Nâng 'chất' bữa ăn bán trú: Lắng nghe phản hồi của học sinh

GD&TĐ - Các trường học tại TPHCM có nhiều cách công khai, minh bạch bữa ăn bán trú của học sinh tới phụ huynh.

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi (TP Thủ Đức). Ảnh: M.A
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi (TP Thủ Đức). Ảnh: M.A

Đặc biệt, để tạo sự an tâm, tin tưởng cho phụ huynh, nhiều đơn vị còn tổ chức bữa ăn bán trú “mở”, lắng nghe ý kiến học sinh nhận xét bữa ăn hằng ngày.

Học sinh đánh giá bữa ăn

“Hôm nay đi học con có vui không? Bữa ăn trưa hôm nay có ngon không?” - Những câu hỏi đơn giản nhưng đầy tình cảm mà giáo viên, nhân viên và bảo mẫu tại Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi (TP Thủ Đức) luôn dành cho học sinh. Đây không chỉ là lời hỏi thăm thường ngày, mà còn là cầu nối giúp các em chia sẻ chân thực những cảm nhận về bữa ăn bán trú, tạo điều kiện để nhà trường lắng nghe và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học.

Năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi có hơn 1.000 học sinh đăng ký ăn bán trú. Từ đầu tháng 10/2024, đơn vị này chính thức triển khai phiếu “Ghi nhận bữa ăn bán trú” nhằm thu thập ý kiến phản hồi của học sinh. Các em có thể đánh giá bữa ăn theo ba mức độ: Thích - Bình thường - Không thích.

Sau mỗi bữa ăn, các em có thể điền tên, số thứ tự hoặc giữ ẩn danh và nộp phiếu cho các cô bảo mẫu. Việc này không chỉ giúp thu thập thông tin về chất lượng bữa ăn, mà còn tạo cơ hội để các em thực hành kỹ năng bày tỏ ý kiến cá nhân, phát triển sự chủ động và tinh thần trách nhiệm với bản thân.

Những phản hồi của học sinh được tổng hợp và chuyển đến bộ phận nhà bếp, giúp điều chỉnh thực đơn sao cho phù hợp hơn với khẩu vị và nhu cầu dinh dưỡng. Việc công khai thực đơn hằng tuần trên bảng thông báo và sổ liên lạc điện tử cũng giúp phụ huynh đồng hành cùng nhà trường trong việc giám sát và cải thiện chất lượng bữa ăn.

Cô Phan Thị Thu Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi cho biết: “Nhà trường không chỉ muốn lắng nghe cảm nhận chân thật nhất về bữa ăn từ học sinh, mà còn mong muốn thông qua quá trình này, các em có thể mạnh dạn, tự tin hơn trong việc chia sẻ ý kiến cá nhân. Từ đó, nhà trường sẽ kịp thời giải quyết các vấn đề. Đây là một phần quan trọng trong việc giáo dục kỹ năng sống cho các em”.

Tại Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Quận 4), năm học 2024 - 2025 có 445/685 học sinh bán trú. Đối với bữa ăn bán trú, hằng tuần nhà trường công khai thực đơn cho phụ huynh, học sinh biết. Bên cạnh đó, mỗi bữa ăn, các thành viên ban giám hiệu luân phiên quan sát, giám sát chất lượng bữa ăn.

Theo cô Hiệu trưởng Phạm Thúy Hà, bữa ăn bán trú của học sinh trong trường đặt tại một công ty cung cấp suất ăn. Do đó, trong các bữa ăn, ban giám hiệu cũng như giáo viên sẽ trực tiếp hỏi học sinh món nào thích và không thích để điều chỉnh thực đơn những bữa tiếp theo. Ngoài ra, nhà trường cũng mời phụ huynh đến dự giờ bữa ăn và tháng 11 tới, ban giám hiệu cùng ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ tham quan cơ sở chế biến suất ăn.

Tương tự, tại Trường THPT Trần Quang Khải (Quận 11), việc tổ chức bữa ăn bán trú được thực hiện công khai, minh bạch. Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nắm bắt và lắng nghe ý kiến học sinh góp ý để kịp thời khắc phục hạn chế. Đặc biệt, thông qua đề xuất, đóng góp của học sinh, đơn vị liên tục thay đổi thực đơn nhằm làm phong phú bữa ăn nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng.

“Từ những đánh giá, nhận xét của học trò về bữa cơm bán trú, bếp ăn công nghiệp ở trường thời gian qua có nhiều điều chỉnh phù hợp. Nhờ đó chất lượng bữa ăn ngày một nâng cao”, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tấn Tài cho hay.

nang-chat-bua-an-ban-tru-1.jpg
Phụ huynh “tận mục sở thị” bữa ăn của con tại Trường Mầm non 19/5 Thành Phố (Quận 1). Ảnh: M.A

Phụ huynh “tận mục sở thị”

Trong những năm qua, nhiều trường tại TPHCM tổ chức ngày “Open House”, tiết học mở, giờ ăn mở, mời phụ huynh vào trường học, chơi, ăn cơm cùng con, quan sát bếp ăn bán trú có đảm bảo đủ điều kiện… Đây là một cách công khai chất lượng giáo dục, minh bạch chất lượng, sự an toàn của bữa ăn bán trú trong trường học để phụ huynh yên tâm.

Ngày 22/10, Trường Mầm non 19/5 Thành Phố (Quận 1) tổ chức “ngày hội buffet” đầy màu sắc cho trẻ. Phụ huynh tham gia và quan sát bữa ăn. Sự kiện không chỉ là dịp để trẻ trải nghiệm, mà còn giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về bữa ăn bán trú; được tận mắt quan sát giờ ăn sáng tổ chức ở sân trường, thực phẩm trưng bày và cách các cô hỗ trợ trẻ ăn uống cũng như các kỹ năng trẻ học được.

Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Mai Yến Hằng, thời gian qua, bữa ăn bán trú của trẻ được công khai, với nhiều cách thức khác nhau: Trên ứng dụng điện tử liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh, bảng tin, website trường học. Đồng thời, cơ sở này có tủ trưng bày bữa ăn thực tế (không phải tủ lưu mẫu thực phẩm) đặt ngay ở sảnh ra vào. Mỗi chiều khi tới đón trẻ, cha mẹ có thể nhìn thấy các suất ăn trong ngày; biết bữa sáng, trưa, xế trẻ ăn món nào.

“Ban giám hiệu nhà trường cũng như phụ huynh trong ban đại diện cha mẹ từng lớp có các buổi kiểm tra định kỳ, đột xuất bếp ăn trường học. Không chỉ vậy, mỗi sáng, khi phụ huynh đưa trẻ vào lớp học có thể quan sát giờ ăn sáng ngay trên lớp học với các món ăn.

Ngày 18/10, Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú) mời phụ huynh tới trường xem công tác tổ chức bán trú, học sinh ăn bữa trưa tại trường. Trước đó, ngày 8/10, hơn 50 phụ huynh Trường Tiểu học Hiệp Tân (quận Tân Phú) cũng tham gia giờ ăn mở của trường. Theo đó, phụ huynh thăm bếp ăn, xem công tác an toàn vệ sinh thực phẩm được áp dụng trong thực tế tại trường, thông tin công khai về các đơn vị cung cấp thực phẩm; được vào lớp, quan sát trẻ ăn cơm, cảm nhận về đồ ăn.

Cô Phan Thị Thu Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi cho rằng: “Khi bữa ăn của học sinh, nguồn thực phẩm, bếp ăn được công khai và giám sát, phụ huynh sẽ yên tâm về ngôi trường trẻ học hằng ngày. Việc phụ huynh đồng hành cùng nhà trường sẽ góp phần đảm bảo học sinh được ăn đồ ngon, chất lượng. Điều này xây dựng nên một môi trường học tập hạnh phúc”.

“Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trường học cần lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm chuyên nghiệp, đáp ứng đầy đủ tiêu chí vệ sinh, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý trường học phải trực tiếp giám sát, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại đơn vị cung cấp.

Khuyến nghị các đơn vị nâng cao chất lượng nguồn gốc thực phẩm đầu vào, không chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu là đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm mà cần đạt những chuẩn cao hơn như VietGAP, GlobalGAP…”, bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.