Chủ động tập huấn từ xa
Năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai thực hiện Chương trình sách giáo khoa (SGK) mới áp dụng với khối 5, 9 và 12.
Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, cô Trần Thị Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Đăng Ninh, TP Nam Định (tỉnh Nam Định) nhấn mạnh, dù nghỉ hè nhưng cán bộ giáo viên nhà trường vẫn tham gia nhiều cuộc tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn để nâng cao kỹ năng giảng dạy, sử dụng SGK mới.
Sở GD&ĐT Nam Định đã ban hành kế hoạch tập huấn sử dụng SGK lớp 9, lớp 12 năm học 2024-2025 nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ CBQL, giáo viên triển khai Chương trình GDPT 2018 cấp THCS, THPT; lồng ghép việc tập huấn SGK mới với chương trình bồi dưỡng thường xuyên theo quy định.
Theo đó, thời gian tập huấn sẽ kéo dài từ ngày 17/6 - 26/7. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục thực hiện tập huấn sử dụng SGK với thời lượng từ 1 - 2 buổi. Lịch tập huấn cụ thể của từng phân môn được thực hiện theo lịch cụ thể của các cấp học tương ứng.
Cô trò Trường THCS Trần Đăng Ninh, TP Nam Định trong một hoạt động tập thể tại trường. |
Cũng theo cô Hương, các trường sẽ tập huấn bằng hình thức trực tuyến (online) qua ứng dụng Zoom đối với tất cả các môn học, hoạt động giáo dục. Địa chỉ đường link chi tiết với từng bộ sách sẽ được thông báo qua email các phòng GD&ĐT và các trường THPT trước các đợt bồi dưỡng 1 ngày.
Địa điểm được quy định là tại điểm cầu do các trường THCS, THPT bố trí cho CBQL, giáo viên của đơn vị tập trung tham gia tập huấn trực tuyến theo từng môn học, hoạt động giáo dục. Báo cáo viên sẽ do các Nhà xuất bản và đơn vị liên kết điều động.
"Nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp để tham gia tập huấn trực tuyến. Cử cán bộ quản lý hoặc giáo viên cốt cán phụ trách mỗi môn học tham gia phối hợp quản lý, hỗ trợ báo cáo viên tại các buổi tập huấn. 100% đội ngũ CBQL, giáo viên nghiêm túc tham gia các lớp tập huấn đúng thời gian và địa điểm quy định" - cô Trần Thị Hương cho hay.
Đa dạng hình thức tập huấn
Tại Hà Nội, cô Lưu Thị Lập - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu (quận Đống Đa) cho biết, nhà trường xác định bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn cho giáo viên luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đây là điều kiện tiên quyết để triển khai tốt chương trình mới.
Cô Lưu Thị Lập - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu. |
Đội ngũ giáo viên có nắm chắc về nội dung của chương trình mới thì mới thiết kế được phương pháp tổ chức hoạt động giảng dạy hiệu quả, từ đó đạt được mục tiêu mà Chương trình GDPT 2018 đề ra là phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.
Trước khi SGK mới được thực hiện với lớp 10, 11, nhà trường đã tổ chức rất nhiều buổi hội thảo, chuyên đề, tập huấn chuyên môn để đội ngũ giáo viên hiểu về chương trình mới, nắm vững kiến thức môn học, biết cách thiết kế tổ chức hoạt động, sử dụng linh hoạt các phương pháp học tập hiệu quả dưới sự hướng dẫn của nhiều chuyên gia.
Trong đó có chuyên đề “Tiếp cận STEM trong dạy học” của PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - Chủ biên môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; chuyên đề “Tiếp cận Chương trình GDPT 2018” của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – Chủ biên môn Ngữ văn; tập huấn “Thiết kế các hoạt động dạy học và giáo dục theo chương trình GDPT 2018” của TS Trần Thị Cẩm Tú - Trưởng bộ môn Giáo dục học - Khoa Tâm lý giáo dục (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội).
Đội ngũ giáo viên tham gia đầy đủ chương trình tập huấn, giới thiệu SGK mới của các NXB trong dịp hè cũng như các đợt tập huấn chuyên môn của Sở GD&ĐT Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức.
Giáo viên Trường THPT Hoàng Cầu tham gia tập huấn online giới thiệu SGK Lịch sử lớp 12. |
Các tổ nhóm chuyên môn đều xây dựng các nhóm nhà giáo cùng phát triển (mỗi nhóm có từ 3-5 giáo viên), trước mỗi bài dạy, các thầy cô sẽ cùng nhau trao đổi về nội dung, phương pháp giảng dạy để giờ dạy đạt hiệu quả.
Đầu tư bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên cốt cán: Đầu tư các khoá học về hướng nghiệp, STEM, CNTT, phương pháp giảng dạy… Từ đó các thầy cô về chia sẻ lại với đồng nghiệp để có thêm kinh nghiệm trong việc triển khai chương trình SGK mới.
"Với những thay đổi trong chương trình mới, hướng tới một xã hội “học thật, thi thật, nhân tài thật” sẽ luôn bắt đầu từ một nền giáo dục thực học. Muốn vậy, thầy cô sẽ thay đổi, bắt đầu từ niềm đam mê, tình yêu và tâm huyết với học trò, với mỗi bài giảng. Nhà trường luôn chủ động đổi mới sáng tạo; thay đổi tư duy dạy học, sẵn sàng tâm thế thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018", cô Lưu Thị Lập nhấn mạnh.