Nâng chuẩn giáo viên: Mong giảm thủ tục phiền hà

GD&TĐ - Các thầy cô mong sớm có hướng dẫn gọn nhẹ về thủ tục, hồ sơ để giáo viên bớt vất vả trong việc đi lại, xác nhận minh chứng...

Học sinh Trường THCS Trà Mai (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) tham gia giải Bóng đá Cúp mùa xuân, được nhà trường tổ chức hàng năm ngay sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THCS Trà Mai (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) tham gia giải Bóng đá Cúp mùa xuân, được nhà trường tổ chức hàng năm ngay sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh: NTCC

Thời gian qua, nhiều giáo viên tự bỏ tiền, học nâng chuẩn trình độ đào tạo trước thời điểm triển khai Nghị định số 71/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. Thầy cô mong muốn, khi thực hiện truy lĩnh, cần đơn giản, gọn nhẹ trong thủ tục.

Băng rừng đi học nâng chuẩn

Thầy Nguyễn Tin Thắng - Trường PTDTBT Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) tốt nghiệp trung cấp sư phạm âm nhạc Trường Văn hóa - Nghệ thuật Quảng Nam năm 2015. Để đáp ứng yêu cầu nâng chuẩn trình độ giáo viên theo quy định của Luật Giáo dục 2019, thầy Thắng chủ động đăng ký tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn từ trung cấp lên đại học. Thầy Thắng học chương trình liên thông giữa Học viện Âm nhạc Huế và Trường Đại học Quảng Nam từ năm 2021.

Thầy Thắng học liên thông 4 học kỳ hè, trong năm học thì gần như cuối tuần nào cũng chạy xe máy xuống TP Tam Kỳ để tham gia lớp học. “Khóa học diễn ra trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên có thời điểm phải chuyển sang học trực tuyến. Chất lượng mạng Internet không ổn định nên nhiều khi giảng viên đang giảng bài mà mình bị “rớt” ra khỏi lớp”.

Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về điều kiện giảng dạy và học tập ở huyện vùng khó tỉnh Quảng Nam, thầy Thắng nhận bằng tốt nghiệp cử nhân Sư phạm Âm nhạc vào năm 2023.

Đều đặn từ năm 2020 - 2022, thầy Trần Văn Ky - giáo viên Thể dục, Trường PTDTBT THCS Trà Vân (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cứ sáng sớm thứ 7 hằng tuần lại vượt 130km đường rừng núi để xuống TP Tam Kỳ học lớp liên thông từ cao đẳng giáo dục thể chất lên đại học.

Mùa Hè, việc đi lại còn đỡ vất vả. Nhưng cung đường miền núi quanh co từ Nam Trà My về thành phố còn có những ngày mưa to gió lớn, thậm chí sạt lở, bùn lầy, những con suối dâng cao tràn qua chiếc cầu treo mỏng manh.

Ba học kỳ đầu tiên, thầy Ky không mất tiền thuê trọ vì ở nhờ nhà người quen. Nhưng 3 học kỳ cuối, gia đình người quen chuyển về huyện Núi Thành, thầy Ky phát sinh thêm chi phí thuê nhà ở trọ vào mỗi cuối tuần. “Để tiết kiệm, mấy anh em trong lớp chung nhau thuê một phòng. Hôm nào thứ 7 mà chỉ học một buổi thì mình chịu khó đón xe đò về nhà”, thầy Ky kể.

Chuẩn bị cho việc tham gia học lớp liên thông từ cao đẳng lên đại học sư phạm để đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019, thầy Trần Văn Ky làm hồ sơ vay ngân hàng chính sách 50 triệu đồng. Số tiền này thầy Ky sử dụng để nộp học phí, cứ mỗi học kỳ 8 triệu, tổng cộng 6 học kỳ cũng suýt soát gần 50 triệu. Tiền xăng xe, ở trọ… phải chi tiêu dè xẻn từ lương hằng tháng. Nhà trường cũng tạo điều kiện để thầy Ky không phải tham gia các hoạt động ngoại khóa tổ chức vào cuối tuần nên việc học cũng thuận lợi.

Món nợ từ ngân hàng chính sách, thầy Ky mới đủ khả năng trả tiền lãi hằng tháng. “Con cái còn nhỏ, đang tuổi ăn tuổi học, cả 2 vợ chồng tôi thay nhau đi học liên thông để nâng chuẩn nên gia đình gần như luôn trong tình trạng “giật gấu vá vai”. Vì vậy đến thời hạn thanh toán số dư nợ, ngân hàng hướng dẫn cho chúng tôi làm thủ tục đáo hạn để vay lại khoản tiền này, số nợ vẫn còn nguyên chứ chưa trả được đồng nào”, thầy Ky kể.

giam thu tuc phien ha (2).jpg
Cô Nguyễn Thị Tý - giáo viên Trường Mẫu giáo Hướng Dương (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) vừa đi dạy vừa học nâng chuẩn đào tạo. Ảnh: NVCC

Để niềm vui trọn vẹn

Thời điểm đi học liên thông để nâng chuẩn, thầy Trần Văn Ky vẫn dạy học tại Trường PTDTBT THCS Trà Mai (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Thế nhưng, khi xã Trà Mai được công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, giáo viên và học sinh không còn được hưởng các chế độ hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn nữa. Theo nguyện vọng của thầy Ky, Phòng GD&ĐT Nam Trà My đã luân chuyển đến dạy học ở Trường PTDTBT THCS Trà Vân. Tiền lương hằng tháng của thầy Ky vì thế có thêm khoản phụ cấp vùng đặc biệt khó khăn.

Vì đi học nâng chuẩn trước thời điểm Quảng Nam triển khai Nghị định số 71/2020 của Chính phủ nên thầy Trần Văn Ky và Nguyễn Tin Thắng đều tự chi trả từ học phí đến mua sắm giáo trình, học liệu…

Thầy Thắng chia sẻ: “Khi nghe tin giáo viên có thể được thanh toán, truy lĩnh số tiền đã tự đóng học phí nâng chuẩn trình độ đào tạo, tôi rất phấn khởi. Ngoài giúp nhà giáo giải quyết khó khăn về tài chính thì đây là sự động viên, ghi nhận cho quá trình khắc phục hoàn cảnh để học tập, nâng cao trình độ, đáp ứng các yêu cầu mới nghề nghiệp. Đây cũng là động lực để chúng tôi yên tâm công tác tại vùng cao khó khăn”.

Tuy nhiên, cả thầy Ky và Thắng đều không còn giữ các phiếu thu xác nhận đã đóng học phí trong khóa học đào tạo nâng chuẩn. Thầy Thắng chia sẻ: “Thường thì thời khóa biểu của các lớp học liên thông, tại chức đều diễn ra vào ngày nghỉ cuối tuần. Để thuận tiện, học phí thường được thanh toán trực tuyến bằng hình thức chuyển khoản rồi gửi xác nhận lệnh chuyển khoản vào nhóm Zalo của lớp học. Chúng tôi không chú ý đến các thủ tục nhận phiếu nộp tiền bằng giấy từ phía nhà trường”.

Vì vậy, thầy Nguyễn Tin Thắng mong muốn, nếu triển khai hỗ trợ học phí và được truy lĩnh thì các thủ tục cần đơn giản, tránh rườm rà, đòi hỏi đầy đủ các minh chứng như phiếu thu học phí.

Khóa học kết thúc lâu rồi, chúng tôi đã làm hồ sơ nâng ngạch. Vì vậy, nếu cần minh chứng thì chỉ có bằng tốt nghiệp cử nhân sư phạm, danh sách lớp học đã được đơn vị liên kết xác nhận, điều này tương đương với việc đã nộp đầy đủ các khoản học phí. Những thầy cô thanh toán học phí trực tuyến thì có thể sao kê tại ngân hàng chứ nộp tiền mặt mà mất phiếu thì khó để có minh chừng đi kèm”, thầy Ky phân tích.

Tính đến thời điểm này, Trường PTDTBT Tiểu học Trà Dơn (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) có 2 giáo viên hoàn thành học nâng chuẩn, trong đó, một giáo viên được cử đi học theo lộ trình nâng chuẩn của Nghị định số 71/2020 nên được hỗ trợ chi phí học tập. Riêng thầy Nguyễn Tin Thắng, do đi học trước thời điểm triển khai nên tự túc học phí.

Theo thầy Hiệu trưởng Lê Huy Phương, chủ trương hỗ trợ học phí cho giáo viên tự đi học nâng chuẩn, nhất là thầy cô đang công tác tại địa bàn vùng khó rất ý nghĩa. Vì vậy, để trọn niềm vui, các thầy cô mong sớm triển khai trong thực tế kèm theo những hướng dẫn gọn nhẹ về thủ tục, hồ sơ để giáo viên bớt vất vả trong việc đi lại, xác nhận minh chứng.

Triển khai Nghị định số 71/2020 của Chính phủ, Quảng Ngãi có 856 giáo viên thực hiện đào tạo nâng chuẩn trình độ. Trong đó, cấp mầm non có 36 giáo viên, tiểu học có 441 giáo viên và 379 giáo viên cấp THCS.

Theo lộ trình, hết ngày 31/12/2025, đảm bảo 100% giáo viên mầm non đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm; 100% giáo viên tiểu học, THCS đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân. Số giáo viên đi học nâng chuẩn theo lộ trình đều được hỗ trợ học phí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Hà Nội biểu diễn nghệ thuật chào mừng ngày giải phóng Thủ đô. Ảnh minh họa ITN.

Vở kịch đặc biệt

GD&TĐ - Vào tiết sinh hoạt của tuần trước, khi cô giáo chưa bước vào, lớp trưởng Linh lên bục giảng và thông báo thông tin quan trọng.

Tottenham thua sốc Brighton

Tottenham thua sốc Brighton

GD&TĐ - Tottenham thua sốc Brighton 2-3 dù dẫn trước đối thủ 2 bàn trong hiệp một ở vòng 7 Ngoại hạng Anh.