Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Nhằm nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt, hợp vệ sinh lên 98% vào năm 2025 theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ 20. Tỉnh Thái Nguyên đã và đang tiếp tục quan tâm, triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giúp người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các hộ đồng bào người DTTS và miền núi có nước sạch và nước hợp vệ sinh sử dụng.
Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021- 2025, cùng với việc đầu tư mới công trình nước sạch cho vùng dân tộc miền núi, việc hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán thuộc dự án 1 đã giúp cho các hộ đồng bào dân tộc có vật tư để an tâm dùng nước sạch.
Tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, năm 2023 Phòng Dân tộc huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các xóm tiến hành cấp téc chứa nước cho các hộ nghèo là người DTTS trên địa bàn huyện.
Cụ thể, toàn huyện có 377 hộ nghèo là người DTTS, thuộc 12 xã được hỗ trợ téc chứa nước. Tổng số tiền thực hiện hỗ trợ là 1,13 tỷ đồng. Trong đó, Yên Trạch - xã đặc biệt khó khăn của huyện Phú Lương, có số hộ được hỗ trợ nhiều nhất, với 77 hộ. Tiếp đến là xã Ôn Lương có 57 hộ, xã Phủ Lý có 55 hộ, xã Động Đạt có 52 hộ được hỗ trợ. 8 xã còn lại có từ 7 đến 33 hộ được hỗ trợ téc nước. Téc chứa nước được cấp cho các hộ là loại Agassi, thể tích 1.000 lít.
Còn đối với huyện Định Hóa, theo thống kê, giai đoạn 2021-2023, phòng Dân tộc huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các xóm tiến hành cấp téc chứa nước cho các hộ nghèo, cận nghèo, là người dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Cụ thể, với tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ là 15,7 tỷ đồng toàn huyện đã có 934 hộ, thuộc 23 xã, thị trấn đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán của Dự án 1, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Trong đó, 881 hộ được hỗ trợ téc nước, 36 hộ được hỗ trợ đào giếng, 15 hộ được hỗ trợ đường ống dẫn nước, 2 hộ được hỗ trợ xây dựng bể chứa nước.
Nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt, hợp vệ sinh
Gia đình bà Ma Thị Gia, người dân tộc Tày, sinh sống thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa vừa được hỗ trợ téc nước từ chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán của Dự án 1, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi vô cùng phấn khởi cho biết: Nhiều năm nay, gia đình tôi sử dụng nguồn nước từ Trạm khai thác và quản lý nước sinh hoạt Định Hoá, tuy nhiên vào giờ cao điểm, nguồn nước yếu, chảy chậm nên gia đình phải tích trữ nước. Do điều kiện gia đình khó khăn không đủ điều kiện để tự mua téc nước nên vẫn sử dụng xô, chậu để tích trữ nước sinh hoạt, việc sử dụng xô, chậu tích nước chỉ mang tính tạm thời, không chứa được nhiều mà lại gây mất vệ sinh.
Mới đây, gia đình tôi và một số hộ lân cận đã được hỗ trợ mua téc nước, chúng tôi rất phấn khởi vì không còn phải lo tích trữ nước lẻ tẻ bằng xô, chậu nữa, gia đình vô cùng phấn khởi bởi nhờ có téc nước cả nhà vẫn có đủ nước để sử dụng trong vài ngày.
Là một trong những gia đình được nhận téc nước từ dự án thuộc chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS và miền núi, đến nay đã hơn 5 tháng, gia đình ông Triệu Văn Chu, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên vẫn luôn cảm thấy biết ơn. Bởi, gia đình là hộ nghèo, nhiều năm qua vẫn luôn sử dụng nguồn nước dẫn từ khe suối, chứa trong bể, tuy nhiên bể nước được xây lâu ngày, khó vệ sinh, nguồn nước không được đảm bảo.
Ông Triệu Văn Chu cho biết: Chúng tôi rất biết ơn và cảm ơn Đảng, nhà nước đã dành sự quan tâm, hỗ trợ các nguồn lực để những người dân nghèo từng bước cải thiện cuộc sống, ngay sau khi nhận được hỗ trợ và đưa vào sử dụng, téc nước đã phát huy hiệu quả giúp gia đình tôi chứa nguồn nước đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh, yên tâm sinh hoạt”.
Như vậy, hiệu quả của hoạt động đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước và cung cấp vật tư về nước sạch cho người dân nông thôn và miền núi là rất rõ ràng và thiết thực. Việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước, hỗ trợ đồng bào DTTS về nước sạch đã và đang góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương và từng bước làm thay đổi tập quán sinh hoạt của người dân các xã miền núi.