Nâng “chất” giáo dục toàn diện từ phản hồi người học

GD&TĐ - Đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên là một trong những yêu cầu không thể thiếu đối với nhiều cơ sở đào tạo hiện nay. Với những ưu điểm mang lại mà đánh giá giáo dục được xem như một phương pháp để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Nâng “chất” giáo dục toàn diện từ phản hồi người học

Hiệu quả nhìn từ thực tế

Theo thầy giáo Thái Quang Trung (Trường ĐHSP – ĐH Huế) thì sinh viên đánh giá giảng dạy thường được dùng cả trong đánh giá hình thành và đánh giá tổng kết. Trong hầu hết các trường ĐH ở nước ngoài, đây là điều bắt buộc… Thông tin thu được từ sinh viên có thể được giảng viên sử dụng để cải tiến công tác giảng dạy, để tìm ra những điểm mạnh và điểm yếu trong quá trình giảng dạy những môn khác nhau và những lớp khác nhau. Thông tin thu được từ sinh viên sau một vài năm cũng hữu ích cho việc bổ sung, cập nhật nội dung các môn học.

Thực tế sau 10 năm triển khai thực hiện lấy ý kiến phản hồi từ người học tại trường ĐHSP – ĐH Huế cho thấy những kết quả khả quan thông qua những thống kê và số liệu sơ kết. Về mục tiêu, yêu cầu bài học rõ ràng và bài giảng dễ hiểu, dễ theo dõi chiếm tỷ lệ trên 86%. Về phương pháp dạy học của giảng viên, hầu hết sinh viên đánh giá cao về thái độ của giảng viên trong quá trình giảng dạy.

Cụ thể đã khuyến khích ý kiến phát biểu của sinh viên, giải đáp thắc mắc cho sinh viên rất thỏa đáng, đảm bảo giờ giấc giảng dạy. Việc kích thích hứng thú học tập, tìm tòi tri thức mới của sinh viên được sinh viên đồng tình ủng hộ cao trên 87%.

Mặt khác, đa số sinh viên cũng nhất trí theo cách thức kiểm tra đánh giá của giảng viên như: kiểm tra học tình đúng quy định, đề kiểm tra, thi phù hợp với trình độ của sinh viên. Đặc biệt, sinh viên nhất trí cao về việc giảng viên cho sinh viên làm bài kiểm tra học trình theo đúng quy định chiếm 96,15%.

Trong quan hệ giao tiếp giữa giảng viên và sinh viên khá thân thiện, tôn trọng lẫn nhau, có sự hợp tác đều chiếm tỷ lệ cao (trên 92%); việc giảng viên thường xuyên quan tâm đến tình hình học tập của từng cá nhân sinh viên trong giờ học chiếm 77,44% ý kiến đồng ý…

Qua những thống kê, sơ kết cho thấy, chủ trương lấy ý kiến phản hồi từ người học đối với hoạt động giảng dạy của giảng viên là hết sức cần thiết.

Một cách nâng cao chất lượng giảng dạy

Sinh viên đánh giá giảng dạy là một hoạt động không thể thiếu đối với một trường đại học, là một khuynh hướng ngày càng được tăng cường trong giáo dục đại học và đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ cho đến nay. Những kết quả nghiên cứu sinh viên đánh giá giảng dạy phù hợp với phương pháp đánh giá giảng dạy khác (đánh giá kết quả học tập, nhận xét của sinh viên, quan sát của chuyên gia và đánh giá của cựu sinh viên) và rất hữu ích cho giảng viên.

Tuy nhiên, việc đánh giá dựa vào sinh viên cũng có những hạn chế nhất định. Ví như với một số lĩnh vực cụ thể về chất lượng giảng dạy mà sinh viên không thể có đánh giá chính xác (mục tiêu, nội dung môn học, đánh giá hoạt động học tập của sinh viên). Vì vậy, để giảm thiểu điều này cần phải sử dụng nhiều loại kĩ thuật thu thập ý kiến khác nhau ngoài phiếu hỏi thông thường.

Một số yếu tố khó kiểm soát như động cơ học tập của sinh viên, tính phức tạp của tài liệu, mức độ khó dễ của môn học. Khi phân tích kết quả thu được cần dựa trên nhiều nguồn dữ liệu khác nhau và sự so sánh giữa các môn học khác nhau.

Giáo viên thường có những khả năng, giải pháp và mục tiêu giảng dạy khác nhau mà một bộ câu hỏi sẵn có không thể đánh giá một cách phù hợp các hoạt động giảng dạy của họ.

Về nội dung đánh giá cần tập trung vào các vấn đề cơ bản như: Nội dung và phương pháp giảng dạy của giảng viên; Tài liệu phục vụ giảng dạy và thời gian lên lớp của giảng viên; Trách nhiệm và sự nhiệt tình giảng dạy của giảng viên đối với người học; Khuyến khích sáng tạo, tôn trọng tư duy độc lập của người học trong học tập; Sự công bằng trong kiểm tra, đánh giá của giảng viên; Tư vấn hướng dẫn hoạt động học tập của người học; Tác phong sư phạm…

Thầy Thái Quang Trung cho rằng để hoạt động này thực sự phát huy hiệu quả cần xây dựng, thiết kế phiếu điều tra với những tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Cần mở rộng mức độ công khai kết quả điều tra để tạo hiệu ứng tích cực từ người dạy. Đồng thời, chủ thể quản lý – người có chức năng, nhiệm vụ tiến hành lấy phiếu điều tra phản hồi cần cụ thể hóa chế tài đảm bảo chế độ thưởng – phạt đối với cá nhân người dạy khi xem xét, đánh giá thành tích thi đua hàng năm. Cần lưu ý sinh viên đánh giá giảng dạy chỉ là một trong nhiều phương pháp đánh giá giảng dạy hiệu quả.

Đánh giá giảng dạy là một công việc khá mới mẻ đối với giáo dục đại học ở Việt Nam cả về lý luận lẫn thực tiễn. Hiện nay đã có nhiều trường ĐH trong nước triển khai công tác này, nhưng đa số chỉ giới hạn ở việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên.

Để đánh giá giảng dạy có hiệu quả, các trường nên sử dụng cả ba phương pháp là điều tra sinh viên, đánh giá đồng nghiệp và hồ sơ giảng dạy. Về biện pháp thực hiện thì việc lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về hoạt động giảng dạy của giáo viên nên được thực hiện bằng hai hình thức: giáo viên tự lấy ý kiến sinh viên trong quá trình giảng dạy, trường sẽ thực hiện việc này để phục vụ cho mục tiêu của đánh giá tổng kết; Việc đánh giá đồng nghiệp cần tiến hành định kỳ đối với tất cả các giáo viên thay vì chỉ đối với giáo viên trẻ.

Mặt khác, mỗi trường cần soạn thảo một bản hướng dẫn về việc thực hiện xây dựng hồ sơ giảng dạy. Ngoài ra, bất kỳ một đánh giá nào liên quan đến giảng viên về mặt tổ chức, hoặc thay đổi chương trình, phân công giảng dạy đều phải sử dụng hình thức đánh giá tổng kết chứ không đơn thuần là đánh giá hình thành.

Hầu hết các trường ĐH ở nước ngoài, lấy ý kiến phản hồi từ người học là điều bắt buộc. Dữ liệu được cung cấp sẽ được tích lũy dần trong hồ sơ giảng viên để làm minh chứng cho sự tiến bộ trong giảng dạy. Thông tin thu được từ sinh viên có thể được giảng viên sử dụng để cải tiến công tác giảng dạy, để tìm ra những điểm mạnh và điểm yếu trong quá trình giảng dạy những môn khác nhau và những lớp khác nhau…  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ