Nên sớm trang bị phương pháp luận triết học cho HS

Nên sớm trang bị phương pháp luận triết học cho HS

(GD&TĐ)-Sinh viên sợ môn Triết học dường như đã trở thành chuyện “xưa như trái đất”. Nhiều giảng viên giảng dạy môn học này cũng đặt vấn đề cấp thiết cần đổi mới cách dạy và học Triết học. Nhưng, để người học thực sự hiểu được sự cần thiết của môn học này, khó hơn nữa là thực sự yêu thích môn học vẫn là bài toán vô cùng nan giải.

Sinh viên sợ Triết

Trong giảng đường đại học, môn Triết học dường như là mối “kinh hoàng” đối với rất nhiều sinh viên, kể cả những sinh viên khá, giỏi. Không ít sinh viên thú nhận mình khó có thể tỉnh táo đến cuối giờ khi học Triết, cũng không ít sinh viên ngậm ngùi để “trượt” học bổng hoặc thậm chí lỡ cả năm học vì môn học này.

Trừu tượng, khó hiểu là cụm từ thường gặp nhất khi các bạn sinh viên nhận xét về môn học này. Thùy Linh – sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền tâm sự khi học Triết: Thực sự, dù đã rất cố gắng nhưng hầu như em không hiểu được bao nhiêu nội dung bài dạy trên lớp. Dù thầy giảng bài rất nhiệt tình nhưng do toàn những thuật ngữ chuyên ngành, quá khái quát, trừu tượng nên bài học không thể vào đầu nổi. Sau đó, em đã cố gắng đọc sách trước ở nhà nhưng tình hình cũng không cải thiện được bao nhiêu.

Lối giảng dạy còn mang tính kinh viện, giáo điều, bản thân môn học với những nguyên lý, quy luật, phạm trù… khó hiểu khiến sinh viên “sợ” dẫn đến chán đã đành. Nhưng, nhiều sinh viên cho rằng đây là môn học ít ứng dụng trong thực tế không giúp ích gì cho công việc tương lai nên lơ là, cúp tiết, nghỉ học… Chính vì vậy, tỉ lệ sinh viên thi lại môn Triết học luôn rất cao.

Ngay cả những sinh viên theo ngành Triết học cũng tự nhận mình vất vả với môn học này. Nhiều nguyên nhân gộp lại khiến cho ngành Triết học ngày càng ít được sinh viên lựa chọn. Điểm chuẩn vào ngành này thường không cao nhưng các trường vẫn phải tuyển đến NV2, NV3 mới mong đủ chỉ tiêu.

Tạo môi trường triết học từ … lớp 1

GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn cho rằng, thực trạng dạy – học Triết học hiện nay giống như việc đem hạt giống tốt gieo lên thửa ruộng “chưa được chuẩn bị”. Là một môn học khó nhưng học sinh từ phổ thông vào đại học chưa được chuẩn bị một cách đầy đủ, khoa học cho việc học triết học. Ngược lại, các môn học khác ít nhiều đã có sự chuẩn bị từ thấp lên cao ở bậc phổ thông.

Theo GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn, ở trường phổ thông, cho đến hết lớp 11, chưa nên có môn học “triết học” nhưng nên dùng 11 năm từ lớp 1 đến lớp 11 để tạo môi trường về phương pháp luận cho học sinh. Sau 11 năm tích lũy, lên lớp 12 cho học sinh học một giáo trình triết học duy vật biện chứng gọn, nhẹ, bổ ích và khi lên đến đại học thì sinh viên đã có khả năng đi sâu, mở rộng, lên cao tùy theo nhu cầu và hứng thú của từng người.

Về việc tạo môi trường phương pháp luận cho học sinh, GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn đưa ra 1 ví dụ sinh động từ việc dạy học toán cho học sinh lớp 1: “Làm phép cộng 2+9 đòi hỏi sự thông minh là thay 2+9 bằng 9+2 (tính giao hoán của phép cộng): tận dụng được số lớn là 9, chỉ cần đếm thêm: 9 cộng 1 là 10, 10 cộng 1 là 11. Nếu là phép cộng 8+9 thì cách trên không có lợi nhiều vì 8 cũng lớn nên phải nghĩ cách khác đổi 9 thành 10 - 1 thì sẽ có 8+10 thành 18, 18 trừ 1 thành 17... Chỉ cần với mấy phép tinh đơn giản như trên đã có thể giáo dục được tư duy biện chứng cho học trò, nếu giáo viên có thêm tài năng sư phạm”.

Nhận định trong bối cảnh hiện nay, dạy Triết thế nào để chinh phục được người học là một vấn đề khó khăn, TS Nguyễn Thị Toan - Khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lý giải nguyên nhân chủ yếu do mâu thuẫn giữa yêu cầu của bộ môn với trình độ thực tế của đội ngũ giảng viên; giữa khối lượng kiến thức đồ sộ với thời gian dạy học bị rút ngắn; mâu thuẫn giữa kiến thức lý luận và thực tiễn cuộc sống; mâu thuẫn giữa yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại với điều kiện vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, lạc hậu và mâu thuẫn giữa yêu cầu của môn học với quan niệm của xã hội về vị trí, vai trò của môn học.

TS Nguyễn Thị Toan cho rằng, để Triết học thực sự còn chỗ đứng đối với người học, cần khắc phục được những điểm khó trên bằng những giải pháp đồng bộ, toàn diện: sự chỉ đạo sát sao của các cấp các ngành; đổi mới nội dung chương trình, giáo trình một cách khoa học; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hợp lý; đổi mới nội dung, phương pháp, phương tiện dạy học theo hướng tiên tiến; thay đổi ý thức, thái độ và phương pháp học tập; thay đổi nhận thức xã hội về vị trí, vai trò môn học; tạo lập môi trường kinh tế - chính trị - văn hóa lành mạnh thuận lợi cho việc dạy Triết học...
 

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.