Thời tiết nắng nóng kéo dài kỷ lục suốt hơn 1 tháng qua dẫn đến việc tiêu thụ điện tăng rất cao trong mỗi gia đình. Nhu cầu sử dụng điện cho việc làm mát, nhất là việc sử dụng quạt, điều hòa nhiệt độ suốt ngày đêm của các hộ gia đình khiến tiền điện tăng chóng mặt.
Theo nhiều hộ gia đình ở Hà Nội, mức tiêu thụ điện của tháng 5/2021 của họ cao hơn khoảng 30-50% so với mức tiêu thụ điện của tháng 4/2021.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thơ ở Đống Đa, Hà Nội cho biết, nhà chị có 5 người gồm bà nội, vợ chồng chị và hai con nhỏ. Trong nhà chị có 3 điều hòa lắp ở hai phòng ngủ, một phòng khách. Ngoài ra, nhà chị Thơ có tủ lạnh, máy giặt nhưng không phải ngày nào cũng giặt và hai tivi, một quạt trần hầu như mở suốt ngày. Nhưng điều hòa hầu như ngày nắng nóng nào cũng mở cũng suốt đêm.
Hóa đơn tiền điện tăng cao trong tháng 5. |
“Bình thường, nếu những tháng không bật điều hòa, mùa đông cũng như mùa hè, tiền điện nhà mình chỉ tầm 500.000-700.000 đồng là cao nhất. Những tháng nắng nóng cao điểm cũng công suất như vậy, chỉ riêng điều hòa tối nào cũng bật từ 8h tối đến 4h sáng mà tiền điện giờ tăng cao gấp 2-3 lần”, chị Thơ kể.
Cụ thể, chị Thơ nói tiền điện tháng 4/2021 của nhà chị là 700.000 đồng. Nhưng sang đến tháng 5/2021, tiền điện lên tới 2,2 triệu đồng, cao gấp hơn 3 lần.
“Hôm trước đóng tiền điện, mẹ chồng mình kêu oai oái vì tiếc tiền. Do bà sống tiết kiệm nên thấy tiền điện cao như vậy tốn kém quá. Bà cứ đòi tách thành hai công tơ điện nhưng vợ chồng mình còn lười chưa lắp. Nhà mình dùng điện tốn là bởi lúc nào cũng có người ở nhà”, chị Thơ giải thích.
Bà nội trợ này cho hay, điện tăng giá nên gia đình chị cũng xác định những tháng nắng nóng, mức tiêu thụ điện nhiều do dùng quạt, máy lạnh liên tục. Song, vợ chồng chị chỉ xác định tiền điện hết tầm 1,5 triệu. Nào ngờ, tiền điện tăng vượt quá cả dự kiến.
“Đóng 2,2 triệu tiền điện/tháng vợ chồng mình xót ví quá. Bởi thế, cả hai bảo nhau sử dụng điện mùa hè phải tiết kiệm nhất để có thể giảm hóa đơn tiền điện tầm 1,5 triệu/tháng. Mong tháng 6 này tiền điện đừng quá con số dự kiến trên. Không tiền điện tăng cao thế này, đúng là đóng góp quá nhiệt tình cho ngành điện lực. Đi làm lĩnh lương chỉ để trả tiền điện mất”, người phụ nữ này kêu ca.
Nhiều gia đình phải hô hào tiết kiệm điện. |
Cũng đang choáng váng với tiền điện tháng 6/2020 tăng cao vì vừa phải thanh toán 2,5 triệu tiền điện cho gia đình, chị Trần Thu Thủy ở Vạn Phúc, Hà Đông mất ngủ luôn tối hôm đó.
“Nhà mình có tất cả 6 người gồm 4 người lớn và 2 trẻ nhỏ. Đợt nắng nóng này, do mình mới sinh bé xong nên bật điều hòa 24/24. Còn phòng bố mẹ chồng thì tối mới bật điều hòa đến sáng. Nhà mình chỉ có 1 máy tính của chồng thì tối về mới bật. Máy giặt thì cứ 2 ngày/mẻ. Tivi thì bật thường xuyên 2 chiếc. Ngoài ra, nhà chỉ dùng thêm quạt, đèn và nấu ăn vẫn bằng gas. Thế mà tiền điện hôm trước đi đóng khủng khiếp như vậy”, chị Thủy kể lại.
Chị Thủy chia sẻ, những tháng trước, vợ chồng chị đều đi làm, con đi học. Nhà chỉ có ông bà nội ở nhà trông nhà và chỉ dùng quạt, không bật điều hòa. Tiền điện trung bình một tháng chỉ hết khoảng 500.000 đồng. Thế nhưng tháng này, tiền điện nhảy vọt lên 2,5 triệu đồng.
“Nhắc đến tiền điện thôi là mình đau đầu quá. Kiểu này tháng 6 mình chẳng dám cho bật tivi, hôm nào mát giời hơn thì sẽ bắt mọi người dùng quạt chứ không dùng điều hòa nữa. Hoặc mình sẽ thay máy điều hòa, chuyển qua loại tiết kiệm điện. Sau đó, dùng điều hòa thật hợp lý, chỉ để nhiệt độ khoảng 27-28 độ, chống thất thoát nhiệt phòng điều hòa. Nếu không tiền điện cứ cao thế này cuối tháng chịu không nổi”, chị Thủy dự tính.
Chị cũng cho hay, nếu tháng 6, tiền điện vẫn tiếp tục leo thang, chị sẽ phản ánh tới công ty điện lực để cho nhân viên xuống kiểm tra.
“Tháng vừa rồi mình cũng thấy nhà hàng xóm thắc mắc về tiền điện tăng vọt, bởi họ sử dụng điện vô cùng tiết kiệm mà tiền điện tăng lên 1,6 triệu đồng tháng vừa rồi, trong khi bình thường chỉ 400.000 đồng. Kiểm tra chỉ số công tơ và sản lượng điện tiêu thụ thì mới tá hỏa là do nhân viên điện lực cộng nhầm”.