Nâng cao chất lượng đào tạo dự bị đại học

GD&TĐ - Ngày 22/6, tại Trường dự bị Đại học Trung ương Nha Trang (TP Nha Trang, Khánh Hòa), Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo “Củng cố, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường, khoa dự bị đại học”. 

Nâng cao chất lượng đào tạo dự bị đại học

Hội thảo thu hút hàng trăm đại biểu của các trường đại học dự bị trong cả nước. Ông Trần Ngọc Sơn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc - chủ trì hội thảo.

Tăng cường sức hút

Tại Hội thảo, ông Trần Ngọc Sơn nhấn mạnh: Các trường dự bị đại học trong cả nước có vai trò quan trọng trong nền giáo dục quốc dân. Các trường đã góp phần bồi dưỡng lượng lớn cán bộ người dân tộc thiểu số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số, vùng núi, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng.

Nhiều học sinh trưởng thành trong các mái trường dự bị đã làm các nhà khoa học, nhà quản lý, đã và đang tham gia công tác tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước… Tuy nhiên, chất lượng cũng như sức hút từ các trường dự bị đại học đến nay vẫn chưa cao, chưa thật hấp dẫn với các thí sinh.

Theo Báo cáo của Bộ GD&ĐT, mạng lưới Trường Dự bị đại học dân tộc ở nước ta hiện có 4 trường.

Để tăng cường sức hút, khả năng đào tạo chuyên sâu, Bộ GD&ĐT tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030.

Tinh thần chung của nghị quyết là quyết tâm củng cố, mở rộng các trường (khoa) dự bị đại học để tạo nên sự đa dạng cho các thí sinh lựa chọn. Đồng thời nâng cao chất lượng để đảm bảo tốt chất lượng đào tạo đại học cho người dân tộc thiểu số.

Nghị quyết của Chính phủ cũng là tâm tư, nguyện vọng của nhiều đại biểu tham dự hội thảo. Các đại biểu đến từ Trường Dự bị Đại học TPHCM đồng nhất quan điểm: Việc mở rộng các trường (khoa) kéo theo việc tăng cường các thiết bị hỗ trợ dạy học. Sự đa dạng các thiết bị có sức hút mạnh mẽ đối với các thí sinh, góp phần tạo hứng thú học tập, kỹ năng hợp tác, tư duy độc lập.

Các thiết bị hỗ trợ dạy học chính gồm có: máy chiếu, máy ghi âm, máy tính, các phần mềm, băng đĩa, vật liệu thí nghiệm…

Đại diện Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương đưa ý kiến: Cần tiếp tục có thêm chính sách ưu tiên đối với học sinh dân tộc như: Thêm số lượng cử tuyển, cộng thêm điểm khi xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng để thu hút các em vào các trường dự bị đại học.

Nâng cao chất lượng

Cùng với việc tăng cường sức hút, vấn đề cấp thiết được đưa ra thảo luận tại hội thảo là tìm các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo dự bị đại học.

Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương đưa ra giải pháp: Mở rộng đối tượng, vùng tuyển sinh. Tăng chỉ tiêu phân bổ học sinh sau khi hoàn thành chương trình dự bị đại học đối với nhóm ngành Y-Dược-Luật. Bổ sung và hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông; bước đầu giáo dục định hướng nghề nghiệp và tiếp cận một số kỹ năng của chương trình giáo dục đại học theo khối ngành, Giáo dục, bổ sung và gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc theo từng vùng miền cho học sinh.

Để công tác nâng cao chất lượng đào tạo được thực hiện một cách hiệu quả, đại diện Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang đưa ra đề xuất: Bộ GD&ĐT cần phải có những chế định cụ thể đối với những học sinh cố tình không làm bài thi - kiểm tra để kết quả học tập dưới 3.0, đủ điều kiện trả về địa phương.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cần có ý kiến cùng với Bộ Tài chính giao một lượng kinh phí nhất định để các trường tự chủ trong việc trang cấp học phẩm và hiện vật cho học sinh.

Để bắt nhịp theo sự phát mạnh mẽ của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Khoa Dự bị Dân tộc (Đại học Cần Thơ) đưa ra nhóm giải pháp mang tính thời sự và khoa học: Phải xây dựng lại chương trình đào tại hệ dự bị đại học, đề cương chi tiết 11 môn học theo hướng tích cực, giảm tải nội dung giảng dạy có chọn lọc nhằm tránh sự nhàm chán đối với người học; đồng thời đưa vào chương trình chủ đề ngoại khóa các vấn đề hữu ích như: Kỹ năng hòa nhập trong môi trường sống, kỹ năng tham gia hoạt động xã hội, kỹ năng học tập ở bậc đại học…

Chương trình dạy phải phù hợp và bám sát thực tế, giúp học sinh hình thành phẩm chất và năng lực của người lao động, có khả năng tự học, có những hiểu biết và khả năng tự lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân và điều kiện gia đình, tránh tình trạng lựa chọn nhầm nghề, học xong không ứng dựng được.

Lắng nghe, ghi nhận các ý kiến, đề xuất, giải pháp của các đại biểu, thay mặt Bộ GD&ĐT, ông Trần Ngọc Sơn nhận định trong thời gian tới, cần quy hoạch có chiều sâu mạng lưới, quy mô các trường, khoa dự bị đại học, khảo sát nhu cầu cán bộ, các ngành nghề. Mở rộng đối tượng bồi dưỡng trong các trường dự bị đại học, xây dựng chương trình, nội dung thực sự phù hợp thực tiễn, biên soạn tài liệu về các kỹ năng mềm.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường dự bị đại học; hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để quá trình nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường, khoa dự bị đại học trong cả nước được diễn ra một cách thông suốt.

Nâng cao chất lượng đào tạo dự bị đại học ảnh 1Nâng cao chất lượng đào tạo dự bị đại học ảnh 2Nâng cao chất lượng đào tạo dự bị đại học ảnh 3

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ