Theo kế hoạch, vào tháng 4/2024, Bộ VH,TT&DL kết hợp với tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại Lý Sơn với quy mô cấp quốc gia. Thông tin trên được ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia thông báo tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi mới đây.
Có thể xem đây là một tín hiệu không thể tốt hơn để tỉnh Quảng Ngãi sắp xếp lại cung cách tổ chức cho một lễ hội đã thu hút sự chú ý của toàn dân Việt Nam như Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa từ hàng chục năm qua.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được người dân đảo Lý Sơn duy trì từ hàng trăm năm nay, nhằm tri ân những người con của đất đảo đã hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ bảo vệ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, đặc biệt là bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
Từ thời chúa Nguyễn rồi qua nhà Nguyễn, hàng năm, cứ vào khoảng sau Tết Âm lịch là có lệnh vua ban xuống, những binh phu của Lý Sơn chuẩn bị hành trang để lên đường ra Hoàng Sa bảo vệ chủ quyền lãnh hải.
Những chuyến hải hành kéo dài nhiều ngày, gặp rất nhiều rủi ro, bất trắc nên nhiều người trong số họ đã phải nằm lại với biển khơi. Hàng trăm ngôi mộ gió đang hiện hữu trên đảo Lý Sơn đã nói lên sự hy sinh vô bờ bến đó.
Trước khi các binh phu lên đường ra Hoàng Sa, các tộc họ của hòn đảo này tổ chức một lễ tiễn đưa. Trong lễ ấy, người ta làm những chiếc thuyền câu bằng giấy và các hình nhân đặt lên đó rồi thả ra biển.
Người lên đường và cả người ở lại đều tin rằng, những hình nhân ấy sẽ “thế mạng” những người lính ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, những cuộc “ra đi không trở lại” vẫn cứ diễn ra qua những chuyến hải hành.
Những cuộc ra đi của binh phu ra Hoàng Sa đã chấm dứt nhưng “lễ tiễn đưa” thì các tộc họ trên đảo Lý Sơn vẫn duy trì hàng trăm năm nay, như một sự nhắc nhở thế hệ hôm nay đừng quên rằng Hoàng Sa từng là mảnh đất của ông bà mình đã đổ máu để gìn giữ.
Lâu nay, thường thì lễ được các tộc họ trên đảo tổ chức nhỏ lẻ nên việc manh mún là điều khó tránh khỏi. Để Lễ khao lề trở thành một lễ hội cấp quốc gia thì Nhà nước, tức Bộ VH,TT&DL và tỉnh Quảng Ngãi phải đứng ra tổ chức.
Không chỉ là tổ chức buổi lễ “ôn cố tri tân” mà chung quanh sự kiện này, sẽ diễn ra hàng loạt các trò chơi truyền thống của chính người dân trên đảo như đua thuyền tứ linh, ném dồi bong.
Nhân dịp này, một số hoạt động khác như cuộc thi Người đẹp Biển Việt Nam, Hội thi Tiếng hát ba miền, giải chạy marathon cung đường quanh đảo, giải bơi vượt biển Lý Sơn - An Bình, triển lãm chuyên đề liên quan đến Hoàng Sa - Trường Sa… cũng sẽ được tổ chức.
Từng ấy các hoạt động đủ để thu hút một lượng du khách rất lớn trong cả nước về với Lý Sơn trong những ngày diễn ra lễ hội. Tuy nhiên, do hoàn cảnh địa lý cách trở, Lý Sơn cũng chưa bao giờ tổ chức một lễ hội cấp quốc gia như thế nên việc làm sao để khỏi xảy ra những sự cố đáng tiếc là điều mà chính quyền sở tại cần chú trọng.
Còn không bao lâu nữa là lễ hội hoành tráng này sẽ diễn ra tại Lý Sơn. Hy vọng đây sẽ là cơ hội để Quảng Ngãi quảng bá tiềm năng du lịch của mình.