Nên làm gì khi phát hiện kẻ thứ 3 là đồng nghiệp thân thiết?

GD&TĐ - Không chỉ là con giáp thứ 13 chen chân vào gia đình hạnh phúc của đồng nghiệp, cô bồ nhí còn đăng đàn chê bai, nói xấu vợ nhân tình.

Nên làm gì khi phát hiện kẻ thứ 3 là đồng nghiệp thân thiết?

Chào chị Hoàng Hải Vân, 

Em năm nay 29 tuổi, là giáo viên dạy tiếng Trung. Vợ chồng em bằng tuổi nhau kết hôn được 7 năm, hiện có một con trai 4 tuổi.

 Cuộc sống hôn nhân không có gì để phàn nàn cho đến khi em phát hiện chồng có người thứ ba. Trớ trêu thay đó lại là nguời bạn chung của vợ chồng từ thời Đại học cũng là đồng nghiệp ở công ty. Họ cứ thế dan díu với nhau một thời gian dài em mới biết. Một phần do em chủ quan, quá tin tưởng chồng và bạn, bởi trước sau anh luôn tỏ ra quan tâm, yêu chiều vợ con hết mực. 

Khi mọi chuyện vỡ lở em còn phát hiện bao lâu nay trước mặt mình thì cô ta giả lả tình cảm thân thiết nhưng sau lưng lại đi nói xấu, chê bai em đủ điều.

Chẳng những vậy, cô ta liên tục nhắn tin cho em trơ trẽn nói rằng chồng em và cô ta thật lòng với nhau và tình cảm không phải là thứ có thể phân định đúng sai rồi đổ lỗi cho em kém cỏi, không biết giữ chồng...

Cũng vì chuyện này khiến em hay trách móc, cãi nhau với chồng mặc dù anh tỏ ra hối lỗi cam kết chấm dứt mối quan hệ này nhưng em vẫn cảm thấy ức chế. Tại sao có người đàn bà cướp tranh chồng bạn lại không cảm thấy xấu hổ hay ân hận còn trơ trẽn đi nói xấu họ như vậy?

Em có nên tha thứ cho chồng một cơ hội không?

Bạch Nhạn

Chuyên gia tư vấn Hôn Nhân Gia Đình Hoàng Hải Vân gợi ý trả lời: 

Em thân mến, 

Nếu đây là lần đầu tiên chồng em lầm đường lỡ bước và anh ấy cũng thể hiện hối lỗi, bên cạnh đó, bản thân em vẫn còn tình cảm với chồng thì tôi khuyên em nên tha thứ cho cuộc hôn nhân của mình một cơ hội. 

Nguyên nhân chính gây rạn nứt, tan vỡ hạnh phúc của một gia đình thì nó phải do hai người chứ không phải người thứ ba. Phải chăng nó bắt đầu từ việc vợ chồng có khoảng cách mới dẫn đến những phút lạc lối trong hôn nhân. 

Vì vậy, tốt hơn hết em nên bình tĩnh, tập trung vào cuộc hôn nhân của mình, cùng chồng ngồi xuống tìm cách chỉnh sửa, hàn gắn quan hệ vợ chồng. Hôn nhân khởi sắc chỉ khi cả hai cùng nỗ lực như đồng đội của nhau, khi cả hai quyết định chiến thắng cùng nhau hơn là tranh cãi thắng thua đến cùng. Thực tế một cuộc hôn nhân tốt đẹp không tự dưng mà có, đó là thành quả của rất nhiều nỗ lực.

Đề cập đến lý do tại sao người thứ ba có hành động khiêu khích, nói xấu em, tôi cho rằng nó xuất phát từ hai nguyên nhân sau:

Thứ nhất, đây là một dạng biểu hiện cô ấy đang ghen ngược với người vợ. Ai cũng biết tình yêu có một đặc điểm ấy là tính độc chiếm, mọi thứ có thể chia sẽ nhưng tình yêu thì không. Thế nên ghen ngược là hội chứng không hiếm gặp ở người thứ ba vì yêu đến mù quáng mà đánh mất khả năng quản lý cảm xúc bản thân.

Mộng tưởng lớn nhất của người đàn bà thứ ba bắt nguồn từ tâm lý “thấy đỏ thì tưởng chín” hênh hoang, tự đắc cho rằng bản thân được yêu chiều hơn vợ, rằng anh ta có thể vì mình rời bỏ người bạn đời bao năm chăn gối. Cho đến khi họ đủ tuyệt vọng để chấp nhận sự thật là hầu hết đàn ông khi ngoại tình đều vẫn yêu vợ. Thậm chí có anh còn không ngần ngại thừa nhận với nhân tình điều này. 

Bị ghen tuông làm mờ mắt nhưng cô ấy lại không ở vị trí là "người phụ nữ chính diện" để có thể thoải mái bộc lộ các cung bậc cảm xúc hỷ nộ ái ố của mình. Dù vậy cô ấy cũng phải tìm cách nào đó để giải tỏa, trút bỏ nó. Gọi điện, nhắn tin khiêu khích hoặc đi nói xấu vợ của nhân tình chính là tâm lý hành vi phổ biến, thường thấy ở những người thứ ba khi rơi vào hoàn cảnh này.

Nói về nguyên nhân thứ hai, tiếng Anh có một câu thế này: "Sometimes, people pretend you"re a bad person so they don"t feel guilty about the things they did to you". Tạm dịch : Đôi khi họ vờ như bạn là một người xấu để không thấy mặc cảm tội lỗi về những điều họ đã làm với bạn.

Phụ nữ, dại nhất là làm người thứ ba, vì dù đúng hay sai người thứ ba vẫn luôn thiệt thòi. Nếu biết người đàn ông đã có người yêu, có gia đình vợ con… vẫn cố tình làm kẻ ba thì càng khó mà thông cảm được. Sai hơn chính là khăng khăng ôm lấy cái phao lý luận "tình yêu không có lỗi" để bao biện cho việc dan díu ngay với chồng của bạn. 

Có thể ít nhiều cô ấy cũng nhận thức mình sai khi xen vào gia đình của bạn nhưng bị mắc kẹt không thoát ra được sau cùng đi đến hành vi nói xấu "đổ lỗi cho nạn nhân", trong tâm lý học gọi là "Victim Blaming". Đại loại như: Tại vì người vợ kém cỏi thế này, không tốt thế kia, không biết cách yêu chiều chồng, chia sẽ với chồng... nên anh ấy mới phải tìm đến người phụ nữ bên ngoài để cân bằng.

Đó là trường hợp mà người vợ (nói chung) có thể có trách nhiệm với những sự rạn nứt, đổ vỡ hạnh phúc gia đình của họ nhưng hầu hết, cái trách nhiệm đó đa phần đều bị thổi phồng lên và những yếu tố có liên quan khác bị xem nhẹ đi, hoặc thậm chí không được ngó ngàng tới. 

Việc đổ lỗi cho người vợ "không biết giữ chồng" không chỉ đơn giản là cách trốn tội, mà nó còn giúp kẻ thứ ba xóa nhòa cảm giác yếu nhược, mặc cảm tội lỗi về những điều mình đã làm đối với người phụ nữ từng là bạn thân và tình bạn với cô ấy bao năm qua. Tuy vậy, dù cô ấy bao biện thế nào thì trách nhiệm cũng cần đặt đúng chỗ của nó. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.