Nền tảng đặc biệt quan trọng cho phát triển đất nước

GD&TĐ - Chính phủ vừa trình Quốc hội Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Trong đó có điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%. Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người trên 5.000 USD…

Các động lực tăng trưởng là tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP. Trong đó đầu tư công khoảng 36 tỷ USD, đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD, FDI khoảng 28 tỷ USD, đầu tư khác khoảng 14 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 12% trở lên; thặng dư thương mại đạt khoảng 30 tỷ USD.

Có thể thấy, những chỉ tiêu tăng trưởng đề ra trong Đề án thể hiện quyết tâm, nỗ lực rất lớn của Chính phủ nhằm củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu này không hề đơn giản bởi các “dữ liệu” như dù năm 2024, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu; GDP ước tăng 7,09% nhưng kinh tế - xã hội nước ta vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức.

Cụ thể như thiên tai, bão lũ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Quy mô, sức chống chịu của nền kinh tế còn khiêm tốn, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và khu vực FDI. Các động lực tăng trưởng truyền thống chưa được cải thiện mạnh mẽ, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Khu vực doanh nghiệp vẫn đối diện với nhiều khó khăn, trong khi động lực tăng trưởng mới chưa rõ ràng. Điều này thể hiện qua việc chỉ riêng tháng 1 đã có tới 58,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP cũng chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ.

Do đó, bên cạnh quyết tâm, điều quan trọng như ý kiến của các đại biểu Quốc hội là cần theo dõi và có phản ứng linh hoạt với từng hoàn cảnh, diễn biến của các cuộc chiến tranh thương mại. Phân tích rõ mặt tích cực cũng như tiêu cực để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Ngoài ra, cần đặc biệt chú trọng tới vấn đề hoàn thiện thể chế. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ; các bộ, ngành Trung ương đã ban hành nhiều luật, nghị định, thông tư để tháo gỡ các điểm nghẽn về chính sách pháp luật, góp phần khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn; góp phần khắc phục “điểm nghẽn” thể chế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, hiện nay thể chế vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo.

Nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực ở trong dân.

Bởi vậy, theo đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (Long An) thì suy cho cùng, hoàn thiện thể chế là giải pháp quan trọng nhất để tạo sự đột phá và phát triển bền vững, khơi thông nguồn lực, tạo được dư địa để phát triển trong tương lai.

Mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên cho năm 2025 là thách thức lớn nhưng nếu đạt được sẽ tạo nền tảng đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ