Nâng tầm cơ sở vật chất các nhà trường từ Chương trình nông thôn mới

GD&TĐ - Theo chia sẻ của nhiều trường, chương trình nông thôn mới (NTM) giúp cho các trường được xây dựng trường lớp, khang trang, xóa dần lớp học tạm.

Ông Mai Văn Trinh – Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) kiểm tra phòng y tế tại Trường Tiểu học Thượng Ấm (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Ảnh: Ngô Chuyên
Ông Mai Văn Trinh – Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) kiểm tra phòng y tế tại Trường Tiểu học Thượng Ấm (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Ảnh: Ngô Chuyên

Đó là thông tin mà nhiều trường học ở Tuyên Quang chia sẻ với Đoàn công tác liên ngành của Ban Điều phối Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đoàn công tác do ông Mai Văn Trinh – Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 tại tỉnh Tuyên Quang vào trung tuần tháng 12.

Một trong những địa điểm mà đoàn công tác đến kiểm tra tại tỉnh Tuyên Quang là Trường Tiểu học Hợp Thành (huyện Sơn Dương – tỉnh Tuyên Quang).

Đầu tư thêm phòng học, trang thiết bị

Ngay sau khi đến Trường Tiểu học Hợp Thành, đoàn công tác đã kiểm tra: Phòng học, phòng chức năng, phòng học bộ môn, thư viện, khu vực nhà vệ sinh, bếp ăn của nhà trường, trang thiết bị dạy học của trường.

Báo cáo với đoàn công tác, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Vi cho biết: “Hiện nhà trường có 30 lớp, 542 học sinh trong đó 58% là học sinh đồng bào DTTS. Trường đang hoàn thành tự đánh giá, chuẩn bị đánh giá ngoài để được công nhận là trường chuẩn quốc gia mức độ 1”.

Cô Nguyễn Thị Vi cũng cho biết thêm, hiện nay cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy Chương trình GDPT 2018 cơ bản đáp ứng, đồng thời nhà trường đã tận dụng tối đa các thiết bị dạy học hiện có đã được trang bị trước đây để phục vụ giảng dạy nhằm tránh lãng phí.

Bên cạnh đó, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhà trường được đầu tư xây dựng thêm 10 phòng học ở trường chính; hai điểm trường với 8 phòng học và 2 phòng bộ môn được xây dựng kiên cố, được trang bị thiết bị giảng dạy. Nhà trường cũng được xây dựng thêm phòng y tế.

Bên cạnh những thuận lợi, nhà trường cũng gặp phải khó khăn trong việc thiếu giáo viên. Cụ thể, Chương trình GDPT 2018, lớp 3 có môn Tin học bắt buộc, tuy nhiên trường không có giáo viên chuyên trách bộ môn này.

“Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, hiện nay nhà trường đang phối hợp với Trường THCS Hợp Thành để bố trí giáo viên giảng dạy nhằm đảm bảo được số tiết học cũng như yêu cầu của bài học”, cô Vi cho biết thêm.

Ông Mai Văn Trinh – Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) thăm và động viên học sinh ở Trường Tiểu học Hợp Thành (huyện Sơn Sương, tỉnh Tuyên Quang). Ảnh: Ngô Chuyên

Ông Mai Văn Trinh – Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) thăm và động viên học sinh ở Trường Tiểu học Hợp Thành (huyện Sơn Sương, tỉnh Tuyên Quang). Ảnh: Ngô Chuyên

Tạo mọi điều kiện tốt nhất cho dạy và học

Sau khi kiểm tra tại Trường Tiểu học Hợp Thành, ông Mai Văn Trinh – Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT), Trưởng đoàn kiểm tra đánh giá cao về nỗ lực của các cấp, các ngành đã tập trung đầu tư trường lớp kiên cố, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đầy đủ đáp ứng triển khai Chương trình GDPT 2018.

Ông Mai Văn Trinh mong rằng, thầy cô, học sinh phải biết nâng niu, gìn giữ những cơ sở vật chất được đầu tư, tăng cường khai thác sử dụng tối đa trong dạy học để tránh lãng phí.

Bên cạnh đó, để phục vụ cho công tác giảng dạy tốt hơn nữa, nhà trường nên khuyến khích thầy cô nghiên cứu, chế tạo các thiết bị dạy học; khai thác các thiết bị dạy học số, tăng cường ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp dạy học.

Đối với thư viện cần tăng thêm các đầu sách, đặc biệt là sách văn học để học sinh đọc và nuôi dưỡng tâm hồn. “Người ta ví thư viện trong trường học là trái tim của nhà trường, do đó các trường cần chú trọng xây dựng, khai thác.

“Tôi mong muốn lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương quan tâm thêm nữa để học sinh, thầy cô Trường Tiểu học Hợp Thành có môi trường học tập, giảng dạy tốt nhất”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.

Đồng thời, mỗi lớp học nhà trường có thể tạo một góc “thư viện” để học sinh có thể đọc ngay tại lớp, tạo văn hóa đọc mọi lúc, mọi nơi cho học sinh”, ông Mai Văn Trinh nói và cho biết thêm: “Ngày 22/11/2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 16 về thư viện đối với bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT, GDTX. Theo đó tôi đề nghị nhà trường cần chủ động đề xuất và có kế hoạch để xây dựng thư viện theo quy định của Thông tư”.

Trước đó, ngày 14 và 15/12, Đoàn công tác liên ngành của Ban Điều phối Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã có hai ngày làm việc với tỉnh Hà Giang. Đoàn công tác đã đến thăm, kiểm tra một số trường học.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang, ông Mai Văn Trinh đề nghị Hà Giang cần quan tâm và chú trọng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 để hoàn thành 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí, đặc biệt trong đó có tiêu chí về giáo dục.

“Tôi cũng mong, tỉnh quan tâm và đồng hành cùng Sở GD&ĐT để học sinh, giáo viên có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tốt để hoàn thành mục tiêu giáo dục đưa ra”, ông Mai Văn Trinh nói và đưa ra gợi ý, Hà Giang cần truyền thông mạnh mẽ để người dân hiểu rõ về chương trình mục tiêu quốc gia NTM, từ đó nhận được sự đồng lòng hỗ trợ của người dân.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT cần tham mưu, đề xuất với tỉnh quy hoạch đất cho giáo dục. Vận động các tổ chức, xã hội hóa để xây dựng thư viện cho học sinh, quan tâm đến các mô hình thư viện xanh trong trường học. Đặc biệt, cũng cần chú trọng đến hệ thống nhà vệ sinh thân thiện cho học sinh.

Bà Đỗ Thị Thái Hà – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Tuyên Quang là một tỉnh miền núi khá khó khăn, năm 2022 có 8 xã được lựa chọn để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM do đó nguồn lực đầu tiên chúng tôi tập trung cho giáo dục. Theo đó, 80% kinh phí để đầu tư cho giáo dục, sau đó là giao thông. Chúng tôi luôn đặt mục tiêu đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho con người. Những học sinh mầm non sau khi học hành thành đạt sẽ quay trở về xây dựng quê hương, đất nước”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.