Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non ở vùng khó

GD&TĐ - Thái Nguyên xác định việc huy động trẻ ra lớp là một trong những tiêu chí để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non trên địa bàn.

Thêm cơ hội đến lớp cho trẻ em vùng khó.
Thêm cơ hội đến lớp cho trẻ em vùng khó.

Chính vì vậy, thời gian qua địa phương đã có những chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm thu hút trẻ đến trường.

Chính sách nhân văn

Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV đã thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa và hỗ trợ học phí đối với trẻ em nhà trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên. Chính này được mong đợi sẽ có tác động lớn đến việc khuyến khích trẻ em nhà trẻ đến lớp, giúp trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục. Đồng thời, góp phần đạt chỉ tiêu “đến năm 2025, toàn tỉnh có 35% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ đến trường”.

Tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, ngay từ khi Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh được ban hành, địa phương đã tích cực tuyên truyền đến các cơ sở giáo dục. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chủ động rà soát, lập hồ sơ cho các trẻ trên địa bàn đủ điều kiện được hưởng chính sách theo nghị quyết.

Ông Nguyễn Văn Quang, trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Thái Nguyên, ngành giáo dục huyện Đồng Hỷ đã triển khai đầy đủ, kịp thời những chính sách nói chung và chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa, hỗ trợ học phí đối với trẻ em nhà trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng đời sống đối với trẻ cả về vật chất và tinh thần, hoàn thành chỉ tiêu phổ cập giáo dục, huy động trẻ ra lớp.

Khi Nghị quyết được ban hành, tất cả người dân trên địa bàn huyện đều đã nắm được thông tin và vô cùng phấn khởi, thông qua chính sách hỗ trợ sẽ phần nào tháo gỡ khó khăn với các hộ gia đình, đặc biệt các hộ nghèo, hộ cận nghèo”. Ông Nguyễn Văn Quang khẳng định.

Có dịp gặp gỡ anh Hà Văn Quyết, xóm Tân Thịnh, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên trong một ngày đông giá rét, anh Quyết vừa đưa con tới trường, sau khi gửi gắm con cho các cô, chia sẻ với phóng viên anh Quyết không giấu nổi niềm vui khi vừa được thông báo sẽ nhận được số tiền từ chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa và hỗ trợ học phí đối với trẻ em nhà trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên trước khi nghỉ tết.

Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có 1.288 trẻ nhà trẻ hưởng lợi từ nghị quyết.
Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có 1.288 trẻ nhà trẻ hưởng lợi từ nghị quyết.

Anh Quyết phấn khởi chia sẻ: Gia đình tôi ở vùng khó khăn, thu nhập chỉ trông chờ vào việc trồng và chế biến chè, có con nhỏ đang đi học. Mặc dù đã nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ phía nhà nước nhưng mọi chi phí sinh hoạt, ăn học cho các cháu vẫn là một nỗi lo đối gia đình. Được biết, tỉnh có chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa và hỗ trợ học phí đối với trẻ em nhà trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập theo Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, tôi mừng lắm, gia đình vô cùng phấn khởi, các con tôi được ra lớp học tập và phát triển giống như các bạn đồng trang lứa.

Tương tự như anh Quyết, anh Lường Văn Pi, người dân tộc Tày, sống tại xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên cũng có con ở độ tuổi đến trường, tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn, cả hai vợ chồng đều làm ruộng, chỉ đủ lo cho cuộc sống hàng ngày nên gia đình còn đắn đo việc cho con đến trường hay ở nhà.

Vừa qua anh Pi được địa phương và các cô giáo trường mầm non Thần Sa phổ biến thông tin về nghị quyết hỗ trợ tiền ăn trưa và hỗ trợ học phí đối với trẻ em nhà trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên. Nhận thấy con mình thuộc đối tượng được hưởng lợi từ nghị quyết, anh đã mạnh dạn cho con tới lớp.

Anh Pi chia sẻ: Chúng tôi rất vui vì được nhà nước quan tâm, hỗ trợ, với số tiền này tôi rất yên tâm cho các cháu tới trường, để được học tập, vui chơi với bạn bè.

Tác động sâu sắc đến phát triển giáo dục mầm non

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Nghị quyết sau khi được ban hành và triển khai đã có tác động sâu sắc đến việc phát triển giáo dục mầm non, đặc biệt ở vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần tăng tỷ lệ huy động trẻ em đến trường và tỷ lệ chuyên cần.

Khi Nghị quyết ban hành, Sở GD&ĐT cũng đã yêu cầu các cơ sở giáo dục làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân và phụ huynh. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 1.288 trẻ nhà trẻ hưởng nghị quyết, tỷ lệ huy động trẻ đạt 34,%, trong đó một số nơi như Tân Long, Văn Lăng (Đồng Hỷ) hay Phương Giao, Thần Sa (Võ Nhai) có tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp tăng cao.

Nghị quyết sau khi được ban hành và triển khai đã có tác động sâu sắc đến việc phát triển giáo dục mầm non, đặc biệt ở vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nghị quyết sau khi được ban hành và triển khai đã có tác động sâu sắc đến việc phát triển giáo dục mầm non, đặc biệt ở vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong thời gian tới, để Nghị quyết tiếp tục được cụ thể hoá và đi vào cuộc sống, Sở GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, Bên cạnh đó, triển khai đầy đủ các nội dung chính sách cho các đối tượng được thụ hưởng và tăng cường công tác kiểm tra giám sát đến các đối tượng được thụ hưởng để huy động tối đa số trẻ ra lớp, qua đó nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, tạo cơ hội nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho trẻ.

Theo nội dung Nghị quyết, trẻ em thuộc diện hộ nghèo; cận nghèo; trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng, trẻ em có cha (mẹ) hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở thôn/xóm đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Trẻ em là con của liệt sĩ, con của thương binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của bệnh binh; con của một số đối tượng chính sách khác theo quy định, trẻ em khuyết tật học hòa nhập sẽ được nhận hỗ trợ tiền ăn trưa là 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Về hỗ trợ học phí, Thái Nguyên sẽ hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em nhà trẻ thuộc diện hộ nghèo, trẻ em khuyết tật học hòa nhập, trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng. Hỗ trợ 70% học phí cho trẻ nhà trẻ là người dân tộc thiểu số sống ở thôn/xóm đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Hỗ trợ 50% học phí cho trẻ nhà trẻ thuộc đối tượng hộ cận cán bộ, công chức, viên chức, công nhân mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên. Mức hỗ trợ theo Nghị quyết quy định mức thu học phí hằng năm do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành. Thời gian hỗ trợ không quá 9 tháng học/năm học.

Theo thống kê năm 2023, tỉnh Thái Nguyên sẽ có trên 4.500 trẻ em (từ 3 đến 36 tháng tuổi) được hỗ trợ ăn trưa và học phí. Trong đó, trên 1.600 trẻ được hỗ trợ 100% học phí, trên 1.550 trẻ được hỗ trợ 70% học phí và gần 1.150 trẻ được hỗ trợ 50% học phí. Ước tính kinh phí thực hiện chính sách cho năm 2023 (từ tháng 9 đến tháng 12) là trên 3,7 tỷ đồng. Kinh phí thực hiện chính sách cho năm 2024 là gần 8,4 tỷ đồng/9 tháng học. Nguồn kinh phí trên được cân đối từ nguồn ngân sách cấp tỉnh giao trong dự toán hằng năm cho các huyện, thành phố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ