Bên cạnh nhu cầu điều dưỡng viên trong nước ngày một tăng, thì một số nước như CHLB Đức, Nhật… cũng đã và đang tuyển điều dưỡng viên Việt Nam sang làm việc với mức lương tương đương 40 - 50 triệu đồng/tháng.
Nghề nghiệp toàn cầu
Hầu hết các nước trên thế giới đã công nhận điều dưỡng là một nghề nghiệp độc lập, được bảo hộ bằng luật pháp. Người điều dưỡng có các quyền và trách nhiệm nghề nghiệp được qui định trong luật hành nghề, đây cũng là một công cụ để giám sát trách nhiệm của người điều dưỡng trước cộng đồng, xã hội. Để được làm việc trong nghề điều dưỡng thì người điều dưỡng cần phải có các giấy tờ hợp lệ được pháp luật thừa nhận, như bằng cấp hoặc ở một số nước là chứng chỉ hành nghề.
Thông thường người có chứng chỉ hành nghề điều dưỡng phải định kỳ tham gia các kỳ sát hạch để đảm bảo luôn cập nhật, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Ngành điều dưỡng cũng đã xây dựng cho mình một hệ thống học thuyết khoa học phong phú áp dụng vào chăm sóc người bệnh, nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp…
Tình trạng thiếu điều dưỡng viên, được đánh giá là đã đến mức trầm trọng trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là các nước phát triển như Đức, Nhật, Úc, Canada và các nước phát triển khác. Cụ thể, sự thiếu hụt điều dưỡng viên đã khiến những nước này nới lỏng luật di trú và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các điều dưỡng viên có kinh nghiệm từ các nơi trên thế giới, miễn là đáp ứng được các tiêu chí. Do đó, việc đào tạo, học tập và trở thành điều dưỡng viên còn là để đáp ứng nhu cầu hội nhập trong khu vực và trên thế giới cũng như việc xuất khẩu điều dưỡng sang những nước phát triển. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã ký một số văn kiện xác nhận về cơ chế tiếp nhận điều dưỡng viên của Việt Nam sang Nhật Bản, Đức làm việc với mức lương tương đương 40 - 50 triệu đồng/tháng.
Cấp thiết nâng cao chất lượng đào tạo
Tại Việt Nam, theo mức chuẩn của Bộ Y tế, tại các bệnh viện, tỉ lệ điều dưỡng/bác sĩ cần đạt 2,5/1 đến 3,5/1, tuy nhiên con số này ở nước ta mới chỉ đạt 1,7/1. Ở bệnh viện tuyến trên, con số này lại càng thấp hơn. Số lượng điều dưỡng đã không đủ đáp ứng nhu cầu mà trình độ điều dưỡng cũng hạn chế, chỉ khoảng 30% điều dưỡng viên có trình độ cao đẳng và đại học, còn lại 70% là trung cấp và sơ cấp.
Tiềm năng nghề điều dưỡng được xem là khá rõ ràng, tuy nhiên theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, thì nhu cầu về điều dưỡng viên có trình độ đại học đang thiếu nhiều nhất. Ở trình độ trung cấp, theo khảo sát của các trường ngoài công lập có đào tạo ngành sức khỏe thì có tới 40 - 50% học sinh tốt nghiệp không xin được việc làm đúng nghề. Lý do mà các cơ sở khám chữa bệnh từ chối điều dưỡng viên trình độ trung cấp là, các ứng viên thường không đảm bảo được yêu cầu cơ bản về nghề điều dưỡng. Đây cũng được xem là một câu hỏi đặt ra cho ngành đào tạo điều dưỡng.
Theo đánh giá, hiện nay, trình độ đào tạo và phạm vi thực hành của điều dưỡng Việt Nam dù đã có nhiều thay đổi, song nhận thức chung về vai trò của người điều dưỡng vẫn chưa được cập nhật phù hợp với thực tế. Vì vậy, ý kiến chuyên gia cho rằng, các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe cần tăng cường phối hợp với bệnh viện để xây dựng chuẩn đầu ra các ngành; Kết hợp bệnh viện với cơ sở đào tạo trong công tác đào tạo và thực hành, là những giải pháp khả thi để có thể nhanh chóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành điều dưỡng hiện nay.