Nâng cao chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo không chính quy

GD&TĐ - Hội nghị thường niên về đào tạo không chính quy năm 2024 được tổ chức ngày 30/10, tại Ninh Bình.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Hội nghị do Trường ĐH Mở Hà Nội tổ chức. Ông Hoàng Đức Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) đã đến dự.

Mở cơ hội học tập cho mọi người

Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cho hay, hội thảo có chủ đề “Nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyển sinh, đào tạo không chính quy trong bối cảnh chuyển đổi số”.

Kiên định thực hiện sứ mạng “Mở cơ hội học tập cho mọi người”, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung nhìn nhận, điều này sẽ khó thực hiện được nếu thiếu sự chung tay, góp sức và đồng hành của các đơn vị liên kết/phối hợp đào tạo.

Những năm qua, Trường ĐH Mở Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên kết/phối hợp đào tạo thực hiện tốt các hoạt động tuyển sinh và tổ chức đào tạo. Quy mô tuyển sinh vẫn được duy trì hàng năm. Hiện nay, Nhà trường đã và đang trong giai đoạn thực hiện chuyển đổi số phần lớn các hoạt động tuyển sinh, đào tạo và quản lý.

PGS.TS Nguyễn Thị Nhung nhấn mạnh, Trường ĐH Mở Hà Nội luôn xác định, chuyển đối số không phải là đích đến mà là quá trình liên tục thay đổi, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao không chỉ cho đào tạo chính quy, không chính quy, mà còn để xây dựng xã hội học tập, phục vụ học tập suốt đời.

nguyenthinhung.jpg
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung phát biểu mở đầu hội nghị.

Nhắc lại Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030", ông Hoàng Đức Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên cho hay, Bộ GD&ĐT là cơ quan chủ trì, điều phối thực hiện Đề án.

Mục tiêu chung của Đề án là tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập, bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo.

Qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

hoangminhducminh.jpg
Ông Hoàng Đức Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên phát biểu tại hội nghị.

Theo ông Hoàng Đức Minh, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu của Đề án.

Năm học 2024-2025, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Bộ GD&ĐT xác định là, tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến dùng chung; triển khai thực hiện học bạ số.

Bộ đang tích cực triển khai, đã hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục; cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS) với 470 cơ sở đào tạo đại học, trên 25.000 chương trình đào tạo.

daotaotuxajpg5.jpg
Đại diện lãnh đạo Trường ĐH Mở Hà Nội chủ trì hội nghị.

Cải tiến chương trình đào tạo

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên ghi nhận, thời gian qua, đào tạo từ xa đã tạo các điều kiện đáp ứng mọi yêu cầu học tập suốt đời, học tập liên tục của mọi người công dân.

Nhiều năm qua, Trường ĐH Mở Hà Nội duy trì, phát triển đào tạo không chính quy, mang đến cơ hội bình đẳng cho mọi người dân ở nhiều vùng miền được học tập, tiếp cận giáo dục đại học.

Với hơn 70 đơn vị liên kết, trạm đào tạo từ xa trên toàn quốc cùng hệ thống công nghệ đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, ông Hoàng Đức Minh nhận thấy, Trường ĐH Mở Hà Nội đã thực hiện tốt việc cá nhân hóa học tập, nâng cao, cập nhật kiến thức cho người học trở nên thường xuyên, liên tục, suốt đời, góp phần xây dựng một xã hội học tập.

lanthu.jpg
TS Trần Thị Lan Thu báo cáo tại hội nghị.

Báo cáo tại hội thảo, TS Trần Thị Lan Thu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường ĐH Mở Hà Nội) cho biết, Trường đã hoàn thành dự án cải tiến chương trình của tất cả các ngành trình độ đại học áp dụng cho các hình thức đào tạo.

Hoạt động cải tiến, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo đảm bảo theo quy định của Bộ GD&ĐT về chuẩn chương trình đào tạo. Đối với đào tạo không chính quy, toàn bộ chương trình đào tạo đại học cải tiến được triển khai từ năm học 2023-2024.

Theo ThS Đỗ Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh (Trường ĐH Mở Hà Nội), Năm học vừa qua, Trường ĐH Mở Hà Nội tuyển sinh và đào tạo 11 ngành đào tạo không chính quy: Công nghệ thông tin, Kế toán, Luật, Luật kinh tế, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Quản trị dịch vụ Du lịch và lữ hành, Quản trị Khách sạn, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng.

So với năm 2023, quy mô tuyển sinh không chính quy năm 2024 tăng tại Hà Nội, các tỉnh khu vực miền Bắc và TP. Hồ Chí Minh. Đối với hình thức đào tạo từ xa, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có quy mô tuyển sinh năm 2024 lớn nhất trên toàn quốc, chiếm hơn 60% tổng quy mô tuyển sinh năm 2024 trên toàn quốc.

daotaotuxajpg3.jpg
Đại biểu góp ý tại hội nghị.

Để tiếp tục đẩy mạnh giáo dục thường xuyên phát triển quy mô tuyển sinh, ông Hoàng Đức Minh đề nghị, Trường ĐH Mở Hà Nội cần tiếp tục thực hiện giải pháp bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo; đồng thời, cần tiếp tục quan tâm đến người học, thúc đẩy phong trào học tập trong cộng đồng và xã hội.

Trường phối hợp chặt chẽ với hệ thống các Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh trên toàn quốc để đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, thực hiện tốt sứ mạng “Mở cơ hội học tập cho mọi người”. Bên cạnh đó, Trường tích cực cùng với Bộ GD&ĐT tham mưu chính sách để phát triển giáo dục mở, giáo dục suốt đời trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ