Nâng cao chất lượng là vấn đề sống còn với các trường ĐH ngoài công lập

Nâng cao chất lượng là vấn đề sống còn với các trường ĐH ngoài công lập

(GD&TĐ)- Bàn về sự phát triển của hệ thống các trường ngoài công lập (NCL) hiện nay, TS. Ngô Xuân Hà – Hiệu trưởng trường ĐH Thành Đô cho rằng, nâng cao chất lượng là một trong những vấn đề cốt yếu để trường ngoài công lập tồn tại, phát triển.

Tuy nhiên, vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo nên được hiểu cụ thể là các chuẩn đào tạo mà trường NCL vừa phải đáp ứng và duy trì cho được. Với cách hiểu này, việc nâng cao chất lượng đào tạo mang tính chiến lược phát triển nhiều hơn tính thực tế trong ngắn hạn. Bù đắp cho điều đó phải là sự hỗ trợ nhiều mặt hơn của toàn xã hội để các trường NCL cảm nhận được sự khích lệ trong phát triển.

Sinh viên ĐH Thành Đô trong giờ học thực hành. Ảnh: gdtd.vn
Sinh viên ĐH Thành Đô trong giờ học thực hành. Ảnh: gdtd.vn

PV. Mỗi mùa tuyển sinh, các trường NCL luôn phải đối mặt với bài toán tuyển  sinh. Phải chăng điều này phản ánh uy tín, chất lượng các trường NCL chưa đủ sức thuyết phục với xã hội?

TS. Ngô Xuân Hà: Ngoài vấn đề chất lượng còn một số nguyên nhân ảnh hưởng đến việc thí sinh ít đăng ký dự thi vào các trường NCL. Như việc tăng số lượng các trường ĐH, CĐ; quan niệm, đối xử chưa thực sự bình đẳng đối với sinh viên tốt nghiệp trường NCL ở một số địa phương trong tuyển dụng nhân lực; nhiều trường công lập lấy điểm đầu vào bằng điểm sàn; chỉ tiêu đào tạo của các trường công lập tăng, bởi vậy bắt đầu từ năm 2010, việc tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh luôn là bài toán khó giải đối với Trường Đại học Thành Đô.

PV: Theo ông, các trường NCL cần làm gì để cải thiện tình trạng trên? Kinh nghiệm của trường ĐH Thành Đô?


TS. Ngô Xuân Hà: Theo tôi, trường ĐH nào cũng cần có đội ngũ giảng viên giỏi; có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo; bên cạnh đó là đáp ứng những yêu cầu về chương trình, giáo trình; hợp tác quốc tế; hợp tác với các doanh nghiệp…

Những yếu tố trên luôn được trường ĐH Thành Đô chú trọng trong gần 10 năm hình thành, phát triển.

Cuối năm 2008, Hội đồng thẩm định của Chính phủ về việc xem xét điều kiện nâng cấp lên trường ĐH đã nhận xét Trường CĐ Công nghệ Thành Đô (nay là Trường ĐH Thành Đô) có đội ngũ giảng viên trình độ cao chiếm tỷ lệ cao nhất so với tất cả các trường CĐ trong cả nước (kể cả trường công lập);

Tháng 2/2010, Đoàn của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã kiểm tra và đánh giá hoạt động giáo dục của Nhà trường đảm bảo chất lượng, đúng với nhiệm vụ và mục tiêu của Nhà nước và những tiêu chí Nhà trường đề ra khi thành lập Trường;

Đầu năm 2011, Hội đồng thẩm định cơ sở đào tạo của UBND Thành phố Hà Nội do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chủ trì đã xác định Trường ĐH Thành Đô có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo đào tạo ĐH có chất lượng. Cũng trong năm 2011, Hội đồng khoa học Giáo dục của các Trường: ĐH khoa học tự nhiên – ĐHQG Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội đều thống nhất khẳng định: Chương trình đào tạo ĐH của các ngành xin được đào tạo từ năm 2011 của Trường ĐH Thành Đô có nội dung sâu sắc, chặt chẽ, khoa học có hàm lượng kiến thức cao, có hướng mở tạo điều kiện tốt cho sinh viên học tập đảm bảo chất lượng và đáp ứng được nhu cầu phục vụ kinh tế, xã hội;

Trường ĐH Thành Đô cũng là một trong số ít Trường ĐH được tham gia Hội đồng tư vấn của Văn phòng Quốc hội thực hiện chỉnh sửa dự thảo Luật Giáo dục ĐH và tham gia xây dựng định hướng phát triển Trường NCL của Ban Khoa giáo TW.

Đến tháng 02/2012, Trường có gần 300 giảng viên cơ hữu, trong đó có 32 PGS TS, Tiến sĩ Khoa học và Tiến sĩ, 79 Thạc sĩ. Trên 90%  giảng viên đang học cao học hoặc làm nghiên cứu sinh ở trong nước và ngoài nước. Đến hết năm 2013, 100 %  số giảng viên lên lớp giảng dạy sẽ đạt trình độ từ Thạc sỹ trở lên.

Về cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ đào tạo, trường đã xây dưng 32.364 m2 hội trường, giảng đường, phòng học các loại trong đó có 214 phòng học, 1.564 m2 cho thư viện và trung tâm học liệu; 4.840 m2 cho 48 phòng thí nghiệm, thực hành. Thư viện trường mở rộng lên 6 phòng chức năng có trang bị máy tính nối mạng và đa chức năng với số lượng trên 13 nghìn đầu sách cho gần 1000 loại sách, trong đó chủ yếu là giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập.

Nhà trường thực hiện toàn bộ chương trình đào tạo ĐH và CĐ đều theo hệ thống tín chỉ. Nội dung cập nhật, tiên tiến, phù hợp với Chương trình chung ở trong nước và thế giới, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sinh viên chủ động, tích cực học tập và phát triển tài năng.

Về hợp tác quốc tế, trường đã có hợp đồng ký kết song phương về đào tạo, bồi dưỡng, hướng nghiệp cho cán bộ và sinh viên du học với Trường Nakanihon (Nhật bản). Đã có sinh viên và giáo viên của trường được tham gia chương trình này. Trường cũng đang xúc tiến có hiệu quả chương trình hợp tác với một số trường có uy tín của Úc và Hoa kỳ.

Ngoài đào tạo chuyên môn, nhà trường luôn chú trọng đào tạo kỹ năng toàn diện cho sinh viên. Trung tâm đào tạo lái xe với 56 đầu xe ô tô các loại, với lưu lượng đào tạo lái xe ô tô hạng B và C lên 2200 học viên/1 năm, đào tạo và tổ chức thi cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho mọi đối tượng có nhu cầu học, sinh viên của trường học lái xe được giảm 10% học phí. Bên cạnh đó, Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, các Câu lạc bộ: Robocon, Điện tử, Thể thao, Du lịch, Âm nhạc … luôn rộng mở đón nhận sinh viên tham gia không kể thời gian, hoàn cảnh. Nhà trường cũng đang bàn thảo đưa kỹ năng mềm vào chương trình giảng dạy cho sinh viên.

Một điều đáng nói là Trường ĐH Thành Đô trong 3 năm liên tục 2009, 2010, 2011 không tăng học phí. Năm 2012 trường cũng sẽ kiên quyết giữ mức học phí như cũ.

Ngoài ra, hàng năm nhà trường dành 100 suất học bổng cho các sinh viên có thành tích học tập xuất sắc; đồng thời cũng thực hiện các yêu cầu về xác nhận vay vốn cho các em sinh viên thuộc diện thụ hưởng chính sách; dành ưu đãi về nhà ở trong ký túc xá cho các em sinh viên thuộc diện ưu tiên…

Hai tòa nhà khang trang của ĐH Thành Đô được xây dựng trên diện tích đất
Hai tòa nhà khang trang của ĐH Thành Đô được xây dựng trên diện tích đất 97.528 m2. Ảnh: gdtd.vn

PV: Trường có những đổi mới nào trong mùa tuyển sinh 2012 không thưa ông?

TS. Ngô Xuân Hà: Năm 2012, trường ĐH Thành Đô tổ chức thi tuyển sinh hệ ĐH và xét tuyển hệ CĐ đối với các thí sinh dự thi ĐH, CĐ năm 2012 có mức điểm bắt đầu từ điểm sàn theo qui định của Bộ GD&ĐT. Nhà trường tổ chức thi tuyển khối A, A1, B, C, D1, trong đó khối A1 và khối B là 2 khối lần đầu tiên trường tổ chức thi (A1 là khối thi mới được bổ sung từ năm 2012, khối B vì Trường bắt đầu được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường trình độ đại học).

Năm 2012, ĐH Thành Đô tuyển sinh 14 ngành đào tạo trình độ ĐH (06 ngành mới mở từ năm 2011) và 15 ngành đào tạo trình độ CĐ.

Hiện nay nhà trường đã đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất trên khu đất mới với diện tích 97.528 m2 đủ để đón 12000 sinh viên.

PV: Một trong những nội dung thiết thực nhất để hút thí sinh đó là việc sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm, thu nhập tốt? Trường ĐH Thành Đô đã có giải pháp gì để sinh viên sau khi ra trường có thể tìm được việc làm?

TS. Ngô Xuân Hà: Trường ĐH Thành Đô luôn quan tâm đến sản phẩm đầu ra của mình. Để có sản phẩm tốt thì việc đầu tiên phải có giảng viên tốt, có tâm và nhiệt tình với nghề, luôn phấn đấu để học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực giảng dạy; các giảng viên phải là người gắn kết với doanh nghiệp, là cầu nối để đưa sinh viên đến thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp….

Qua 8 năm đào tạo đã có trên 11.207 sinh viên – học sinh từ trường ĐH Thành Đô được nhận bằng tốt nghiệp kỹ sư và cử nhân. Trong đó 30% đạt loại khá, giỏi; 35% số các em tốt nghiệp tiếp tục học liên thông lên bậc cao hơn như em Vũ Hoàng Anh sinh viên khóa 1 (niên khóa 2004-2007) ngành Công nghệ thông tin hệ cao đẳng đã tiếp tục học lên đại học rồi tiếp tục thi đỗ kỳ thi tuyển sinh cao học tại học viên Công nghệ Bưu Chính Viễn thông hiện nay đang giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Giới thiệu việc làm của Nhà trường; Em Nguyễn Đình Việt sẽ bảo vệ thạc sĩ ngành Điện tử viễn thông tại Học viện Kỹ thuật Quân sự tháng 4/2012 cũng là sinh viên hệ cao đẳng khóa 1 (niên khóa 2004-2007) ngành Điện tử hiện là giảng viên khoa Công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông của Nhà trường; Em Đàm Thị Nhung sinh viên hệ Cao đẳng tiếng Anh khóa 3 (niên khóa 2006-2009), tốt nghiệp loại giỏi theo học liên thông lên đại học tại trường, tốt nghiệp loại giỏi và tiếp tục học cao học ngành Quản trị kinh doanh khách sạn tại Thụy sĩ; Em Nguyễn Tuấn Ninh sinh viên lớp Cao đẳng tiếng Anh khóa 3 (niên khóa 2006-2009) sau khi tốt nghiệp ra trường tiếp tục thi và học liên thông lên đại học khóa 1 tại trường, sau khi tốt nghiệp ra trường em đã thi đỗ cao học ngành Ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Hà Nội. Trong số các em không học liên thông, gần 80% các em tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Trong quá trình công tác, nhiều cựu sinh viên của trường đã nhanh chóng trưởng thành, bắt kịp sự phát triển của công nghệ và kinh tế, xã hội.


PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ