Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong thời gian qua, việc xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật được Bộ GD&ĐT chú trọng, bằng việc tham vấn ý kiến của đối tượng tác động khi đưa ra chính sách mới, quy phạm mới để bảo đảm tạo được sự đồng thuận và tính khả thi khi ban hành chính sách, quy định pháp luật, như tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo xin ý kiến góp ý của các nhà khoa học, các chuyên gia, các đối tượng chịu tác động của chính sách về các chủ trương đổi mới của ngành Giáo dục.
Đồng thời, Bộ quan tâm đến công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức xây dựng chính sách tại cơ quan Bộ GD&ĐT, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng chính sách trong lĩnh vực giáo dục nhằm tạo đồng thuận trong xã hội trong thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục, cụ thể như sau:
Tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực dành cho tất cả lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước theo các nội dung: Bồi dưỡng kiến thức xây dựng pháp luật; Bồi dưỡng kiến thức về lập và thực hiện kế hoạch; Bồi dưỡng kiến thức về thông tin truyền thông...
Tổ chức các lớp dành cho cán bộ, chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; xử lý, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (1 năm từ 2 - 3 lớp);
Tổ chức các lớp dành cho các đơn vị thuộc Bộ về nội dung quản lý Nhà nước theo các nhóm đối tượng: Quản lý các cấp học, bậc học; các cơ quan tổng hợp chung (mỗi lớp gồm 3 - 4 đơn vị).
Bộ GD&ĐT luôn khuyến khích các tổ chức, cá nhân hiến kế cho Bộ các giải pháp nhằm đổi mới hoạt động quản lý, hoạch định chính sách trong ngành Giáo dục. Đặc biêt, Bộ GD&ĐT đã giao cho 33 tổ chức chủ trì đề tài, đề án thuộc Chương trình Khoa học Giáo dục là các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu uy tín nghiên cứu các đề tài theo đề xuất, đặt hàng của các đơn vị nhằm huy động trí tuệ các nhà khoa học hỗ trợ trong công tác hoạch định chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.