Nâng cao năng lực tư vấn pháp luật trong trường học

GD&TĐ - Ngày 8/11, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo Công đoàn với công tác tư vấn pháp luật trong các đơn vị, trường học.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Dự hội thảo có các đồng chí: Trần Văn Đạt- quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD&ĐT; Nguyễn Ngọc Ân- Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Nguyễn Thị Bích Hợp- Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Đặng Hoàng Anh- Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Bùi Đức Thọ- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Nguyễn Xuân Vinh- chuyên viên cao cấp Ban chính sách Pháp luật Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; Nguyễn Thị Hương - Phó trưởng phòng Chính sách, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT, Thành viên Tổ Tư vấn pháp luật, Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Tham dự hội thảo còn có các đồng chí là ủy viên Ban thường vụ, ủy viên Ban chấp hành, trưởng ban, phó trưởng ban và chuyên viên các ban chuyên môn của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các đồng chí chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn các Đại học, Trường đại học, Trường cao đẳng sư phạm, các đơn vị trực thuộc Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các đồng chí Chủ tịch, Phó chủ tịch của 5 Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố.

Ông Nguyễn Ngọc Ân phát biểu tại hội thảo

Ông Nguyễn Ngọc Ân phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Ân- Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - nhấn mạnh: Việc đưa pháp luật vào cuộc sống và vận hành các mối quan hệ xã hội theo đúng quy phạm pháp luật là yêu cầu đặt ra cần thiết trong xã hội hiện nay. Trong các trường học, các cơ sở giáo dục, yêu cầu nhà giáo, người lao động biết về luật, hiểu đúng luật và thực hành các hành vi pháp luật đúng càng có ý nghĩa.

Hàng năm, Bộ GD&ĐT và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đều có hướng dẫn cụ thể về công tác giáo dục phổ biến pháp luật. Cùng với đó, tổ chức công đoàn cũng tham gia vào quá trình này làm cho môi trường học đường trở thành môi trường có tính chất quy phạm, nghiêm cẩn. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn còn có nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho nhà giáo, người lao động để thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chính họ.

Ông Nguyễn Ngọc Ân cho biết, luật pháp diễn biến theo vận hành của xã hội. Người lao động là đối tượng vận hành, đưa pháp luật vào cuộc sống. Trong quá trình đó có những biến động theo đặc điểm, nghề nghiệp, theo sự thay đổi của các mối quan hệ xã hội và đặc biệt có sự tác động đa dạng của các luồng thông tin. Vì vậy, nhiệm vụ tuyên truyền và phổ biến pháp luật, tư vấn hỗ trợ pháp lý cũng cần có cách thức, giải pháp sáng tạo, phù hợp.

Đại biểu tham luận tại hội thảo

Đại biểu tham luận tại hội thảo

Nhân ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo tọa đàm xoay quay công tác giáo dục, trợ giúp tư vấn pháp luật cho người lao động, tạo môi trường thực hành pháp luật với vai trò, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong các cơ sở giáo dục, trường học.

Hội thảo được tổ chức nhằm khẳng định tầm quan trọng của công tác giáo dục phổ biến pháp luật, công tác tư vấn hỗ trợ pháp lý cho người lao động trong bối cảnh hiện nay. Hội thảo cũng khẳng định, ghi nhận kết quả của các đơn vị, tổ chức công đoàn trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục, phổ biến pháp luật, tư vấn hỗ trợ pháp lý cho người lao động ngành giáo dục trong thời gian qua.

Tham luận tại hội thảo, các đại biểu đã nêu thực trạng, vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác tư vấn pháp luật tại các cơ sở giáo dục, nhận diện những cơ hội, thuận lợi, đồng thời xác định những khó khăn, hạn chế mang tính đặc điểm chung, để cùng chia sẻ những giải pháp phù hợp và hiệu quả. Trong buổi trao đổi, thảo luận, các đại biểu đưa ra minh chứng cho quá trình đưa pháp luật vào cuộc sống, chia sẻ những quan điểm thẳng thắn và cởi mở.

Kết quả của hội thảo là hành động cụ thể của Công đoàn Giáo dục Việt Nam hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam, thể hiện quyết tâm thực hiện tốt chức năng chăm lo bảo vệ người lao động, chức năng tham gia quản lý của tổ chức công đoàn, ứng đáp với yêu cầu đổi mới nói chung và đổi mới hoạt động công đoàn nói riêng, vì một xã hội công bằng, tiến bộ, văn minh, nơi mọi công dân, người lao động đều sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.