Tạp chí phân tích National Interest mới đây đã đăng tải nhận định cho rằng, bước đi mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Syria thực sự đáng được nhắc đến với tinh thần tích cực.
Lý giải về điều này, tờ báo Mỹ cho rằng, ông Trump đã chấm dứt hơn một thập kỷ trì trệ trong việc thiết lập chính sách đối ngoại.
Tại Diễn đàn Đầu tư Mỹ - Ả Rập Xê Út tổ chức ở Riyadh hôm qua, Tổng thống Donald Trump đã gây bất ngờ lớn khi tuyên bố sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Syria.
Quyết định này khiến nhiều quan sát viên bất ngờ, dù trên thực tế, điều đó không hẳn là khó đoán khi chính quyền của Bashar al-Assad – đối tượng chính của các lệnh trừng phạt – đã bị lật đổ từ đầu tháng 12 năm 2024.
Dẫu vậy, giới quan sát cho rằng, với tư duy lâu nay của các nhà hoạch định chính sách ở Washington, thì đây vẫn là một tuyên bố mang tính đột phá.
Việc Tổng thống Trump tỏ ra sẵn sàng thoát khỏi lối tư duy cứng nhắc khi điều đó phục vụ lợi ích quốc gia là điều đáng ghi nhận. Dự kiến, ông cũng sẽ có cuộc gặp không chính thức với tân Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa trong ngày 15/5.
Trong bối cảnh Syria hậu Assad hiện không còn giữ vai trò trung tâm trong chiến lược khu vực của Mỹ, điều tối ưu vẫn là duy trì sự thống nhất quốc gia và hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế. Một Syria ổn định sẽ có khả năng tự mình kiểm soát các tàn dư của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), đồng thời hạn chế ảnh hưởng của đối thủ Mỹ.
Dưới góc nhìn từ Washington, một Syria lý tưởng cũng cần tôn trọng chủ quyền của Liban và không đe dọa đến an ninh của Israel.
Cùng với đó, do thiếu hụt các nguồn vốn hỗ trợ từ phương Tây, trách nhiệm đầu tư vào quá trình tái thiết Syria nhiều khả năng sẽ thuộc về các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh giàu có. Về mặt địa lý và nhân khẩu học (với đa số dân theo Hồi giáo Sunni), Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ là một đối tác quan trọng trong tiến trình phục hồi của Syria.
Vì vậy, một mức độ ảnh hưởng nhất định từ Ankara là điều có thể dự đoán trước và không đi ngược lại lợi ích của Mỹ.
Người Mỹ sẽ tiếp tục điều gì ở Syria?
Sau khi Assad sụp đổ, các cuộc thảo luận tại Washington chuyển hướng sang cách thức điều hành của chính quyền mới ở Syria. Ví như nguy cơ trả thù tôn giáo dưới thời lực lượng Hồi giáo Sunni hiện nắm quyền. Phong trào Hayat Tahrir al-Sham (HTS), do Tổng thống Sharaa lãnh đạo, đang giữ vai trò trung tâm trong bộ máy cầm quyền, dù vẫn nằm trong danh sách tổ chức khủng bố của Mỹ.
Ban đầu, nhiều ý kiến phản đối việc dỡ bỏ toàn diện các lệnh trừng phạt vì lo ngại xu hướng Hồi giáo cực đoan, và chỉ ủng hộ miễn trừ nhân đạo có chọn lọc. Chính quyền Biden đã ban hành miễn trừ này từ tháng 1, nhưng phần lớn các lệnh trừng phạt theo Đạo luật Caesar vẫn kéo dài đến năm 2029.
Giới hoạch định chính sách Mỹ từng yêu cầu Syria phải đạt được một loạt “tiêu chí” cải cách, bao gồm soạn thảo hiến pháp mới, mới được dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận. Tuy nhiên, cách tiếp cận này khiến Syria khó tiếp cận đầu tư cần thiết để phục hồi hạ tầng và tái thiết kinh tế – vốn đang rơi vào tình trạng sống lay lắt nếu không có hỗ trợ dài hạn.
Israel và toan tính chính trị tại Syria
Gần đây, Israel đẩy mạnh các cuộc thảo luận về việc duy trì Syria trong trạng thái yếu kém, thậm chí ủng hộ khả năng chia cắt đất nước này.
Sau khi Assad rút lui và Hezbollah suy yếu, Tel Aviv nhanh chóng mở rộng kiểm soát tại khu vực phía Bắc và Đông Golan, đồng thời không kích phá hủy hạ tầng quân sự còn sót lại. Một số lãnh đạo cánh hữu, như Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich, công khai ủng hộ phương án chia rẽ Syria.
Song song đó, Israel tăng cường quan hệ với cộng đồng Druze ở tây nam Damascus, cấp phép lao động và tổ chức hành hương tôn giáo.
Những động thái này càng gây nghi ngờ trong bối cảnh có các bàn thảo về phân chia lãnh thổ. Cộng đồng Druze hiện đứng giữa lựa chọn khó khăn – giữa một Israel chủ động và một chính quyền Hồi giáo mà họ không tin tưởng.
Chính quyền Sharaa đến nay vẫn giữ được ổn định và hạn chế các hành động trả thù sắc tộc, dù không ngăn được các vụ tấn công vào cộng đồng Alawite hồi tháng Ba.
Dù cam kết cải cách, Sharaa tỏ ra không mặn mà với dân chủ kiểu phương Tây. Hiến pháp lâm thời vẫn chỉ là sắc lệnh, luật Hồi giáo tiếp tục đóng vai trò cốt lõi.
Kỳ vọng vào một Syria tự do, dân chủ theo mô hình phương Tây là không thực tế – điều này khiến giới chính sách phương Tây khó hài lòng nếu không đạt đủ “chuẩn mực” mà họ đề ra.
Giới quan sát cho rằng, những điều mà ông Trump đang muốn hướng đến thực chất là những quan điểm tư duy của một vị Tổng thống tỷ phú.
Các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh và giới doanh nhân trong khu vực có thể đầu tư vào tái thiết hạ tầng và phát triển một nền kinh tế độc lập cho Syria – không phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Trong tương lai, các quốc gia phương Tây cũng có thể tái tham gia vào việc phát triển tài nguyên thiên nhiên của Syria.
Khi đó, Syria sẽ có cơ hội xây dựng hệ thống chính quyền theo mô hình riêng, không bị can thiệp từ bên ngoài. Chính những điều kiện đó mới có thể giúp Damascus không phải tìm đến sự hỗ trợ của Moscow hay Tehran – điều có thể gây phương hại đến hòa bình khu vực.