Nâng trình độ Anh ngữ học sinh qua sân chơi quốc tế

GD&TĐ - Cô giáo Trần Thị Mai Khanh, trường Tiểu học Bắc Cường (Lào Cai) được biết tới với bề dày thành tích, sáng kiến trong dạy học tiếng Anh.

Cô giáo Trần Thị Mai Khanh cùng học sinh Trường Tiểu học Bắc Cường (Lào Cai)
Cô giáo Trần Thị Mai Khanh cùng học sinh Trường Tiểu học Bắc Cường (Lào Cai)

Giúp trò giỏi tiếng Anh với sân chơi quốc tế

Với mong muốn học sinh có cơ hội nâng cao kĩ năng nghe nói, chia sẻ những bài học với bạn bè quốc tế và thêm yêu thích bộ môn Tiếng Anh, mặt khác tạo cơ hội để các em khẳng định khả năng vận dụng tiếng Anh vào cuộc sống, cô giáo Trần Thị Mai Khanh đã tích cực vận động học sinh đến với các sân chơi quốc tế.

Để học trò có điều kiện và mạnh dạn tham gia các sân chơi quốc tế bổ ích, hiệu quả…, cô Khanh đưa ra hàng loạt giải pháp phù hợp. Trước hết, thông qua họp phụ huynh và các kết quả đạt được của học sinh từng vòng thi cô tích cực tuyên truyền, phối hợp, tạo sự đồng thuận của cha mẹ trong việc tư vấn, hướng dẫn học sinh tham gia sân chơi quốc tế.

Giúp phụ huynh hiểu rõ ý nghĩa việc tham gia sân chơi quốc tế là cần thiết để việc “học đi đôi với hành”, kết hợp giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Khi hiểu được ý nghĩa nhiều phụ huynh đã đồng hành, hỗ trợ tạo điều kiện cho con em tham gia.

Với vai trò tổ trưởng chuyên môn Tiếng Anh của trường, cô Khanh còn chủ động đổi mới hình thức hoạt động của Câu lạc bộ Tiếng Anh trong trường theo hướng tạo dựng một môi trường giao tiếp Tiếng Anh ngày càng chuyên nghiệp hơn cho học sinh khi tham gia.

Mặt khác, từng tham dự nhiều hội thảo bàn về việc “Làm thế nào để học sinh tiểu học có khả năng giao tiếp tiếng Anh như Tiếng Việt?” nên cô Khanh luôn nắm bắt các cơ hội hỗ trợ học trò được giao tiếp với người nước ngoài.

Khi học sinh được tiếp cận các tình nguyện viên, các trung tâm tiếng Anh, cô tạo điều kiện để các em được tập luyện hàng ngày theo nội dung yêu cầu. Cô chỉ đóng vai trò bao quát và theo sát mọi hoạt động của học sinh. Và với quan điểm lấy người học là trung tâm, nên mọi ý tưởng của học sinh đều được cô trân trọng và đưa ra thảo luận, bàn bạc để lựa chọn những ý tưởng hay…

Tiết dạy của cô giáo Trần Thị Mai Khanh luôn được đổi mới phương pháp để mang lại hiệu quả giáo dục cao nhất.

Tiết dạy của cô giáo Trần Thị Mai Khanh luôn được đổi mới phương pháp để mang lại hiệu quả giáo dục cao nhất.

Từ kinh nghiệm của bản thân tham gia thành công các sân chơi quốc tế, cô Khanh còn đề xuất ý tưởng với Ban giám hiệu thành lập Ban tư vấn để định hướng, tư vấn, hỗ trợ giáo viên hướng dẫn và học sinh trong quá trình tham gia các sân chơi quốc tế.

Toàn bộ phần hồ sơ dự án; Poster đều yêu cầu Ban tư vấn kiểm duyệt, chỉnh sửa trước khi in; tổ chức cho học sinh trình bày video để góp ý; chia bộ câu hỏi theo từng ý nhỏ để hướng dẫn học sinh trả lời. Qua đó đã rèn cho học sinh bản lĩnh tự tin, có phản ứng tốt khi gặp các câu hỏi của Hội đồng giám khảo đặt ra.

Đặc biệt, cô Khanh còn tích cực giao các bài kiểm tra nói, kết hợp với cha mẹ học sinh kiểm soát hiệu quả việc tham gia sân chơi của học sinh. Cuối mỗi vòng thi cô đều củng cố kiến thức giúp các em ghi nhớ, khắc sâu nội dung bài học, từ đó nắm được mức đạt được nội dung bài thi và có giải pháp riêng để nâng cao chất lượng các phần thi tiếp theo.

Việc trao đổi với cha mẹ học sinh về khả năng, năng lực của từng học sinh, đặc biệt là những học sinh chưa tự tin khi trình bày bài trực tiếp với Ban giám khảo qua zoom được cô quan tâm để cùng tìm giải pháp khắc phục, hỗ trợ. Đồng hành như người “mẹ” thứ 2 của học sinh khi tham gia các sân chơi quốc tế, cô Khanh luôn nhẹ nhàng, động viên ôn luyện khi gặp vướng mắc, nhắc nhở học sinh từ việc chuẩn bị các phần thi thật kĩ càng đến luyện tập thường xuyên, liên tục.

“Để giúp học sinh tham gia sân chơi quốc tế hiệu quả, trở thành những học sinh toàn cầu, thì bản thân giáo viên nhất định phải không ngừng tự học, tự nghiên cứu và tham gia các sân chơi quốc tế để nắm được các bước tham gia sân chơi. Từ đó sự hỗ trợ mới thiết thực, học sinh và cha mẹ thấy được hiệu quả cần thiết. Mặt khác tích cực trao đổi với đồng nghiệp trong trường, ngoài trường và bạn bè quốc tế để tìm ra giải pháp hiệu quả nhất hướng dẫn học sinh thi đạt kết quả cao…”, cô Khanh trao đổi.

Đến nay cô Khanh đã hướng dẫn thành công gần 50 học sinh trường Tiểu học Bắc Cường tham gia sân chơi quốc tế. Ngoài đạt được chứng nhận thành tích của BTC, các em đều học tốt hơn tiếng Anh sau khi tham gia các sân chơi.

Cô Trần Thị Mai Khanh tích cực tham gia các sân chơi quốc tế để học hỏi, nâng cao chuyên môn trong dạy học.

Cô Trần Thị Mai Khanh tích cực tham gia các sân chơi quốc tế để học hỏi, nâng cao chuyên môn trong dạy học.

Cô giáo toàn cầu

Năm học 2021- 2022, cô giáo Trần Thị Mai Khanh đã thành công với hơn 200 tiết dạy tiếng Anh kết nối theo mô hình “Lớp học không biên giới” với giáo viên các trường tiểu học, THCS và học sinh các lớp học từ Hoa Kỳ, Ấn Độ, Indonesia, Singapore, Malaysia, Bangladesh… Cùng đó, còn kết nối dạy học tiếng Anh và một số tỉnh, thành trong nước như Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái, và nhiều trường ở thành phố Lào Cai, cũng như các lớp học cùng trường.

Các tiết học kết nối không biên giới được cô Khanh tổ chức hoàn toàn miễn phí, tận dụng chuyên môn giáo viên các nước cùng hỗ trợ cho học trò học tập tiếng Anh hiệu quả.

Năm 2022, cô Khanh đã hướng dẫn 25 học sinh tham gia Sân chơi quốc tế với chủ đề “Giới thiệu về trường của bạn”. Trải qua các vòng thi và lọt vào vòng chung kết, 25 học sinh đã được cấp chứng nhận bài thuyết trình xuất sắc. Cô Khanh và 25 học sinh đều được công nhận là thành viên Câu lạc bộ English Speaking toàn cầu.

Cô Khanh cho biết bản thân đã tham gia vào Câu lạc bộ English Speaking toàn cầu từ những năm 2018. Từ đó có thêm nhiều bạn trên nhiều quốc gia, giúp cô tích lũy được nhiều phương pháp kỹ thuật dạy học hiện đại, nhiều trò chơi... tạo hứng thú cho học sinh.

Tháng 3/2021, cô đã tự đăng kí tham gia Học viện Huấn luyện viên toàn cầu - Global Trainer Academy (Sân chơi “Đại sứ Giáo dục toàn cầu” do thành phố Lào Cai phát động trong năm học 2020 - 2021). Từ phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại, việc dạy gắn với thực tiễn đã giúp cô vượt qua 5 vòng thực hành để trở thành “Giáo viên toàn cầu”; “Đại sứ huấn luyện Giáo dục toàn cầu”.

“Khi trở thành thành giáo viên toàn cầu, tôi được tham gia nhiều hoạt động thú vị trong tổ chức, được giao lưu chia sẻ nhiều hoạt động về chuyên môn, về văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới… Điều đó tạo cho tôi có thêm nghị lực để tham gia cuộc thi “Phụ nữ sáng tạo toàn cầu” và vinh dự đoạt Huy chương Vàng “Phụ nữ sáng tạo toàn cầu năm 2021”. Từ những sân chơi quốc tế tôi nhận thấy bản thân đã tích lũy, nâng cao chuyên môn rất nhiều. Do đó tôi mong muốn học sinh của mình sẽ học tiếng Anh tốt hơn khi tham gia các sân chơi quốc tế…”, cô Khanh chia sẻ.

Cô Trần Thị Mai Khanh với bề dày thành tích, sáng kiến kinh nghiệm trong quá trình dạy học.

Cô Trần Thị Mai Khanh với bề dày thành tích, sáng kiến kinh nghiệm trong quá trình dạy học.

Cô Nguyễn Thị Phương Thảo, giáo viên tiếng Anh, Trường Tiểu học Bắc Cường trao đổi: Sân chơi quốc tế mà cô giáo Trần Thị Mai Khanh hướng dẫn học trò tham gia có tác dụng giúp các em học mà chơi, chơi mà học. Sân chơi quốc tế không chỉ giúp học sinh phát triển năng lực tiếng Anh trong thực tế mà còn hiểu và phát triển các kỹ năng nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống bởi cuộc thi yêu cầu và đề cập khá rộng các lĩnh vực hiểu biết.

Việc tạo cơ hội cho học sinh tham gia các sân chơi quốc tế đóng vai trò quan trọng, tạo sự hứng thú, cuốn hút và giúp các em thêm tự tin, chủ động tiếp nhận kiến thức theo một trạng thái khác linh hoạt, hiệu quả dù khác với môi trường học tập truyền thống.

Anh Nguyễn Đại Dương, phụ huynh học sinh Nguyễn Trung Hiếu, lớp 5A6 chia sẻ: Những sáng kiến trong dạy và học tiếng Anh thông qua các sân chơi quốc tế của cô Khanh đã giúp học sinh cơ hội được trải nghiệm, chia sẻ và giao lưu với bạn bè quốc tế; nâng cao chất lượng tiếng Anh trong nhà trường và chất lượng các sân chơi quốc tế được nâng cao rõ rệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.