GDP khá cao – 77.000 USD. 

Rõ ràng điều kiện kinh tế có những tác động nhất định đến chất lượng GD, nhưng đó không phải là tất cả. Cái quan trọng là sự nỗ lực của toàn hệ thống, từ sự chăm lo cho GD - ĐT của Đảng, Nhà nước, các nhà quản lý GD đến người dạy và người học.

Không riêng gì Việt Nam, ở bất kỳ xã hội nào, GD -ĐT cũng luôn là mối quan tâm hàng đầu, bởi đầu tư cho GD là đầu tư cho tương lai của đất nước. Do đó, sự kỳ vọng luôn được đặt cao hơn khả năng đáp ứng (và cả tiềm năng có thể đáp ứng). Nền GD - ĐT của chúng ta cũng không là ngoại lệ. 

Thời gian qua, ngành GD liên tục nhận được những đánh giá nghiêm khắc của dư luận, với cả những vấn đề nội tại của ngành lẫn các hiện tượng xã hội có thể tác động tới ngành.

Tuy nhiên, chỉ không lâu sau khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI) của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT được ban hành, một tin vui mới lại đến với ngành GD nước nhà qua bảng công bố kết quả xếp hạng PISA 2012 của OECD.

Một sự ghi nhận hoàn toàn khách quan. Một minh chứng cho chất lượng thực của một nền GD trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế. Kết quả ấy chỉ có thể đạt được trên nền tảng thực của chất lượng.

Cùng với Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8, những kết quả được công bố hôm nay sẽ là tiền đề để GD&ĐT Việt Nam tiếp tục đổi mới theo hướng căn bản và toàn diện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Nhất Nguyên

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ