Hội nghị đã nghe các báo cáo của Trung tâm nghiên cứu giáo dục dân tộc, Vụ giáo dục tiểu học, tổ chức UNICEF và các đại biểu về vấn đề nghiên cứu thực hành chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của HS dân tộc thiểu số.
Nghiên cứu thực hành giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ được triển khai thử nghiệm với học sinh dân tộc Mông, Jrai và Khmer ở 7 trường Tiểu học của 3 tỉnh Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh. Dưới sự hỗ trợ của UNICEF và sự phối hợp của Trung tâm Nghiên cứu giáo dục Dân tộc, về cơ bản việc khảo sát đã đạt được yêu cầu và tiến độ công việc theo kế hoạch tổ chức khảo sát đặt ra.
Các kết quả của kì khảo sát năm học 2012 – 2013 của Vụ GD Tiểu học chỉ ra HS học chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ đạt được kết quả cao ở các môn Tiếng Việt, Toán và tiếng mẹ đẻ. Trên 90% HS đạt yêu cầu đối với các kĩ năng được khảo sát ở cả 3 môn học.
Tuy nhiên kĩ năng đọc hiểu môn tiếng mẹ đẻ ở lớp 4 có 78.7% HS đạt yêu cầu, như vậy có khoảng trên 20% HS lớp 4 còn có kết quả yếu.
Đối với môn Toán lớp 3 và lớp 4, so sánh kết quả với HS không được thụ hưởng chương trình (bao gồm: HSDT học chương trình quốc gia tại trường thử nghiệm song ngữ, HSDT học chương trình quốc gia ở một trường khác trên cùng địa bàn huyện, HS người Kinh học chương trình quốc gia ở một trường khác trên cùng địa bàn huyện HSDT) cho thấy: HS học theo chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ có kết quả cao, tương đương với HS người Kinh, đặc biệt là cao hơn so với nhóm HSDT không được thụ hưởng chương trình.
Ông Jesper Moller - Phó Trưởng ban đại diện UNICEF - cho biết: Tính ưu việt của chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ là giúp HS dân tộc cải thiện được việc học tập tiếng Việt đồng thời giữ gìn nét văn hóa dân tộc. HS tham gia chương trình này rất tự tin trong môi trường học tập.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Dạy học theo chương trình song ngữ có tác dụng trên nhiều mặt không chỉ ở môn tiếng Việt hay Toán mà còn ở các năng lực tự nhiên, xã hội, vốn văn hóa dân tộc... của HS.
Vì vậy phải chú ý phát huy tất cả các năng lực khác của HS; Cần nâng cao hơn nữa trình độ đội ngũ GV dân tộc và GV Kinh một cách toàn diện về chuyên môn và tiếng dân tộc;
Đồng thời cần rà soát các chính sách tác động tới đề án. Ngành giáo dục phải chủ động phối hợp với UBDT và các Bộ ngành để thực hiện tốt hơn và có hiệu quả chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ.