Giám đốc dẫn cả trăm người đi du lịch giữa mưa lũ, để xỉ than tuồn ra môi trường

GD&TĐ - Dù đã có cảnh báo mưa lũ, nhưng lãnh đạo Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh vẫn dẫn gần 100 công nhân Nhá máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đi du lịch.

Hồ chứa tro xỉ thải của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.
Hồ chứa tro xỉ thải của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.

Hậu quả là phương án phòng chống lũ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nước và xỉ than từ hồ chứa thải Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã tuồn thẳng ra môi trường.  

Bất chấp cảnh báo lũ lớn vẫn tổ chức đi du lịch

Thông tin về vụ việc lãnh đạo Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh dẫn gần 100 công nhân Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đi du lịch, dù đã có cảnh báo mưa lũ. Vụ việc đã được Báo GD&TĐ cập nhật trong thời gian lũ lớn đang hoành hành tại Hà Tĩnh.

Khi cao điểm của lũ đã đi qua, nước lũ cũng đã làm cho nước và xỉ than từ hồ chứa thải nhà máy nhiệt điện tuồn thẳng ra môi trường. 

Nước và xỉ than từ hồ chứa thải Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 tuồn thẳng ra môi trường.

Được biết, từ chiều ngày 16/10, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã đưa ra cảnh báo, từ ngày 17-21/10, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa rất to, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có mưa đặc biệt lớn, cảnh báo lũ lớn sẽ xuất hiện.

Mặc dù đã có cảnh báo rất rõ nêu trên, thế nhưng vào sáng ngày 19/10, ông Ngô Văn Chiến – Giám đốc Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh vẫn quyết định cho đoàn gần 100 công nhân Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 khởi hành đi du lịch tại Đà Nẵng với hành trình 6 ngày 5 đêm. 

Thực tế, đúng như cảnh báo của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, trong thời gian đoàn lãnh đạo Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh và Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đi du lịch, lũ lớn đã xảy ra, kéo dài nhiều ngày trên địa bàn các tỉnh miền Trung, trong đó Hà Tĩnh là 1 trong những tỉnh ngập sâu, chịu thiệt hại nặng nề.

Sự việc càng trở nên nghiêm trọng khi mưa lũ đã tác động lớn tới Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, trong đó có việc nước tràn vào hồ chứa gây nguy cơ vỡ đập. Trước thực trạng nguy cấp, phía nhá máy này đã phải dùng máy xúc phá bờ bao để nước thoát ra ngoài. 

Nhà máy đã sử dụng máy xúc để xử lý sự cố ngập nước ở hồ chứa thải.
Nhà máy đã sử dụng máy xúc để xử lý sự cố ngập nước ở hồ chứa thải.

Hậu quả là nước, xỉ than từ hồ chứa thải nhà máy nhiệt điện đã tuồn thẳng ra môi trường. Hình ảnh mà nhiều hộ dân bức xúc ghi lại cho thấy, dòng nước đục đen kèm xỉ than theo mương lớn tuồn thẳng ra biển. 

“Mực nước trong hồ chứa hôm cao điểm của mưa lũ đã đầy, vượt xa mức an toàn, đây là tình huống rất nguy cấp, may thay là sự cố nghiêm trọng đã không xảy ra. Nếu hôm đó xảy ra sự cố vỡ hồ chứa thì sẽ gây ra thiệt hại không nhỏ cho nhà máy này”- một người dân ghi lại hình ảnh nhà máy cho phá bờ bao thoát nước từ hồ chứa cho hay. 

Đáng chú ý, trong thời điểm cả nước nói chung và Tập đoàn Dầu khí nói riêng đang chung tay hướng về miền Trung để cứu trợ, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai hoành hành, thì đoàn du lịch của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 lại tổ chức tiệc giao lưu và còn được một số thành viên đoàn phát trực tiếp trên Facebook.

Bức xúc về vụ việc này, nhiều thành viên vốn là công nhân của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã phản ứng, yêu cầu những người này ngưng ngay việc đưa hình ảnh tiệc tùng trên Facebook của nhóm người đi du lịch. Thậm chí có thành viên còn bức xúc đề nghị Ban lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vào cuộc, xử lí nghiêm minh.

Chẳng lẽ lúc nào cũng phải có giám đốc?

Trưa ngày 26/10, sau khi nhận được tin nhắn của phóng viên cần trao đổi để nội dung vụ việc được khách quan, ông Ngô Văn Chiến đã gọi điện thông tin về vụ việc trên.

Theo ông Chiến, việc đoàn cán bộ gần 100 người đi du lịch giữa mưa bão là có thật, tuy nhiên, lịch trình đoàn đi đã được lên kế hoạch từ trước.

Hình ảnh đoàn du lịch của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đi du lịch, ăn nhậu đưa lên Facebook bị dư luận phản ứng gay gắt.
Hình ảnh đoàn du lịch của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đi du lịch, ăn nhậu đưa lên Facebook bị dư luận phản ứng gay gắt.

“Lịch trình là có từ lâu rồi, hoãn đi hoãn lại mấy lần từ đợt dịch Covid-19 bùng phát lần 2”- ông Chiến nói.

Khi PV Báo GD&TĐ đặt câu hỏi, vì sao đã cảnh báo lũ lớn mà công ty không hoãn để chủ động nhân lực đối phó mưa lũ(?), ông Chiến cho hay: “Khi đi thì không ai nghĩ sẽ mưa lụt!”.

Đáng chú ý, vị giám đốc này phân bua: “Đồng chí (PV) quan tâm chuyện đấy làm gì? Chẳng lẽ cái gì cũng phải có mặt đồng chí giám đốc cũng mới giải quyết được việc. Tôi lúc nào cũng có 2 đồng chí Phó giám đốc phụ trách”.

Ông Chiến tiếp tục phân bua việc cho đoàn đi du lịch giữa lũ lớn là không vấn đề gì vì cơ quan có đủ nhân lực trực chiến 24/24.

Dù hình ảnh ghi lại rất rõ là dòng nước đục đen từ hồ chứa thải nhà máy nhiệt điện đã tuồn thẳng ra môi trường biển, nhưng ông Chiến cho rằng sự việc đó không vấn đề gì. Ông cho rằng, thông tin đó là do thành phần "bất mãn" trong công ty thông tin ra ngoài.

“Chắc thành phần nào đấy bất mãn trong nội bộ nhà máy rồi phản ánh cho đồng chí, chứ có bị làm sao. Hiện nhà máy tôi chỉ chạy chỉ 1 tổ máy thôi, tro xỉ nhà máy thải ra đến đâu chúng tôi cho chở hết đến đó, không có vấn đề gì”- ông Chiến thông tin thêm.

Trong trưa ngày 26/10, PV Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với một lãnh đạo thị xã Kỳ Anh về việc tro xỉ thải của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 tuồn ra ngoài trong đợt mưa lũ. Vị lãnh đạo này cho biết, hôm xảy ra sự cố tràn hồ chứa thải của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, một tổ công tác của Sở TNMT Hà Tĩnh đã có mặt nắm bắt sự việc.

“Chúng tôi đang chờ báo cáo từ Sở TNMT tỉnh”- vị này cho biết.

Báo GD&TĐ sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc này

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.

Cốm Làng Vòng được làm từ loại lúa nếp cái hoa vàng và là loại lúa non.

Giữ 'hồn' cho cốm làng Vòng

GD&TĐ - Làng Vòng, thuộc phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) là nơi gắn liền với nghề làm cốm từ nhiều thế kỷ trước.