Nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống nhờ cây hồi

GD&TĐ - Cây hồi đã giúp cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống, từng bước xóa đói giảm nghèo.

Nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống nhờ cây hồi.
Nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống nhờ cây hồi.

Phát triển lâm nghiệp

Với diện tích đồi rừng tương đối lớn, cùng với khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp, nên các xã phía Đông của huyện Chợ Mới có nhiều điều kiện để phát triển lâm nghiệp. So với những loại cây trồng khác thì cây hồi đang là cây kinh tế chủ lực của xã Bình Văn. Đến nay, tất cả các thôn trong xã Bình Văn đều trồng hồi, trung bình mỗi hộ thu hoạch 7 đến 8 tấn hoa mỗi vụ.

Nhiều hộ gia đình thoát nghèo từ loại cây trồng này. Hiện nay, toàn xã có hơn 300 ha cây hồi, trong đó có khoảng 250 ha đã cho thu hoạch, sản lượng hằng năm ước đạt trên 900 tấn. Cây hồi ở Bình Văn có tuổi đời trung bình 20 - 25 năm.

Theo thông tin từ người dân trên địa bàn, bắt đầu từ tháng 6 nhiều hộ gia đình tại xã Bình Văn sẽ bắt đầu vào vụ thu hái quả hồi. Ước tính mỗi ha hồi trưởng thành sẽ cho năng suất từ 30 đến 35 tạ. Nếu giá bán ổn định giao động từ 30.000 – 40.000 đồng/kg trở lên thì cây hồi sẽ mang lại thu nhập cao cho người dân, giúp giảm nghèo bền vững.

Anh Ma Anh Tuấn, ở thôn Đon Cọt, xã Bình Văn, huyện Chợ Mới cho biết: Gia đình có truyền thống trồng cây hồi từ thời cha ông, trước khi trồng toàn bộ diện tích hồi thì gia đình đã trồng xen lẫn nhiều cây khác như Quế, Xoan, Mỡ tuy nhiên năng suất, chất lượng các cây trồng trên không đảm bảo.

Do đó, gia đình đã quyết định chuyển đổi giống cây trồng, sử dụng toàn bộ diện tích đất để trồng cây hồi, hiện nay gia đình đang trồng khoảng 8ha, mỗi vụ thu hoạch đều cho sản lượng khá.

Theo anh Tuấn, cây Hồi thường sẽ trồng vào mùa mưa, tốt nhất là mùa xuân. Cây hồi mới trồng thì cần phải chăm sóc 5 năm liền, quá trình trồng người dân phải thường xuyên phát cỏ ,bón lân, phát các cây dây leo.

Trước kia, các hộ trong thôn thường hay đi mua giống cây từ những thương lái hoặc là Hồi Dự án hỗ trợ về Cây Giống nhưng giờ hầu hết các hộ đều tự nhân giống từ cây mẹ, ươm tạo và phát triển cây con, quá trình này diễn ra trong khoảng 18 đến 24 tháng sau khi cây con đã cứng cáp sẽ được mang đi trồng và thời điểm trồng tốt nhất đối với Cây Hồi là tháng 2/3/7/8 dương lịch

Bên cạnh đó, cây hồi sẽ cho thu Hoạch Quả với 2 vụ là vụ chiêm và vụ mùa, thường thì thương lái sẽ đến thu mua tại nhà, thời điểm giá cao nhất lên đến 85.000 đồng/kg hồi tươi. Tuy nhiên, cũng có lúc quả hồi được bán tại Bình Văn chỉ có giá 30.000 đồng/kg. Còn đối với quả hồi đã qua sấy khô hoặc hong dưới ánh nắng mặt trời sẽ có giá giao động từ 120.000 – 250.000 đồng/kg. So với các cây trồng khác, thì nguồn thu nhập từ cây hồi mỗi năm lên tới cả trăm triệu đồng. Anh Tuấn cho biết thêm.

Thời điểm được giá quả hồi tươi lên tới 85.000 đồng/kg.

Thời điểm được giá quả hồi tươi lên tới 85.000 đồng/kg.

Đẩy mạnh cây trồng chủ lực của địa phương

Xác định cây hồi là một trong những cây chủ lực, vì vậy thời gian qua huyện đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng mới, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, đồng thời cải tạo những diện tích đã già cỗi, kém hiệu quả.

Bên cạnh trồng mới, người dân trồng hồi ở Chợ Mới đã chú trọng hơn trong việc chăm sóc, cắt tỉa, bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Lợi thế của cây hồi đó là thu hoạch trong nhiều năm. Vì vậy, năng suất, sản lượng cũng ổn định, bền vững hơn so với nhiều cây trồng khác.

Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm đầu ra, bao tiêu sản phẩm ổn định cho người dân; tập trung thu hút đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến tinh dầu hồi tại địa phương để nâng cao hiệu quả kinh tế của cây hồi.

Những năm gần đây, việc tiêu thụ hoa hồi ở huyện Chợ Mới vẫn diễn ra thuận lợi, người dân thu hoạch đến đâu tư thương thu mua hết đến đó. Vào vụ thu hoạch, cứ trước ngày chợ phiên người dân sẽ hái hoa hồi. Nhờ đó, thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao, cuộc sống ổn định, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ