Nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh cấp THCS

Nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh cấp THCS

(GD&TĐ) - Ngày 7/6, tại TP. HCM đã diễn ra Hội thảo góp ý lần 2 về Dự thảo Chương trình tiếng Anh THCS thí điểm thuộc Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Đến dự có Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Nguyễn Vinh Hiển cùng đại diện Viện Khoa học GD Việt Nam cùng các đại biểu đến từ các Sở GD& ĐT, các trường ĐH, CĐ khu vực phía Nam.

Chú trọng mục tiêu kết quả dạy học     

Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo các đại biểu đã nghe trình bày giới thiệu Dự thảo Chương trình tiếng Anh trung học và cùng nhau thảo luận, đóng góp ý kiến cho dự thảo này. Nhiều vấn đề của Dự thảo được các đại biểu đánh giá, góp ý hết sức cụ thể, đây sẽ làm nền tảng để xây dựng Dự thảo hoàn chỉnh hơn trong thời gian tới. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, thì mục tiêu của chúng ta đến năm 2020 làm thế nào để ngoại ngữ tiếng Anh trở thành một trong những thế mạnh của thanh niên, HS. Khi tốt nghiệp THPT thì sử dụng tiếng Anh giao tiếp tốt. Muốn đạt mục tiêu này chúng ta phải đặt mục tiêu cụ thể hơn và lấy Khung Tham chiếu chung Châu Âu về ngôn ngữ (CEFR) làm chuẩn đối chiếu chất lượng. Theo đó quy định học hết bậc TH thì HS đạt trình độ Ngoại ngữ cấp 1 là A1; hết THCS là A2; hết THPT là B1;…

Dự thảo Chương trình tiếng Anh THCS sẽ tiếp tục giúp HS phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh thông qua các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Biết thể hiện ý tưởng cá nhân một cách độc lập, tự tin và sáng tạo, đồng thời góp phần hình thành và phát triển kỹ năng học tập suốt đời, năng lực làm việc trong tương lai và khả năng tham gia các hoạt động văn hóa- xã hội… Chương trình còn có nhiệm vụ củng cố, phát triển những kỹ năng, kiến thức cơ bản về tiếng Anh đã hình thành ở cấp TH, đồng thời tăng cường tối đa cơ hội để HS nâng cao độ trôi chảy và chính xác để đạt trình độ tương đương với cấp độ A2 của Khung Tham chiếu chung Châu Âu về ngôn ngữ (CEFR). Chương trình được thiết kế phù hợp với tâm sinh lý của HS cấp THCS do đó việc tổ chức, biên soạn dạy học các chủ đề bài tập và hoạt động giao tiếp trong chương trình tiếng Anh phải đảm bảo thúc đẩy việc học tập ở HS… Chương trình được thiết kế nhằm thực hiện kế hoạch dạy tiếng Anh bắt buộc ở cấp THCS với thời lượng là 420 tiết cho 4 cấp lớp 6, 7, 8, 9, thời lượng được chia đều cho mỗi cấp lớp là 105 tiết… Mục tiêu cụ thể của chương trình là sau khi kết thúc chương trình tiếng Anh THCS, HS có khả năng hiểu được các lĩnh vực, trong đó tiếng Anh được sử dụng trong một thế giới hiện đại và toàn cầu hóa; Sử dụng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp đáp ứng nhu cầu giao tiếp trong những ngữ cảnh thường nhật ở trình độ tương đương cấp độ A2 của Khung Tham chiếu chung Châu Âu về ngôn ngữ (CEFR); Sử dụng tiếng Anh ở trình độ tương đương cấp độ A2 của Khung Tham chiếu chung Châu Âu về ngôn ngữ để giao tiếp về các chủ đề liên quan đến cuộc sống của HS ở thời điểm hiện tại và tương lai; Thông qua tiếng Anh, hiểu và trân trọng những nền văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới, đồng thời hiểu biết và tự hào về những điểm mạnh và giá trị của nền văn hóa dân tộc mình; Sử dụng tiếng Anh làm công cụ tích hợp các lĩnh vực học tập khác trong chương trình; Sử dụng các chiến lược học tập khác nhau để phát triển năng lực giao tiếp tiếng Anh trong và ngoài lớp học…

Vấn đề quan tâm hàng đầu là chất lượng giáo dục

Chương trình sẽ bắt đầu triển khai thí điểm ở lớp 6, vì vậy bên cạnh việc đảm bảo điều kiện về GV, cơ sở vật chất, công tác quản lý,… vấn đề đặt ra cho các địa phương triển khai chương trình này là cần có sự chuẩn bị về đối tượng HS đảm bảo trình độ A1 đầu vào. Hiện nay nhiều địa phương môn tiếng Anh được đưa vào dạy từ bậc Mầm non, lớp 1, lớp 2; như TP. HCM có nơi dạy đến 8 tiết/tuần. Tuy nhiên, việc dạy ngoại ngữ tiếng Anh giữa các nơi còn chưa đồng đều và có sự khác nhau giữa các địa phương, trình độ cũng không đồng đều giữa thành phố và nông thôn. Có nhiều em HS học hết THPT chưa nói được, chưa nghe được tiếng Anh và lên học bậc ĐH phải học lại tiếng Anh từ đầu. Theo ý kiến của các đại biểu, vấn đề hiện nay trước tiên là phải đổi mới chương trình, sách giáo khoa, thiết bị dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, làm thế nào cho HS đạt trình độ nghe, nói, đọc, viết tốt. Bên cạnh đó phải đào tạo bồi dưỡng GV để có thể đáp ứng yêu cầu của chương trình vì GV đóng vai trò rất quan trọng và quyết định đến chất lượng… Từ những yêu cầu đó đã đặt ra vấn đề việc xây dựng chương trình sách giáo khoa mới là không làm chương trình quá chi tiết, nhưng cũng không làm chương trình chung chung quá. Vì làm quá chi tiết thì tính sáng tạo của người viết, tính sáng tạo của thầy cô giáo sẽ bị hạn chế đi nên phải cân đối chương trình để đảm bảo tính hướng dẫn và đảm bảo tính tự do sáng tạo của người viết sách, người tham khảo tài liệu, người dạy học,… 

Theo TS. Vũ Thị Phương Anh- GĐ TT Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo- ĐHQG TP. HCM, theo Dự thảo chương trình thì mỗi khối lớp sẽ có 150 tiết học tiếng Anh (300 giờ) là hợp lý. Vì các nước khác sử dụng tiếng Anh thường xuyên họ cũng đào tạo tiếng Anh khoảng 100 giờ, còn Việt Nam ít sử dụng tiếng Anh nên đào tạo 300 giờ là vừa. Bên cạnh đó lực lượng GV vẫn là chủ chốt trong triển khai thực hiện chương trình này và cần chú trọng một số nghiệp vụ cần thiết như: xây dựng tài liệu giảng dạy, kỹ năng kiểm tra, đánh giá... Cần có sự quan tâm đầu tư ngay từ đầu và tạo điều kiện tốt cho môi trường học ngoại ngữ. Cần đánh giá HS thường xuyên và trao quyền kiểm tra, đánh giá cho nhà trường và GV…

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Theo Ths. Trần Đình Nguyễn Lữ- Chuyên viên tiếng Anh, Sở GD TP. HCM, cần phải tăng số tiết dạy tiếng Anh cho HS THCS. Theo Dự thảo chương trình tiếng Anh THCS, thời lượng được chia đều cho mỗi cấp lớp môn Anh văn là 105 tiết thì trung bình mỗi tuần sẽ có 3 tiết tiếng Anh, như vậy chưa ổn, cần ít nhất phải 4 tiết/tuần. Hiện nay TP. HCM tổ chức dạy ngoại ngữ đến 8 tiết/tuần, có như vậy mới đảm bảo chất lượng. Cần phải thay đổi nhiều trong kiểm tra, đánh giá vì hiện nay chủ yếu chú trọng vào đọc hiểu và ngữ pháp, còn kỹ năng nghe, nói của HS rất ít được chú trọng nên một số GV có tư tưởng “dạy mà không thi thì dạy làm gì cho mệt!”.

Theo PGS. TS Trần Văn Phước- Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ- ĐH Huế thì Dự thảo còn thiếu hệ thống các hoạt động kiểm tra, đánh giá và chưa có quy định cơ cấu một lớp học là bao nhiêu HS? Trong hệ thống các chủ điểm, chủ đề của chương trình nên đưa thêm vào các chủ đề nói về miền núi, vùng biên, vấn đề biển, đảo Trường Sa, Hoàng Sa,… Còn theo TS. Trần Quang Hải- Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng thì hiện nay GV tiếng Anh chủ yếu dạy HS đọc hiểu và chú trọng ngữ pháp, kiểm tra cũng ở những kỹ năng đó. Vì vậy cần phải thay đổi về kiểm tra, đánh giá, làm thế nào khắc phục việc dạy học theo kiểu kiểm tra. Về số lượng HS trong lớp học từ 40- 45 HS/lớp như hiện nay thì khó mà đảm bảo chất lượng, nên chăng cần xây dựng những phòng học dành riêng cho việc dạy học ngoại ngữ… Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Nguyễn Vinh Hiển ghi nhận những ý kiến góp ý của các đại biểu. Thứ trưởng cũng lưu ý khi thực hiện chương trình không nên đặt thấp điều kiện như đã quy định, nhất thiết GV bậc THCS phải có năng lực ngoại ngữ trình độ B2 và có nghiệp vụ Sư phạm cùng với một số điều kiện đã quy định. Nơi nào chưa đảm bảo điều kiện sẽ cố gắng để có đủ điều kiện và đáp ứng yêu cầu, không vì thiếu các điều kiện mà hạ thấp yêu cầu đã đặt ra…
 

Nguyễn Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...