Kinh nghiệm xây dựng các nhóm nghiên cứu ở nước ngoài
Ở các nước, các NNC được tổ chức với các hình thức khác nhau. Có nơi là NNC trong các bộ môn, có nơi là các phòng thí nghiệm hay quy mô lớn hơn là các trung tâm nghiên cứu xuất sắc (TTXS). Trong NCKH, TTXS được hiểu là một cơ sở thực sự xuất sắc, đóng vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực mà nó hoạt động, không chỉ theo nghĩa là tạo ra các sản phẩm xuất sắc, mà còn tạo ra những chuẩn mực xuất sắc cho các cơ sở khác noi theo. TTXS phải đứng đầu trong lĩnh vực mà nó hoạt động, xét ở tầm quốc tế. Về mặt cấu trúc, các TTXS là tổ hợp của các NNC mạnh/xuất sắc với các thành viên xuất sắc.
Trường ĐH Tổng hợp Mat-xcơ-va mang tên Lômônôxốp, có hệ thống tổ chức điển hình cho một ĐH hiện đại: Trường, rồi đến khoa, dưới khoa là các bộ môn và trong bộ môn là các NNC…
Ở ĐH Texas, Mỹ, các NCS sẽ được làm việc trong phòng thí nghiệm do giáo sư phụ trách. Học bổng và hướng luận án của các NCS hàng năm đã được Trung tâm xác định theo các dự án đã có của Trung tâm. Khi được nhận vào học tại Trung tâm, trong khoảng sáu tháng đầu, các NCS lần lượt làm việc với các nhóm chuyên môn hẹp để làm quen với tất cả các nhóm hoạt động chuyên môn khác nhau để lựa chọn hướng chuyên môn thích hợp và quyết định đề tài luận án.
Tại châu Á, từ năm 2002, Nhật Bản đã khởi động chương trình xây dựng các TTXS được gọi là “Chương trình TTXS cho thế kỷ 21”, nâng được vị thế của một số trường ĐH Nhật Bản đạt đẳng cấp quốc tế, đồng thời đã tạo ra một đội ngũ các nhà khoa học tài năng, sáng tạo, là nguồn cán bộ đầu đàn cho Nhật Bản và cả quốc tế. NNC ở Nhật Bản, Hàn Quốc thường gắn với các Lab. và do một giáo sư đứng đầu.
Trung Quốc cũng đầu tư hàng tỷ USD nhằm mục tiêu xây dựng các TTXS để đưa các trường ĐH của Trung Quốc trở thành các ĐH nghiên cứu tầm cỡ quốc tế... Từ năm 1984, nhà nước đã bắt đầu việc đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, là những đơn vị nghiên cứu có ít nhiều điểm chung với các TTXS. Tháng 5/2013, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã đầu tư một nguồn vốn lớn để thành lập 5 TTXS nhằm xây dựng sức mạnh khoa học và dẫn dắt các hoạt động đổi mới trong khu vực các nước đang phát triển. Những năm gần đây, Trung Quốc đang có sự chuyển hướng mục tiêu, đầu tư trực tiếp cho các NNC xuất sắc trong các trường đại học, viện nghiên cứu…
Ảnh minh hoạ |
Đề xuất nâng cao hiệu quả nhóm nghiên cứu
Từ các phân tích kinh nghiệm của xây dựng các NNC ở các trường ĐH trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu ĐHQG Hà Nội đề xuất 7 yếu tố quan trọng nhất để hình thành và phát triển NNC/NNC mạnh.
Muốn xây dựng được những NNC mạnh trong trường ĐH, trước hết phải bắt đầu từ tâm huyết của những nhà khoa học có năng lực và trình độ, có uy tín, giữ vai trò trưởng nhóm. Trưởng NNC thường là nhà khoa học tài năng, có năng lực nghiên cứu, có tư duy sáng tạo, nhạy bén trong khoa học và lại càng thuận lợi khi có uy tín cao cả ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, trưởng nhóm phải là người tâm huyết và có năng lực tổ chức, có đức hy sinh, có khả năng ngoại ngữ và tổ chức làm việc của nhóm một cách phù hợp và khoa học.
Lãnh đạo trường ĐH phải có tầm nhìn và chính sách thỏa đáng đầu tư cho NNC. Nếu lãnh đạo nhà trường quan tâm, nhận thức được vai trò quan trọng của các NNC mạnh trong đào tạo và nghiên cứu, quan tâm đầu tư và vun đắp cho các nhà khoa học và các NNC, định hướng phát triển nhà trường theo hướng ĐH nghiên cứu, gắn đào tạo với nghiên cứu, thì nhất định công tác đào tạo của trường ĐH sẽ có chất lượng tốt và các NNC trong trường sẽ phát triển nhanh và mạnh, tiến tới các NNC quốc tế (có sự tham gia thường xuyên của các nhà khoa học đầu ngành nước ngoài trong nhóm).
Phải tập hợp được những cán bộ có năng lực nghiên cứu tốt trong NNC, thu hút được NCS. Ở đây, xin đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các NCS trong việc phát triển các NNC. Nếu có sự hỗ trợ kinh phí, nhiều NNC hoàn toàn có thể tiếp nhận các nhà khoa học, các NCS và thực tập sinh người nước ngoài đến làm việc, khi đó hiệu quả hoạt động của NNC còn tốt hơn nữa.
Với sự phát triển như vũ bão về KHCN và trước những cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0, mô hình ĐH nghiên cứu đã chuyển sang mô hình ĐH đổi mới sáng tạo (Innovation-driven university). Trong đó, một số yêu cầu đặt ra là: Nhanh chóng đưa các phát minh sáng chế và kết quả nghiên cứu của trường ĐH vào thực tiễn, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học từ nhiều quốc gia, tận dụng cơ hội và thời cơ để đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp…
Đầu tư cho các NNC mạnh là sự đầu tư trúng, đúng và hiệu quả trong các trường ĐH. Trong bối cảnh cần đẩy nhanh các công bố quốc tế cũng như tăng nhanh các sáng chế, sản phẩm KHCN trong trường ĐH, thì việc quan tâm đầu tư bổ sung nhân lực, cơ sở vật chất, các trang thiết bị hiện đại và điều kiện làm việc cho các NNC mạnh là nhân tố có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để thúc đẩy sự thành công của hoạt động KHCN cũng như nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
Phải có thiết lập và xây dựng được những mối quan hệ hợp tác mạnh (trong và ngoài nước). Vì chỉ có phát huy tốt các quan hệ hợp tác với các nhà khoa học có uy tín trong và ngoài nước, các NNC mới có thể phát huy được thế mạnh của các nghiên cứu liên ngành, mau chóng hội nhập và tiếp cận trình độ, chuẩn mực quốc tế.
Phải xác định và hình thành được hướng nghiên cứu hiện đại, có tầm ảnh hưởng trong khoa học sẽ là tiềm năng phát triển tốt cho NNC. Kinh nghiệm cho thấy, chọn hướng đi đúng để tập hợp và xây dựng NNC có vai trò quan trọng để phát triển một NNC mạnh. Bên cạnh đó, NNC mạnh phải có định hướng nghiên cứu riêng độc đáo, xuất phát từ những tư tưởng và hệ tiên đề mới, cách tiếp cận mới, đặc sắc của riêng mình. Có như vậy, NNC mới khẳng định được trong cộng đồng khoa học và phát triển bền vững.
Phải hướng tới sáng tạo và khởi nghiệp. Đó chính là khẩu hiệu và hành động của các NNC trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Phát triển nhóm nghiên cứu: Xu thế tất yếu
Nhóm nghiên cứu ĐHQG Hà Nội nhận định: Việc xây dựng và phát triển các NNC trong các trường ĐH hiện nay được các nhà khoa học đánh giá là một xu hướng tất yếu đối với bất kỳ trường ĐH nào. NNC đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc huy động các nguồn lực nghiên cứu, tập trung được các cá nhân xuất sắc cũng như thu hút các nguồn lực trong và ngoài trường ĐH cho các hoạt động NCKH để đạt được các kết quả NCKH có chất lượng cao, cũng như nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là nâng cao chất lượng luận án tiến sĩ.
Hình thành và phát triển các NNC thực sự có tầm quan trọng không chỉ trong trường ĐH, viện nghiên cứu, mà một NNC mạnh còn có thể ảnh hưởng với khu vực và quốc tế. Thông qua NNC, nhà khoa học và các em sinh viên, học viên và NCS có môi trường tham gia vào các hoạt động khoa học. NNC tạo được môi trường NCKH với cơ chế thúc đẩy làm việc hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, huy động được các nguồn lực hỗ trợ cho đào tạo và nghiên cứu từ chính các tổ chức này.
Việc xây dựng các NNC trong các trường ĐH chính là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thiết thực triển khai đổi mới giáo dục ĐH một cách căn bản và toàn diện theo hướng chất lượng, hiệu quả và hội nhập với các chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, việc nghiên cứu mô hình và giải pháp để xây dựng NNC nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ và năng lực nghiên cứu, công bố quốc tế của các trường ĐH Việt Nam trong bối cảnh hiện nay mang tính cấp thiết, phải thực hiện ở tầm quốc gia, nhằm góp phần thúc đẩy, đưa giáo dục Việt Nam, các trường ĐH Việt Nam hội nhập và tiến kịp cùng giáo dục ĐH của thế giới.