Nâng chuẩn giáo viên: Bảo đảm quyền lợi chính đáng

GD&TĐ - Sau 4 năm thực hiện lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đã giúp tăng đáng kể tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuẩn.

Cô, trò Trường Tiểu học aTrần Quang Cơ (Quận 12, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC
Cô, trò Trường Tiểu học aTrần Quang Cơ (Quận 12, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, theo ông Lê Tuấn Tứ - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Quốc hội khóa XIV, hiện còn một số khó khăn, vướng mắc cần khắc phục.

Bất cập từ thực tiễn

- Ông đánh giá như thế nào về chính sách nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS?

- Ngày 30/6/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS (Nghị định 71). Nghị định này giúp tăng đáng kể tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019. Theo thông tin tôi nắm được, nhiều địa phương đã đạt mục tiêu đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên giai đoạn 1 (2020 - 2025); số còn lại dự kiến hoàn thành lộ trình đào tạo trước thời hạn (năm 2030).

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số địa phương, nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non, tiểu học, THCS theo Nghị định 71 còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, phương thức đào tạo nâng trình độ chuẩn khó thực hiện.

Khoản 1 Điều 7 Nghị định 71 quy định, đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu giữa các địa phương với cơ sở đào tạo giáo viên trên cơ sở kế hoạch thực hiện hằng năm của địa phương.

Bất cập ở chỗ, các phương thức trên được thực hiện theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (Nghị định 32). Trong khi đó, việc triển khai Nghị định này còn bất cập. Đơn cử như phương thức giao nhiệm vụ được thực hiện giữa địa phương với cơ sở đào tạo trực thuộc.

Thực tế, không phải địa phương nào cũng có cơ sở đào tạo trực thuộc để thực hiện việc giao nhiệm vụ. Trường hợp có cơ sở đào tạo trực thuộc nhưng không đủ ngành, trình độ đào tạo để đáp ứng nhu cầu nâng trình độ chuẩn của giáo viên. Do đó, địa phương không thực hiện được phương thức giao nhiệm vụ đào tạo cho tất cả giáo viên thuộc đối tượng nâng trình độ chuẩn.

Hay như phương thức đặt hàng, một trong các điều kiện để thực hiện là: “Danh mục dịch vụ sự nghiệp công có tính đặc thù do liên quan đến sở hữu trí tuệ hoặc chỉ có một nhà cung cấp đăng ký thực hiện” (điểm b khoản 2 Điều 12 Nghị định số 32). Do đó, không phải ngành hoặc cơ sở đào tạo nào địa phương cũng có thể thực hiện được phương thức đặt hàng.

Còn với phương thức đấu thầu, Nghị định 32 quy định, dịch vụ giáo dục trung cấp, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học chỉ thực hiện theo 2 phương thức: Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng. Với quy định này, việc thực hiện đấu thầu theo Nghị định 32 không thực hiện được.

Ngoài ra, nếu địa phương đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên qua phương thức đấu thầu rộng rãi theo quy định của Luật Đấu thầu thì lại vướng phải quy trình, thủ tục phức tạp, thời gian kéo dài. Do đó, không đáp ứng được nhu cầu tham gia đào tạo của giáo viên. Mặt khác, kinh phí đấu thầu thực hiện theo năm tài chính không đáp ứng yêu cầu đào tạo theo khóa học.

bao dam quyen loi chinh dang (2).jpg
Ông Lê Tuấn Tứ. Ảnh: Quochoi.vn.

Vướng đâu gỡ đấy

- Vậy theo ông, giải pháp nào để tháo gỡ những bất cập nêu trên nhằm bảo đảm lộ trình nâng chuẩn giáo viên theo Nghị định 71?

- Quan điểm của tôi là: Khó khăn, vướng mắc ở đâu thì chúng ta tháo gỡ “nút thắt” ở đó. Muốn vậy, các giải pháp phải được xây dựng từ thực tiễn nhằm giải quyết những bất cập. Mục tiêu là bảo đảm quyền lợi chính đáng của giáo viên và tạo hành lang pháp lý cho địa phương, cơ sở đào tạo thực hiện nâng chuẩn giáo viên, đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục năm 2019.

Trước mắt, cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71. Đây là việc cần thiết nhằm bảo đảm quyền được hỗ trợ tiền học phí, hưởng chế độ, chính sách trong thời gian đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS công lập, dân lập, tư thục và bảo đảm đạt mục tiêu 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn đào tạo theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019.

Tôi thống nhất với quan điểm của Bộ GD&ĐT, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 71 cần tập trung vào một số chính sách như: Sửa đổi, bổ sung phương thức đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên (sửa đổi, bổ sung Điều 7 Nghị định 71); trong đó nên bỏ phương thức đấu thầu, giữ lại phương thức giao nhiệm vụ và đặt hàng cơ sở đào tạo theo kế hoạch được phê duyệt.

Ngoài ra, bổ sung quy định: Giáo viên được chủ động lựa chọn, đăng ký học nâng trình độ chuẩn trực tiếp với cơ sở đào tạo công lập - khi ngành hoặc chuyên ngành mà giáo viên đăng ký đào tạo không đủ điều kiện để địa phương mở lớp theo phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng. Việc đào tạo nâng trình độ chuẩn phải được sự đồng ý bằng văn bản của hiệu trưởng hoặc giám đốc cơ sở giáo dục nơi giáo viên đang công tác và báo cáo cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở giáo dục.

Chính phủ cũng nên bổ sung quy định thanh toán học phí đào tạo cho những giáo viên đã tự đi học và được cấp bằng kể từ ngày 1/7/2020. Cùng đó, quan tâm đến giáo viên mầm non chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp - trong thời gian thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được hưởng chính sách theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP.

- Về phía các địa phương, ông có khuyến nghị gì?

- Theo tôi, các địa phương cần rà soát, báo cáo kết quả thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên. Trên cơ sở đó, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71 để lộ trình đào tạo nâng chuẩn được triển khai thuận lợi, phù hợp với bối cảnh mới.

Các địa phương cần xây dựng kế hoạch nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS năm 2024; trong đó cần có phương án bố trí ngân sách, nguồn lực để triển khai kế hoạch năm 2024. Mặt khác thực hiện đào tạo nâng trình độ chuẩn đối với giáo viên trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.

Đặc biệt, các địa phương cần lựa chọn phương thức đào tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn; tăng cường phối hợp với cơ sở đào tạo trong công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch và các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo. Nếu có thể, địa phương nên nghiên cứu, ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ cho giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn, nhất là thầy cô có hoàn cảnh khó khăn, phải di chuyển xa để tham gia đào tạo…

- Xin cảm ơn ông!

“Tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên phù hợp với các phương thức đào tạo; sửa đổi quyền của giáo viên tham gia đào tạo nâng chuẩn để bảo đảm quyền được thanh toán học phí; bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính để các phương thức đào tạo được triển khai thuận lợi hơn…”, ông Lê Tuấn Tứ nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo tầm trung Pershing của Mỹ.

Triển khai Oreshnik và bước đi trước

GD&TĐ - Việc Nga và Belarus đồng ý triển khai tên lửa Oreshnik tại Minsk được coi là thông điệp rõ ràng nhất với sự hiện diện của tên lửa Mỹ tại Đức.

Quỷ hồ bên mép thác Victoria, chỉ những ai 'gan thép' mới dám xuống tắm. Ảnh: Thecollector.com.

5 danh lam hùng vĩ nhất châu Phi

GD&TĐ - Với diện tích 30,3 triệu km2, châu Phi có rất nhiều vùng khí hậu và sinh thái với hệ thống động – thực vật độc đáo, cảnh quan ngoạn mục.