Đây là một giải pháp chủ động, quyết liệt, kịp thời của chính quyền Thủ đô trước bối cảnh những ngày gần đây, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại.
Những quyết định sát thực tiễn
Trong những ngày qua, Hà Nội thực hiện chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 với sự chủ động trong dự báo, nắm tình hình; khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp; thần tốc trong truy vết, xét nghiệm... cùng với những sáng tạo mang lại hiệu quả trên thực tiễn, như khoanh vùng “3 lớp”, thực hiện phương châm “3 trước” và “4 tại chỗ”...
Qua đó, giúp Thành phố kiểm soát, khống chế được dịch bệnh mà không phải giãn cách hay phong tỏa cứng, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất.
Cả hệ thống chính trị Thành phố cũng luôn xác định công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên số một. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Thành phố, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND Thành phố liên tục có những chỉ đạo về giải pháp phòng chống, bám sát diễn biến tình hình dịch trên địa bàn.
15 đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, đơn vị; thông qua đó từ Thành phố đến cơ sở luôn duy trì cảnh giác cao độ, không lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch; với quyết tâm cao nhất là giữ vững an toàn cho Thủ đô, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành bạn; cùng với chủng vi rút Delta có tốc độ lây lan nhanh, phức tạp và nguy hiểm đã tác động đến Thủ đô.
UBND Thành phố đã liên tục ban hành các Công điện số 13, 14, 15, 16, từng bước nâng mức độ các giải pháp phòng, chống dịch.
Nhằm chặn đứng nguồn lây, không để dịch bùng phát, tối ngày 23/7, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh tiếp tục ký Chỉ thị số 17 thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố từ từ 06h ngày 24/7 trên phạm vi toàn Thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.
Thành phố yêu cầu toàn hệ thống chính trị và chính quyền các cấp xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là cấp bách hàng đầu; dừng tất cả các hoạt động, cuộc họp chưa cấp thiết; các cuộc họp cần thực hiện thì tổ chức họp trực tuyến; tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung của Chỉ thị này và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thành phố, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn thông báo công khai số điện thoại trực đường dây nóng và trực phòng chống dịch để người dân biết liên hệ; tổ chức trực ban 24/7 đảm bảo kịp thời giải quyết các công việc cấp bách trong mọi tình huống.
Thành lập Sở chỉ huy Thành phố để trực tiếp chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch thông qua hệ thống giám sát trực tuyến 24/7. Sở chỉ huy Thành phố đặt tại trụ sở UBND Thành phố, do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh chỉ đạo toàn diện. Cùng với đó, Thành phố cũng yêu cầu Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn thành lập và trực tiếp chỉ đạo Sở Chỉ huy thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách để chỉ đạo công tác phòng chống dịch và tổ chức triển khai Chỉ thị 17.
Mỗi người dân phải là một chiến sỹ chống dịch
Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “mỗi người dân phải là 1 chiến sĩ, mỗi gia đình là 1 pháo đài, chung tay chống dịch”, Chỉ thị của UBND Thành phố nêu rõ, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong lúc này vô cùng quan trọng, để cùng cộng đồng, chính quyền các cấp quyết tâm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.
Thành phố yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.
Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.
Đồng thời, Thực hiện khai báo y tế hàng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone. Liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác... Trường hợp người dân khi di chuyển vào Thành phố vì lý do công vụ, phòng chống dịch, phục vụ sản xuất phải thực hiện khai báo y tế và tuân thủ các biện pháp giám sát, cách ly y tế theo quy định của Thành phố.
Thành phố cũng đề nghị mỗi người dân Thủ đô bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch. Thành phố đã chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết, nhân dân không cần thiết tích trữ hàng hóa.
Ra ngoài đường khi không cần thiết trong lúc này có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng. Đồng thời các hộ gia đình, Ban quản lý các tòa nhà chung cư, các nhà máy, cơ sở sản xuất tăng cường công tác kiểm tra các thiết bị điện, các thiết bị PCCC, đảm bảo không để xảy ra các sự cố chập điện, cháy nổ.
Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, ngành công thương đã phối hợp với các ngành, xây dựng kế hoạch, chủ động trong cung ứng hàng hóa và nhu yếu phẩm cho nhân dân Thủ đô, với mức tăng từ 30%-50%, trong thời gian 03 tháng với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (đối với 17 mặt hàng thiết yếu).
Các doanh nghiệp cũng bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn. Theo ghi nhận, hàng hóa tại các chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện ích rất dồi dào, không có tình trạng tăng giá đột biến.
Tại hội nghị thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố sáng 24/7, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, việc áp ụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Thành phố vào thời điểm này là cần thiết, căn cứ vào thực tiễn và diễn biến tình hình dịch. Thành phố đã chỉ đạo, chủ động các phương án theo từng cấp độ của dịch, từ y tế, đảm bảo về giao thông cũng như cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và đảm bảo an toàn tính mạng, sức khoẻ của người dân là mục tiêu cao nhất, Thành phố yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát diễn biến tình hình, trên tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đặc biệt, Thành phố mong muốn người dân tin tưởng, ủng hộ và đồng thuận, nghiêm túc chấp hành các nội dung trong Chỉ thị 17-CT/UBND của UBND Thành phố mới ban hành.
Với những chỉ đạo sát sao, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở, vấn đề quan trọng lúc này là sự chung tay, vào cuộc với tinh thần tự giác, trách nhiệm của mỗi người dân, để Thành phố sớm kiểm soát, khống chế và đẩy lùi dịch bệnh; để hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân sớm trở lại bình thường; không để “một người lơ là mà cả xã hội vất vả”.