Chính vì vậy làm thế nào để nâng cao năng lực giáo dục hòa nhập cho đội ngũ giáo viên là vấn đề có ý nghĩa cấp bách, quan trọng, nhằm góp phần tạo nên những thành công mới của công tác giáo dục hòa nhập trong thời gian đến.
Giáo viên thiếu năng lực chuyên môn lẫn hiểu biết về giáo dục hòa nhập
Đánh giá về tình hình hoạt động giáo dục hòa nhập hiện nay, TS. Hoàng Thị Hạnh – Viện Nghiên cứu Sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2) nhìn nhận: Một trong những khó khăn mà công tác giáo dục hòa nhập đang gặp phải ở nhiều quốc gia trên thế giới lại chính là vấn đề ở năng lực của đội ngũ giáo viên.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, nhiều điểm hạn chế ở giáo viên như: thiếu năng lực chuyên môn, thiếu kiến thức hiểu biết về giáo dục hòa nhập, thiếu nguồn lực về tài chính, sự lo lắng của giáo viên, thái độ tiêu cực, sợ bị giảm đi các thành tích, hay do thiếu sự phát triển chuyên môn cho giáo viên, có ít hoặc không có các khóa học nhằm nâng cao mức độ chuyên nghiệp.
Tại Việt Nam, hơn 10 năm qua, Bộ GD&ĐT xác định giáo dục hòa nhập làm hướng đi chính và phù hợp nhất để giải quyết về đề giáo dục trẻ khuyết tật nước ta.
Mặc dù đạt được những thành tựu nhất định nhưng hoạt động giáo dục hòa nhập vẫn còn những mặt hạn chế về mặt nhân lực, như đội ngũ giáo viên còn hạn chế trong nhận thức, thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn dạy trẻ khuyết tật.
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê, có khoảng 1.3 triệu trẻ khuyết tật trong tổng 6.7 triệu người khuyết tật. Đến nay, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc xây dựng một môi trường giáo dục chất lượng, bình đẳng và thân thiện đối với trẻ khuyết tật.
Trẻ khuyết tật đang được học tập tại 14 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, 97 trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật và học hòa nhập ở tất cả các cơ sở giáo dục. Năm học 2016-2017 đã có trên 60% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục.
Để tăng cường tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật chưa có điều kiện đi học tại các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đã có chương trình giáo dục từ xa thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và đưa giáo dục về gia đình trẻ khuyết tật. Đội ngũ giáo viên chuyên ngành giáo dục đặc biệt, giáo dục trẻ khuyết tật trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sỹ được đào tạo tại các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm.
Hằng năm, Bộ GD&ĐT tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên môn về giáo dục trẻ khuyết tật cho các cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán. Tuy nhiên, việc đảm bảo trẻ khuyết tật tiếp cận giáo dục hòa nhập vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Trẻ khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và ở những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn chưa được chăm sóc, giáo dục đầy đủ, chưa được đáp ứng đầy đủ nhu cầu để phát triển; Các nguồn lực chuyên môn tập trung chủ yếu ở vùng vùng thuận lợi, các thành phố. Đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về giáo dục trẻ khuyết tật còn ít về số lượng, phân bố không đồng đều và chất lượng còn hạn chế.
Cần xây dựng kế hoạch và thực hiện nâng cao năng lực, nhận thức giáo dục hòa nhập
Theo TS. Hoàng Thị Hạnh, khi thực hiện điều tra, nghiên cứu về đề xuất cho việc nâng cao năng lực giáo dục hòa nhập cho giáo viên tại Việt Nam, các chuyên gia, ban giám hiện và giáo viên trường học đều có những ý kiến đồng nhất trong việc nâng cao năng lực giáo dục hướng nghiệp cho giáo viên.
Các ý kiến chủ yếu tập trung vào các phương diện: truyền thông, tổ chức tập huấn, tài liệu, có các buổi chia sẻ kinh nghiệm giữa các giáo viên, có các chính sách hỗ trợ của nhà nước cũng như của ban lãnh đạo nhà trường và đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất. Sự chuẩn bị của chính giáo viên với những điều kiện hỗ trợ bên ngoài sẽ giúp giáo viên thực hiện tốt hơn trong công tác giáo dục hòa nhập.
TS. Hoàng Thị Hạnh cho rằng, mặc dù tất cả các giáo viên tương lai nên được tăng thêm chuyên môn về giáo dục hòa nhập, nhưng kiến thức về vấn đề này của sinh viên sư phạm còn hạn chế, ngay cả các sinh viên ngành Giáo dục đặc biệt vẫn ít biết đến phương pháp dạy giáo dục hòa nhập. Phần lớn các trường vẫn mới đang chuẩn bị tài liệu và kế hoạch cho bộ môn Giáo dục hòa nhập và có thể thấy rõ sự chưa sẵn sàng trong việc đưa giáo dục hòa nhập thành một phần bắt buộc của đào tạo sư phạm.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập cho đội ngũ giáo viên, thời gian qua, nhiều nhà nghiên cứu đã khuyến nghị ngành GD&ĐT cần xây dựng kế hoạch và thực hiện nâng cao nhận thức, phổ biến và hướng dẫn chính sách hỗ trợ về giáo dục người khuyết tật cho tất cả các giáo viên, người khuyết tật và cộng đồng.
TS. Hoàng Thị Hạnh chia sẻ: Cần xây dựng và phổ biến chính sách rõ ràng, có tiêu chuẩn quốc gia cho giáo dục hòa nhập, xây dựng các chương trình nâng cao năng lực giáo dục hòa nhập cho giáo viên dựa trên tiêu chuẩn đó. Chú trọng đào tạo giáo viên ban đầu (đội ngũ giáo sinh), đây là cơ sở cho nguồn nhân lực có chất lượng cho hoạt động giáo dục hòa nhập sau này.
Các chương trình nâng cao năng lực giáo dục hòa nhập cho giáo viên nên quan tâm đến thời lượng, cách thức tổ chức, lựa chọn mô hình đào tạo linh hoạt (chương trình đào tạo chính quy: đại học, sau đại học, chương trình tập huấn, bồi dưỡng) phù hợp với từng dạng người học (giáo sinh, giáo viên).
“Nội dung chương trình nâng cao năng lực giáo dục hòa nhập cho giáo viên cần tăng cường thời lượng cho quan sát, thực tập, thực hành. Cần chú ý đến việc hình thành và củng cố thái độ, niềm tin tích cực của giáo viên đối với giáo dục hòa nhập thông qua nội dung chương trình.
Xây dựng hệ thống giám sát, hỗ trợ cung cấp các dịch vụ liên quan, bao gồm các nhóm ngành và hướng dẫn cụ thể để hợp tác hiệu quả, đặc biệt là với hệ thống y tế, giáo dục và đảm bảo sự tham gia của cha mẹ, phụ huynh học sinh. Thông tin liên quan đến giáo dục hòa nhập đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng được kiểm duyệt , đảm bảo tính cập nhật và dựa trên khoa học, có sự hỗ trợ, tạo sự tương tác trên mạng giữa giáo viên - nhà chuyên môn/nhà nghiên cứu” TS. Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh.