Nâng cao năng lực y tế cơ sở: Nói phải đi đôi với làm

GD&TĐ - Theo thống kê của Bộ Y tế, số lượt khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chiếm trên 70% tổng số lượt khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (KCB BHYT) ở tất cả các tuyến. Điều này cho thấy, hệ thống y tế cơ sở đã phát huy được vị thế gần dân của mình.

Nâng cao năng lực y tế cơ sở: Nói phải đi đôi với làm

 Để tiếp tục thu hút, hệ thống này rất cần được sự hỗ trợ về chuyên môn, cơ sở vật chất và trang thiết bị cũng như cơ chế để nâng cao năng lực, tận dụng tiềm năng của mình.

Loay hoay tìm lối đi

Tại Hà Tĩnh, để xây dựng thương hiệu cho bệnh viện tuyến dưới, Sở Y tế chủ trương mời bệnh viện tuyến cuối về chuyển giao kỹ thuật, hợp tác để trở thành bệnh viện vệ tinh. Việc trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện E giúp Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh, Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên, Hương Sơn dần khẳng định được thương hiệu khi tỷ lệ thực hiện các danh mục kỹ thuật khó. Ngoài ra, việc triển khai thí điểm quản lý, điều trị bệnh nhân tăng huyết áp tại một số xã theo nguyên lý y học gia đình tạo sự dịch chuyển tỷ lệ chi KCB đáng kể, từ 55% năm 2015 lên 58% năm 2017.

Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn (Hà Nội) là một trong những địa chỉ tạo được uy tín với người dân. Không chỉ là nơi khám chữa bệnh ban đầu, trung tâm mạnh dạn liên kết với bệnh viện đầu ngành của thành phố để đào tạo, chuyển giao kỹ thuật điều trị bệnh mãn tính để thu hút… khách hàng.

Được sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Tim Hà Nội, Trung tâm đã triển khai thí điểm việc quản lý, KCB cấp thuốc điều trị bệnh lý tăng huyết áp tại 2 trạm y tế xã Mai Đình và Sóc Sơn. Sau 1 năm, tiếp tục thực hiện tại tất cả các trạm y tế, PKĐK trên địa bàn huyện. Đến nay, số bệnh nhân mắc bệnh mạn tính được lập bệnh án quản lý là 38.465 người, trong đó có 11.057 bệnh nhân tăng huyết áp, 5330 bệnh nhân đái tháo đường...

Số bệnh nhân tìm đến trung tâm tăng rõ rệt. Năm 2014, tổng số lượt khám là 215.569, năm 2015 là 300.178, năm 2016 là 345.000 lượt, năm 2017 là 384.595 lượt, 6 tháng đầu năm 2018 là 204.422 lượt.

Cần sự thống nhất

Trình độ đội ngũ và chất lượng khám chữa bệnh tại y tế cơ sở luôn là vấn đề người dân quan tâm khi lựa chọn nơi khám chữa bệnh ban đầu. Làm thế nào để giải tỏa những băn khoăn trên để thu hút người bệnh là câu hỏi của nhiều nhân viên y tế. Thực tế cho thấy, có nơi dù chỉ là y tế tuyến đầu nhưng làm tốt công việc của mình nhưng cũng có nơi loay hoay đi tìm lời giải. Điều này cho thấy đã đến lúc cần có cơ chế hỗ trợ chung cho hệ thống y tế cơ sở trong cả nước.

Việc nâng cao năng lực cho cán bộ cũng được thực hiện đồng bộ. Theo đó, Bộ sẽ tổ chức các khóa học nhằm hướng dẫn cán bộ y tế xã, phường lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân; Hướng dẫn bố trí không gian và các phòng chức năng của Trạm y tế xã; giáo dục truyền thông: tư vấn cho người bệnh về dinh dưỡng (giảm ăn muối, dinh dưỡng hợp lý), rèn luyện, hoạt động thể lực, kiểm tra sức khỏe thường xuyên, không hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, tạo cuộc sống thư giãn…

 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ngoài việc xây dựng cơ chế để thu hút cán bộ trình độ cao, hỗ trợ kỹ thuật theo hướng coi y tế cơ sở là “hàng rào” bảo vệ sức khỏe người dân, Bộ cũng khuyến khích các địa phương áp dụng mô hình KCB ban đầu nhằm giảm điều trị nội trú tại bệnh viện huyện, tăng cường KCB, chăm sóc tại nhà.

Trong đó, triển khai mạnh mẽ việc thực hiện lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, coi đây là phương thức quan trọng giúp phát hiện sớm và đưa vào quàn lý điều trị các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, COPD, sàng lọc phát hiện sớm ung thư, quản lý bệnh tâm thần tại cộng đồng giúp giảm tải bệnh viện và thuận lợi cho người dân, giảm chi phí KCB và chi từ quỹ BHYT…

Còn theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, TS Jun Nakagawa, bệnh không lây nhiễm đang là thách thức với ngành y tế Việt Nam. Với 380.000 ca tử vong liên quan đến bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là hơn 40% trong số tử vong này xảy ra ở những người dưới 70 tuổi nhưng lại không được phát hiện sớm hoặc điều trị triệt để tại tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu cho thấy lỗ hổng của hệ thống y tế.

“Đã đến lúc đưa việc điều trị, quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế thành quy định bắt buộc, có như vậy mới thúc đẩy nhân viên y tế củng cố năng lực bản thân cũng như việc xây dựng chính sách để nâng cao năng lực, chất lượng cho hệ thống này” - TS Jun Nakagawa khuyến cáo.

-Khóa học đầu tiên nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh các bệnh mãn tính tại tuyến y tế ban đầu theo nguyên lý y học gia đình được Bộ Y tế tổ chức tại huyện Đan Phượng (Hà Nội).

-60 bác sĩ, y sĩ của 15 trạm y tế, trung tâm y tế huyện được các chuyên gia hướng dẫn phương pháp chẩn đoán bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) và các biến chứng hay gặp, xử trí hạ đường huyết cho người bệnh ĐTĐ tại tuyến ban đầu; Cập nhật đào tạo liên tục bệnh thông thường chuyên ngành Lão khoa…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.