Nạn nhân của những vụ quấy rối tình dục trong showbiz: Nỗi ám ảnh bao giờ chấm dứt?

Bên cạnh Phạm Lịch, Hương Tràm, Kiều Trinh, Vũ Thu Phương..., còn biết bao nghệ sĩ nữ khác đã công khai hoặc im lặng việc mình bị xâm hại, bị quấy rối, bị tấn công tình dục?  “Để vượt qua nỗi ám ảnh, các nạn nhân đừng sợ hãi, đừng im lặng”, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nói.

Nạn nhân của những vụ quấy rối tình dục trong showbiz: Nỗi ám ảnh bao giờ chấm dứt?

Nỗi ám ảnh của những nữ nghệ sĩ bị quấy rối, tấn công tình dục

Gần một năm trôi qua, kể từ khi Phạm Lịch tố cáo rocker Phạm Anh Khoa quấy rối tình dục, nói "anh đã khám phá sờ soạng hết cơ thể em" và nhiều lời lẽ tục tĩu khác. Cho đến thời điểm này, nhắc đến ồn ào bị gạ tình, nữ vũ công nói “quên đi được là tốt nhất” nhưng cô vẫn chưa thể quên, chưa thể cân bằng cuộc sống.

Mặc dù được dư luận ủng hộ, được xin lỗi nhưng Phạm Lịch cho biết, bản thân cô là người trong cuộc nên vẫn phải đối diện với “những dư âm không hề dễ chịu”. Cô cho biết, từ khi sự việc quấy rối tình dục xảy ra, bản thân bị ám ảnh, mất nghũ và tâm lý hoảng loạn.

“Nhiều lúc tôi ước mình nổi tiếng để có tiếng nói mạnh mẽ hơn. Khi đó, tiếng nói của mình sẽ có sự lan tỏa đến cộng đồng và nhận được sự đồng thuận. Còn như hiện tại, đôi khi tôi thấy mình hèn nhát”, nữ vũ công chia sẻ với báo chí. Phạm Lịch cũng nhận ra rằng, để có thể bảo vệ bản thân một cách tốt hơn thì phải là người có sức ảnh hưởng.

Vốn là người mạnh mẽ, có nghị lực cứng cỏi nhưng ca sĩ Hương Tràm cũng phải mất một thời gian dài để vượt qua nỗi ám ảnh bị tấn công tình dục năm 17 tuổi tại hải ngoại. Thời điểm đó, Hương Tràm vừa đăng quang Giọng hát Việt 2012 và có chuyến lưu diễn châu Âu đầu tiên.

"Khi tôi đi diễn ở nước ngoài và đã bị lừa vào một chỗ riêng biệt. Đó là một người rất nổi tiếng thời điểm đó ở hải ngoại. Lúc đó nếu tôi hét lên thì tất cả tiếng tăm của mình lẫn của người đó đều mất hết. Tôi không muốn kể sâu câu chuyện này vì nó đã qua rồi và với tôi, đó là nỗi ám ảnh...", Hương Tràm tiết lộ sau ồn ào Phạm Lịch tố bị nam rocker quấy rối tình dục.

Bản thân Vũ Thu Phương cũng từng có thời gian dài “sống trong sợ hãi” mỗi khi nhớ về việc bị “ông trùm” Harvey Weinstein gạ gẫm “dạy đóng cảnh nóng” tại phòng riêng khách sạn khi cô sang Los Angeles ra mắt phim Shanghai (Thượng Hải) năm 2008.

"Tôi cũng là nạn nhân, một nạn nhân câm nín 9 năm nay...", cựu người mẫu kiêm diễn viên gốc Nam Định mở lòng  khi nghe tin nhà sản xuất lừng danh đang vướng phải lùm xùm bị hàng loạt sao nữ cáo buộc tội quấy rối tình dục. Cô cũng kêu gọi những nạn nhân bị quấy rối tình dục mạnh dạn lên tiếng: “Có bao nhiêu người bị hại phải sống trong ám ảnh, khổ sở hơn tôi trong suốt 9 năm qua?”

photo-1-1508120038162.jpg

Vũ Thu Phương từng là nạn nhân bị "ông trùm Hollywood" quấy rối tình dục.

Câu hỏi đau đáu của Vũ Thu Phương được minh chứng bằng nỗi ám ảnh bị xâm hại tình dục trong quá khứ của Kiều Trinh. Nữ diễn viên phim “Bi, đừng sợ” cho biết sự kiện khủng khiếp năm 6 tuổi vẫn ám ảnh chị đến bây giờ: “Đôi khi ở bên chồng, tôi cảm giác sợ hãi và tội lỗi. Khi đọc thông tin về nạn ấu dâm thời gian gần đây, tôi mất ngủ và ký ức xưa lại ùa về...”

Bên cạnh Phạm Lịch, Hương Tràm, Kiều Trinh, Vũ Thu Phương..., còn biết bao nghệ sĩ nữ khác đã công khai hoặc im lặng việc mình bị xâm hại, bị quấy rối, bị tấn công tình dục? Với những nghệ sĩ bị cáo buộc liên quan đến xâm hại, quấy rối, tấn công tình dục..., không ít người trong số họ cảm giác khổ sở, mệt mỏi trước làn sóng chỉ trích, tẩy chay khi muốn quay lại hoạt động nghệ thuật. Vậy thì, với những nạn nhân thì ai có thể bù đắp những tổn thương, khủng hoảng về thể chất và tinh thần mà họ phải trải qua?

Đấy là chưa kể những trường hợp “thấp cổ bé họng” lên tiếng tố cáo lại không tìm kiếm được sự động viên, bị vùi dập bởi miệng lưỡi thị phi... Có những nữ nghệ sĩ may mắn vượt qua cú sốc, cũng có người sống “khép kín” hay “rối loạn” cảm xúc cả đời. Cũng có người, không vượt qua được đã tìm đến cái chết để giải thoát...

“Nạn nhân bị quấy rối tình dục đừng sợ hãi, hãy lên tiếng...”

Chia sẻ xoay quanh vấn nạn gạ tình, quấy rối tình dục trong showbiz, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng “hiện tượng” này lĩnh vực nào cũng xảy ra. Tuy nhiên, giới showbiz lại có “môi trường” thuận lợi để những kẻ “lợi dụng nghệ thuật để đạt mục đích cá nhân đen tối”.

HTV2Huong-Tram-bat-khoc-khi-noi-ve-cha-va-Thu-Minh-2_feb8b.jpg

Hương Tràm phải mất một thời gian dài để vượt qua nỗi ám ảnh bị tấn công tình dục năm 17 tuổi tại hải ngoại...

“Những người bị gạ tình, bị quấy rối, bị tấn công tình dục thường là những “kẻ yếu”, “bị động” và cần sự giúp đỡ. Đó là những nghệ sĩ trẻ đang khao khát vai diễn, khao khát khẳng định bản thân, khao khát sự nổi tiếng... Còn những người có hành vi gạ tình, quấy rối thường là những “kẻ mạnh”, có vị trí, quyền lực trong showbiz như nhà sản xuất, đạo diễn, bầu show, hay nghệ sĩ nổi tiếng...

Muốn tránh việc trở thành nạn nhân của việc quấy rối tình dục thì những cô gái trẻ muốn dấn thân showbiz phải rèn luyện bản lĩnh, sự tự lập, tâm lý vững vàng. Khi biết đối tượng có tai tiếng về quấy rối tình dục thì phải tránh xa. Cũng tránh cử chỉ, ngôn ngữ giao tiếp dễ gây hiểu lầm, tránh nơi gặp gỡ riêng tư, nhạy cảm, dễ nảy sinh hành vi xấu...

Điều quan trọng nữa là, các nghệ sĩ trẻ hãy rèn luyện chăm chỉ, tìm kiếm thành công bằng chính thực lực của mình, tránh đi đường tắt, tiến thân bằng sắc đẹp... để tránh những vụ việc đáng tiếc”, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nói.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, với những nạn nhân của vấn nạn quấy rối tình dục, bị tác động bởi cảm xúc tiêu cực, bị ám ảnh là điều không tránh khỏi.

Ông đưa ra lời khuyên: “Để vượt qua nỗi ám ảnh, các nạn nhân đừng sợ hãi, đừng im lặng. Hãy suy nghĩ tích cực. Hãy chia sẻ với đồng nghiệp, người thân để tìm kiếm sự giúp đỡ. Từng cá nhân là kẻ yếu nhưng nếu có sự lên tiếng, tố cáo của nhiều nghệ sĩ thì chắc chắn sẽ ngăn chặn được hành vi của kẻ quấy rối sau này.”

Bên cạnh đó, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cũng cho rằng để chấm dứt vấn nạn quấy rối tình dục thì cần có sự đồng cảm, chung tay, lên tiếng của cả cộng đồng. “Trên thực tế, không ít nạn nhân bị quấy rối, bị xâm hại nhưng không dám nói vì sợ dư luận dè bỉu, cười chê”.

Đồng quan điểm này, PGS, TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng các nạn nhân của việc bị quấy rối, gạ tình hãy lên tiếng để phơi bày sự việc. Và, cộng đồng nên có cái nhìn khách quan, bênh vực những nạn nhân yếu thế, ngăn chặn những góc khuất trong showbiz Việt...

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...