Nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo về du lịch

GD&TĐ - Ngày 3/11, tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm xin ý kiến đổi mới cơ chế hoạt động, tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học về du lịch.

Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Dự tọa đàm có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Phạm Như Nghệ, các đại biểu là lãnh đạo, chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên các trường đại học đào tạo du lịch đến từ các cơ sở giáo dục đại học khu vực phía Bắc.

Nội dung tọa đàm xoay quanh 2 vấn đề chính: Đánh giá việc tổ chức triển khai cơ chế đặc thù đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch trình độ đại học giai đoạn 2017-2020 đối với các cơ sở giáo dục đại học và xin ý kiến dự thảo Đề án Đổi mới cơ chế hoạt động, tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học về du lịch.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chính phủ đã có Nghị quyết 103/NQ-CP ban hành chương trình hoạt động thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị. Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 147/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc tọa đàm
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc tọa đàm

Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đã xây dựng Đề án Đổi mới cơ chế hoạt động, tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học về du lịch trình Chính phủ phê duyệt. Quan điểm của đề án nhằm đổi mới căn bản, toàn diện cơ chế hoạt động, tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học về du lịch nhằm phát triển quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực lao động để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo đó, cơ cấu, phát triển các ngành đào tạo về du lịch sẽ tiếp cận theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trong các cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0 và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đẩy mạnh kết nối giữa cơ sở giáo dục đại học với các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tạo cơ hội bình đẳng cho các cơ sở giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực về du lịch cho mọi thành phần kinh tế. Khuyến khích thu hút sinh viên, giảng viên ở nước ngoài tham gia học tập, giảng dạy, làm việc tại Việt Nam.

Đại biểu trình bày tham luận tại tọa đàm
Đại biểu trình bày tham luận tại tọa đàm

Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch; đầu tư phát triển đối với các cơ sở giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch; đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục đại học có năng lực cạnh tranh trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho thị trường.

Phát huy các nguồn lực trong và ngoài cơ sở giáo dục đại học tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch để đạt hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong phát triển du lịch thông minh, xây dựng môi trường du lịch an toàn, lành mạnh, văn minh.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhận định, tọa đàm được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng cơ chế đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục đại học về đào tạo du lịch trên cả nước, để có cơ sở đề xuất các giải pháp đổi mới cơ chế hoạt động, tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo về du lịch.

Dựa vào những ý kiến đóng góp của các lãnh đạo, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các giảng viên đến từ các trường đại học đào tạo du lịch, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện Đề án trình Chính phủ phê duyệt, đồng thời có cơ sở trong việc hoạch định các chính sách nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo về du lịch trong giai đoạn hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.