“Nảy mầm” trên miền đất khát

GD&TĐ - Bát Đại Sơn là xã biên giới huyện Quản Bạ (Hà Giang). Nơi đây được biết đến với địa hình núi đá chênh vênh, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. Nguồn nước sinh hoạt ở đây luôn thiếu thốn.

Việc sử dụng nước của GV, HS phải hết sức tiết kiệm. Ảnh: Đức Trí
Việc sử dụng nước của GV, HS phải hết sức tiết kiệm. Ảnh: Đức Trí

Cuộc sống của người dân nói chung và thầy trò nói riêng phải đối diện với nhiều thách thức. 

Cả tuần không... giặt quần áo

Dân số của xã Bát Đại Sơn khoảng hơn 3.000 người. 75% bà con thuộc dân tộc Mông và số còn lại là dân tộc Dao. 70% hộ gia đình trong xã thuộc diện nghèo, trồng ngô “trên đá” và chăn nuôi nhỏ lẻ. Năng suất lao động và thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp. 

Nói đến Bát Đại Sơn, không chỉ nói tới cái nghèo, mà còn biết tới như vùng đất “khát” bởi nguồn nước khan hiến. Với địa hình núi đá, mùa khô kéo dài, lượng nước sinh hoạt sản xuất của người dân và thầy cô giáo chủ yếu dựa vào thiên nhiên và một phần nước chứa trong các hồ treo. 

Mùa khô tại xã Bát Đại Sơn cũng diễn ra từ tháng 7 năm trước đến cuối tháng 4 thậm chí vắt sang đầu tháng 5 năm sau. Những tháng còn lại trong năm tuy có mưa nhưng lượng nước không nhiều nên dù có tích được cũng chỉ bảo đảm phần nào cho sinh hoạt của GV, HS khi bước vào năm học mới. 

Do lượng nước từ hồ chứa, nước tự nhiên ít nên hầu hết các thầy cô giáo ở Bát Đại Sơn chỉ có cách duy nhất là tăng cường tích trữ nước mưa từ mái các phòng học vào téc và hồ chứa. 

Cùng đó, các nhà trường kết hợp với bơm nước hàng ngày từ hủm và khe núi và hồ treo để sử dụng vào các hoạt động tắm giặt, vệ sinh. Lượng nước bơm được trong ngày luôn phải chắt chiu, cân đối để làm sao bảo đảm với lượng nước bơm về.

Trường PTDTBT TH Bát Đại Sơn, có hơn 300 HS và hơn 40 CBGV. Nước sinh hoạt hàng ngày của gần 400 người chủ yếu trông cậy vào công trình hồ treo xây dựng từ lâu và đang xuống cấp. Đặc biệt, với thời tiết hanh khô thiếu mưa thì chỉ tới giữa tháng 12 lượng nước có trong hồ treo sẽ cạn. Còn mùa mưa phải tới tháng 4 năm sau mới bắt đầu. 

Thầy Bùi Quang Hòa – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Bát Đại Sơn cho biết, nước sinh hoạt thiếu nhiều năm nay. Để ứng phó, các trườngchỉ có cách trữ nước mưa. Trường nào có diện tích rộng hơn thì đào đất xây bể chứa nước. Trường MN, THCS mặt bằng nhỏ hẹp thì tăng cường mua téc dự trữ nước.

Thầy Giàng Mí Mua - GV Trường PTDTBT Tiểu học Bát Đại Sơn trao đổi, hiện tại, nước để nấu ăn và uống cho HS, GV vẫn phải mua nước sạch đóng bình vận chuyển từ dưới xuôi lên với giá thành khá cao. Thầy cô gần như không có điều kiện để trồng rau, tăng gia sản xuất để hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày bởi khan hiếm nước tưới. Đa số GV có gia đình dưới huyện đều sẵn sàng cuối tuần mang quần áo bẩn về nhà giặt, đầu tuần mang quần áo sạch lên mặc cả tuần. 

“Nếu biết căn cơ thì lượng nước sinh hoạt hàng ngày ở các trường tạm đủ. Nhưng chất lượng nguồn nước không bảo đảm thì không thể tháo gỡ. 100% các nhà trường vẫn đang sử dụng nguồn nước không qua kiểm định. Nước chỉ được GV xử lý bằng cách thủ công là lọc qua cát bể lắng...” - thầy Nguyễn Trường Sơn – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Bát Đại Sơn cho biết.

Cũng được biết, tới nay, đa số các trường đều tiết kiệm chi tiêu ngân sách, một phần kêu gọi sự đóng góp của GV, các tổ chức xã hội để đầu tư mua sắmtéc đựng nước, máy bớm nước, dây dẫn bơm nướcnhưng vẫn còn rất khó khăn và cần thêm về vật dụng tích nước. 

Hồ treo tại xã Bát Đại Sơn bị xuống cấp và cạn kiệt nước. Ảnh: Đức Trí
Hồ treo tại xã Bát Đại Sơn bị xuống cấp và cạn kiệt nước. Ảnh: Đức Trí

Mong ước cháy bỏng trong cơn khát nước

Thiếu nước sinh hoạt đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của đội ngũ thầy cô giáo, HS trên vùng đất khát Bát Đại Sơn. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng chỉ có thích nghi và khắc phục hoàn cảnh để tồn tại chứ chẳng thể mong chờ những điều quá xa vời. 

Tại Trường PTDTBT TH Bát Đại Sơn, để bảo đảm nước sinh hoạt hàng ngày nhà trường đã thành lập đội với 3 thầy giáo chuyên đảm trách nhiệm vụ bơm nước, vận hành đường dây dẫn nước về trường. 

Thầy Giàng Mí Mua - 1 trong 3 thành viên được phân công đảm trách bơm nước. Thầy chia sẻ rằng, hủm bơm nước cách trường 300 mét. Nó nằm dưới độ sâu, lượng nước ít, chảy không thường xuyên. Vì thế, việc bơm và dẫn nước về trường không dễ dàng. GV nhà trường đã nghiên cứu và “sáng chế” ra cách lấy và bơm nước công phu. 

Từ khe hủm, nước được hứng đưa vào téc trữ. Khi téc đầy máy bơm sẽ tự động bơm chuyển lên các téc trữ nước đặt ở độ cao tầng thứ 2 và tiếp tục như vậy đến téc nước trữ ở độ cao tầng thứ 3. Từ đó bơm thẳng lên các téc trữ nước tại trường. 

Các máy bơm được lắp đặt vận hành tự động và song song với điều kiện nước đầy. Cách lấy nước này giúp GV không phải thức khuya, dậy sớm xếp hàng hứng từng ca nước đổ vào can, không phải chầu chực tại máy bơm nước đầu nguồn đợi nước chảy... Hàng ngày tổ trực nước chỉ cần quan sát nước chảy đủ lượng cần thiết vào téc nước ở tầng thứ nhất thì vận hành máy bơm để đưa nước về trường phục vụ sinh hoạt. 

Tuy nhiên, theo thầy Giàng Mí Mua, các hủm nước có thể bơm cứ đến mùa khô thì lượng chỉ đạt khoảng 4 khối nước/ngày. Mặt khác, bơm nước từ độ sâu đưa lên cao nên đường dây chuyển nước thường xuyên bị tức vỡ, máy bơm chạy quá tải dễ bị cháy. Để bảo đảm lượng nước chảy đủ vào téc và nước sinh hoạt hàng ngày thì tổ vận hành phải hết sức chú ý, khéo léo sao cho không để nước bơm bị ứ dẫn tới rạn nứt, hỏng hóc...

Thầy Nguyễn Trường Sơn – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Bát Đại Sơn cho biết, để khắc phục và thích nghi tình trạng thiếu nước, GV luôn quan tâm, nghiên cứu, sáng tạo trong việc bơm nước sinh hoạt hàng ngày. Cùng đó, phải thường xuyên dạy HS những kĩ năng sử dụng nước, tránh thất thoát lãng phí qua hoạt động tắm, giặt, tận dụng nước thải sinh hoạt hàng ngày…

Mong ước cháy bỏng của hầu hết đội ngũ GV, HS, các nhà trường tại xã Bát Đại Sơn vẫn là sự hỗ trợ của xã hội để các trường có thêm nhiều téc trữ nước mưa. Mỗi nhà trường chỉ có trên dưới 20 téc đựng nước thì lượng nước cho sinh hoạt vẫn còn thiếu thốn, chưa hể đáp ứng hết nhu cầu ngày càng cao về nước sinh hoạt của GV, HS. 

Tuy nhiên mỗi téc nước có giá 3 - 5 triệu đồng. Nguồn kinh phí được cấp hàng năm cho các trường học thì có hạn. Do đó, việc trang bị mua sắm téc đựng nước và vận dụng bơm nước thường xuyên hỏng vẫn là bài toán kinh tế chưa có lời giải của các nhà trường. Chỉ có sự chung tay, góp sức hỗ trợ từ các tổ chức, xã hội thì đời sống thầy trò vùng đát khát Bát Đại Sơn mới bớt vất vả nhọc nhằn. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.