Nặng lòng lương giáo viên!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Một khi giáo viên còn vướng bận phải chuyện cơm áo thường ngày thì liệu còn hi vọng đến sự yêu nghề, sáng tạo, tự học không?

Sáng hôm nọ lên trường, cô nhân viên gọi với, tôi quay lại ngỡ có chuyện gì quan trọng, hoá ra cô chỉ đùa "anh à, về viết bài bàn về lương giáo viên đi, như cái bài anh viết về 534 em thấy họ đi đo đạc rồi đấy!".

Thực ra, tôi đã viết nhiều về chính cái nghề của mình nhưng ngẫm kỹ thì thường đó là những bài viết về gương tốt học trò, đồng nghiệp, còn thì chuyện lương thưởng trong nghề cũng chẳng mấy vui vẻ mà cầm bút bàn đến nhưng rồi câu nói của đồng nghiệp đã khiến tôi muốn viết.

Nghề nào cũng sống bấu víu vào lương, dĩ nhiên rồi, nghề dạy học dẫu không đặt nặng đồng lương lên hàng đầu nhưng trong thời buổi giá cả leo thang từng ngày thì sự than vãn về lương của các đồng nghiệp cũng là điều dễ hiểu.

Tôi còn nhớ, cách đây mấy năm trong chương trình Ai là triệu phú, ngồi trên ghế nóng lúc bấy giờ là một thầy giáo cũng đã có thâm niên trong nghề, khi được người dẫn chương trình hỏi về lương, thầy đã ngậm ngùi chia sẻ một cách chân thật tiền lương của mình đến chữ số hàng đơn vị.

Nghe vậy, sắc mặt anh Lại Văn Sâm tỏ ra bất ngờ với đồng lương … "khủng" đến khiếp khổ đó. Khán giả trường quay thì được dịp ồ lên vì lần đầu nghe được thông tin lương thầy giáo dạy lâu năm mà sao không bằng lương một anh công nhân hay một bác thợ hồ.

Còn như tôi và nhiều đồng nghiệp khác, khi được bạn bè "thăm hỏi" đến vấn đề lương thưởng vẫn thường tìm giải pháp im lặng... gãi đầu mỉm cười để trốn tránh câu trả lời.

Nhưng cũng có khi bị truy hỏi gắt gao (như vợ hỏi lương tháng) thì cũng phải khéo léo, tếu táo mà rằng, “lương chưa thương nhà giáo” hay “thầy giáo tháo giày đi bán báo”… Và rồi, cùng cười xoà trong nỗi xót xa…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tôi còn nhớ hồi còn sinh viên năm hai, lúc học môn giáo dục học, giảng viên dạy chúng tôi đã nói đại ý, các bạn yên tâm mà theo nghề, khoảng ít năm nữa ra trường tiền lương của các bạn sẽ khá đảm bảo mức sống cao hơn mức sống nơi bạn cư trú.

Nghe vậy các bạn sinh viên lấy làm phấn khởi lắm. Vậy nhưng ra trường đã lâu chúng tôi vẫn chưa thể sống được bằng lương.

Thế giáo viên như tôi họ sống bằng gì?

Ai có vườn thì trồng rau, chăn nuôi. Đấy, như thầy cô giáo ở kí túc trường tôi, nào chăn nuôi gà, tự trồng rau ăn, tiêu pha tiết kiệm… Ai không có vườn thì dạy thêm bằng mọi cách. Nhưng không phải ai cũng dạy thêm vì không phải môn nào học sinh cũng học.

Ai nhìn vào cũng thấy các thầy cô giáo áo quần luôn thơm mới, chẳng ai biết họ cắn răng làm thế để có hình ảnh tốt đẹp trong mắt học trò.

Và còn nhân viên trường học, lương họ còn thấp hơn cả giáo viên đứng lớp thì không phải chạy ngược chạy xuôi thì sống làm sao nổi.

Thú thực, như vợ chồng tôi, một là giáo viên, một làm nhân viên văn phòng cho trường học, đồng lương ít ỏi phải tiết kiệm chi tiêu mọi khoản, phải làm thêm việc này việc nọ cũng chỉ mới tạm sống được.

Một số người ngoài ngành cho rằng, lương nhà giáo vẫn tăng đều qua các năm. Nhưng như một đồng nghiệp tôi tính toán, từ khoảng cách đây 10 năm (đầu năm 2000) đến năm 2010, lương không hề tăng.

Anh phân tích, lúc anh mới đi dạy, lương mua được 1 chỉ vàng, sau 10 năm đi dạy lương vẫn chỉ mua được 1 chỉ vàng (khoảng gần 3 triệu đồng thời điểm 2010, đấy là chưa kể vàng đang tăng giá vù vù).

Còn tôi lại làm một phép so sánh khác, nếu quy đổi ra lương thực hay các vật dụng trong gia đình, thậm chí ở một số thời điểm, lương còn bị tụt giảm. Thế thì lương tăng chỗ nào? Khi mọi thứ đều quy ra vàng và USD.

Hôm rồi, tôi đọc báo mạng thấy thông tin: Từ năm 2006 tới nay, lương giáo viên đã tăng gấp đôi. Thì đúng vậy, nếu như giá cả không phi mã tăng gấp 3, gấp bốn như hiện nay. Lí luận như anh bạn mới thấy được cái nghề mình đúng là cao quý mà lương thì bèo bọt.

Học trò cũ của tôi có em gọi điện thắc mắc, sao thầy cô ai cũng than vãn lương thấp mà em thấy nhà cửa cô thầy nào cũng khang trang cả.

Thực ra, các em không biết đằng sau ngôi nhà ấy là cả muôn vàn câu chuyện cười ra nước mắt. Có người xây nhà được là nhờ …liều vay nợ. Xây xong gom góp trả dần chẳng biết khi nào hết nợ. Có người nhờ may mắn bán được mảnh đất… ông bà cho, có người lăn lộn đủ nghề…

Như vậy, một khi giáo viên còn vướng bận phải chuyện cơm áo thường ngày thì liệu còn hi vọng đến sự yêu nghề, sáng tạo, tự học không?

Giáo dục chúng ta đang đổi mới một cách toàn diện, sau 10 năm, nó đã thành hình thành dạng và cho ta quyền hi vọng vào một nền giáo dục mới tân tiến, theo kịp thế giới.

Sản phẩm của giáo dục sẽ là những con người với năng lực, phẩm chất đủ đáp ứng tiêu chuẩn của một công dân toàn cầu, trong thế giới phẳng đang phát triển như vũ bão. Đó là điều những người trong ngành như tôi thấy thật hạnh phúc.

Nhưng vẫn còn đó những câu chuyện cơm áo gạo tiền cười ra nước mắt của biết bao đồng nghiệp cần được chính phủ, các bộ ngành quan tâm. Những câu chuyện đó đều liên quan đến việc cần phải gấp rút cải cách tiền lương cho giáo viên.

Hiện nay, Bộ Giáo dục đang có cuộc cải cách toàn diện, tôi và nhiều đồng nghiệp ai cũng tán đồng sự đổi mới để chất lượng dạy học tốt hơn, nhưng cũng muốn rằng, vấn đề đồng lương của giáo viên cũng cần được quan tâm "đổi mới" theo chương trình giáo dục.

Có như vậy khi gặp bè gặp bạn, chúng tôi mới tự hào mà nói rằng: "Tôi sống được bằng lương".

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.