NATO nói gì về tham vọng lập vùng đệm ở Kursk?

GD&TĐ - Một nhà phân tích người Na Uy lên tiếng về mục tiêu của Kiev trong cuộc tấn công vào khu vực Kursk là nhằm xây dựng vùng đệm trong lãnh thổ Nga.

NATO nói gì về tham vọng lập vùng đệm ở Kursk?

Mới đây, chuyên gia quân sự Markus Göransson từ Học viện Quốc phòng Na Uy đã bình luận trong cuộc phỏng vấn với tờ báo buổi sáng lớn nhất Thụy Điển Dagens Nyheter về kết quả cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Ukraine vào khu vực Kursk của Nga.

Trả lời câu hỏi về khả năng xảy ra việc quân đội Ukraine ở khu vực Kursk bị Lực lượng Vũ trang Nga bao vây, Göransson nói rằng ông coi rủi ro như vậy là không đáng kể, bởi đã hơn 3 tuần trôi qua mà vẫn chưa xuất hiện những dấu hiệu nào như vậy, quân Nga vẫn đang vất vả chặn bước tiến của lực lượng Ukraine trong khu vực này.

Theo ông, để bao vây được các nhóm quân Ukraine ở Kursk, các lực lượng Nga phải hành động nhanh chóng chặn được bước tiến của đối phương, đồng thời mở các cuộc tấn công vu hồi vào phía sau lưng quân Ukraine, điều mà cho đến nay họ chưa thể hiện được trong cuộc xung đột này.

Khi được hỏi ông thấy triển vọng nào cho một cuộc tấn công của Lực lượng vũ trang Ukraine vào năm 2025, vị chuyên gia quân sự của quốc gia NATO trả lời rằng, tất cả phụ thuộc vào việc liệu Kiev có đủ người và trang thiết bị để thực hiện những cuộc tấn công như vậy hay không.

Nhà nghiên cứu người Na Uy tuyên bố rằng, cho đến thời điểm này rất khó đánh giá về khả năng như vậy, nhưng thực sự là Lực lượng Vũ trang Ukraine chỉ có khả năng tiến hành không quá một chiến dịch như vậy mỗi năm, mà cuộc tấn công vào vùng Kursk đã tiêu tốn tất cả lực lượng dự bị của họ.

Cho đến nay, Kiev đã bắt đầu tuyển mộ thêm binh sĩ nhờ luật nghĩa vụ quân sự mới, giúp Lực lượng vũ trang Ukraine thu hẹp một số lỗ hổng nhân sự tồn tại trong quân đội, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu điều này có đủ để tạo ra một lực lượng tinh nhuệ cho các chiến dịch tấn công tiếp theo hay không?

Hơn nữa, ngoài việc huy động đủ lực lượng, việc triển khai các chiến dịch lớn còn phụ thuộc chủ yếu vào sự hỗ trợ mà Ukraine sẽ tiếp tục nhận được từ phương Tây.

Một câu hỏi khác liên quan đến việc liệu vị chuyên gia này có coi động cơ được tuyên bố của Kiev trong việc tạo ra “vùng đệm” trong lãnh thổ Nga là đúng hay không, ông Markus Göransson cho biết, điều này là không thực tế.

Chuyên gia người Na Uy coi những lý do thực sự của cuộc tấn công là khác với những tuyên bố của Ukraine, mục đích chính của Kiev là cải thiện vị thế trong các cuộc đàm phán có thể xảy ra, mong muốn “gây bất ổn cho chính phủ Nga” và “củng cố tinh thần của chính mình”, vốn đã liên tục sa sút trước đó.

Bên cạnh đó, giới chức Kiev còn muốn trình bày một số chiến thắng với những người ủng hộ họ ở phương Tây và thay đổi nhận thức khá u ám về cuộc chiến đã lan rộng ở Ukraine, dẫn đến giảm sự ủng hộ dành cho chính quyền của ông Zelensky.

Ngoài ra, vị chuyên gia Na Uy còn bàn về việc việc sẽ có nước mở thêm mặt trận mới đe dọa tấn công vào nước Nga, vấn đề hiện đang được thảo luận khá cởi mở và liên tục trên các phương tiện truyền thông phương Tây trong thời gian gần đây.

Khi được hỏi liệu các quốc gia khác, chẳng hạn như Georgia (Gruzia) và các cường quốc chưa xác định khác, có thể “mượn gió bẻ măng”, lợi dụng Nga đang sa lầy ở Ukraine để mở thêm các cuộc tấn công vào lãnh thổ Liên bang Nga hay không, ông Markus Göransson tin rằng, hiện tại những kịch bản như vậy khó có thể trở thành hiện thực.

“Tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy các quốc gia khác có ý định hoặc khả năng lợi dụng vị của Nga ở Ukraine để cố gắng thay đổi biên giới của họ bằng vũ lực” - chuyên gia Marcus Göransson khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ