Tiêm kích tàng hình F-22 Raptor có thể bị Không quân Mỹ (USAF) cho ngừng hoạt động trong thời gian tới, tuy nhiên điều này chắc chắn không xảy ra ngay lập tức mà sẽ được tiến hành dần dần.
Các chuyên gia Mỹ tin rằng F-22 sẽ hoạt động trong Không quân Mỹ ít nhất một thập kỷ nữa, đó là khoảng thời gian để USAF thử nghiệm và bắt đầu sản xuất tiêm kích tàng hình thế hệ tiếp theo (NGAD).
Điều này có nghĩa là F-22 Raptor phải trải qua một quá trình hiện đại hóa. Khả năng tiến hành một trận chiến tầm xa trên Thái Bình Dương đòi hỏi máy bay chiến đấu không cần tiếp nhiên liệu bổ sung.
F-22 là tiêm kích thế hệ 5 nên nó hầu như không thể đeo bất cứ thứ gì bên ngoài, bởi vì làm như vậy sẽ làm tăng diện tích phản xạ radar. Tức là công nghệ tàng hình sẽ không hiệu quả.
Mỹ đang nghĩ đến một kịch bản, trong đó F-22 Raptor có thể được sử dụng cho hành động quân sự trên bầu trời khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khi đó máy bay sẽ phải hoạt động cách xa căn cứ.
Đáp ứng yêu cầu trên, một thùng nhiên liệu hòa nhập khí động loại mới sẽ mang lại lợi thế cần thiết cho F-22 Raptor. Tín hiệu về việc chương trình trên được tiến hành đã xuất hiện trong quý 2 năm nay.
Sau đó, trong báo cáo ngân sách quốc phòng của Mỹ cho năm tài chính 2023, những nâng cấp thú vị dành cho tiêm kích tàng hình F-22 đã được nhắc tới. Cụ thể, Raptor sẽ có những thùng nhiên liệu "vô hình" mới dưới cánh.
Thùng nhiên liệu của Raptor hiện có dung tích 600 gallon. Tuy nhiên chúng có tác động tiêu cực ở một mức độ nào đó và phần nào làm giảm khả năng chiến đấu. Thiết bị mới được thiết kế cho F-22 nhằm bù đắp phần nào sự thiếu sót này.
Giới quan sát cho biết, các công nghệ mới của đối phương làm phát sinh yêu cầu tăng phạm vi tấn công cho F-22. Để đảm bảo thành công cho nhiệm vụ, F-22 Raptor phải được tăng tầm hoạt động “đồng thời duy trì khả năng sống sót”.
Tiêm kích tàng hình F-22 Raptor sẽ được trang bị thùng dầu phụ hòa nhập khí động mới. |
Các chuyên gia quân sự Mỹ cho biết một thiết kế mới, tàng hình hơn cho thùng nhiên liệu dưới cánh sẽ được tạo ra. Bên cạnh đó những giá treo cũng sẽ được nâng cấp, khả năng “tàng hình” của chúng cũng được làm lại.
Những thay đổi đáng kể sẽ xảy ra khi thùng nhiên liệu hòa nhập khí động bị đẩy ra ngoài thân. Trong tương lai, công việc cần được thực hiện để tạo ra một bề mặt nhẵn, điều này rất quan trọng đối với hoạt động bình thường của công nghệ tàng hình.
Giới phân tích cho rằng việc làm này sẽ được thực hiện bằng công nghệ khí nén trên các giá treo, cho phép kiểm soát chính xác thao tác, ngoài ra còn cung cấp một bề mặt nhẵn, hoàn toàn "sạch" tín hiệu phản xạ radar.
Tất nhiên ngân sách năm 2023 không chỉ mang tới những thay đổi này. Nhiều khả năng, Mỹ sẽ đầu tư tiền vào việc phát triển và tích hợp những khí tài khác cho Raptor.
Hiện nay tiêm kích tàng hình F-22 không có khí tài tác chiến điện tử chủ động, và các thiết bị treo dưới cánh loại mới rất có thể sẽ được sử dụng để tích hợp thêm thiết bị như vậy.
Những người khác suy đoán rằng F-22 Raptor sẽ có khả năng sử dụng thiết bị định vị quang họa đã được chờ đợi từ lâu. Tức là một phương tiện thụ động để phát hiện và nhắm mục tiêu vào máy bay địch. Khí tài này cũng sẽ được cung cấp ở dạng pod treo dưới cánh.
Rõ ràng việc F-22 Raptor nghỉ hưu sẽ xảy ra, nhưng là tương lai dài hạn chứ không phải trước mắt, Mỹ chưa muốn từ bỏ dự án này một cách nhẹ nhàng, bởi chiếc tiêm kích còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vị thế của Washington ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Lần đầu tiên tiêm kích tàng hình F-22 Raptor hạ cánh trên đất Nhật Bản diễn ra cách đây vài tuần và thời gian triển khai của nó sẽ kéo dài nhằm thay thế F-15 Eagle như một công cụ răn đe đắc lực, đồng thời gửi cam kết tới những đồng minh của Washington.
Diễn biến trên có lẽ sẽ khiến những đối thủ của Mỹ phải tăng cường biện pháp đối phó thông qua việc chế tạo tiêm kích tàng hình thế hệ năm nội địa, cũng như bổ sung các tổ hợp tên lửa phòng không tối tân.