Nam thanh niên uống phải thuốc còn nguyên vỏ

GD&TĐ - Vừa qua, Đơn vị nội soi Bệnh viện Nhân dân 115 đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 28 tuổi tới khám do uống phải thuốc còn nguyên vỏ.

Dị vật nằm ở thực quản bệnh nhân. Ảnh: BVCC.
Dị vật nằm ở thực quản bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Trước nhập viện một ngày, người bệnh vô tình nuốt phải viên thuốc còn vỏ. Sau đó, bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhà khám và nội soi để gắp viên thuốc ra nhưng không thành công. Do tình trạng đau tại vùng cổ ngày càng tăng, người bệnh tới Bệnh viện Nhân dân 115 và được chỉ định nội soi để chẩn đoán, điều trị.

Trong quá trình nội soi, bác sĩ ghi nhận có một viên thuốc còn nguyên vỏ nằm kẹt ở thực quản trên. Những cạnh sắc của vỏ viên thuốc chọc vào thành thực quản và gây tổn thương niêm mạc thực quản thành từng đường. Nếu không được lấy ra, dị vật sẽ gây thủng thực quản, áp xe trung thất và có thể gây tử vong.

Do kích thước viên thuốc lớn nên bác sĩ đã dùng những dụng cụ chuyên biệt để gắp ra, tránh tối đa việc làm tổn thương nặng hơn. Dị vật đường tiêu hóa là một cấp cứu thường gặp. Hằng năm, Mỹ ghi nhận khoảng 100.000 trường hợp nuốt phải dị vật.

BS CK2 Đinh Thu Oanh - Trưởng Đơn vị Nội soi, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết: "Ở Việt Nam hiện chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng chỉ riêng Đơn vị nội soi Bệnh viện Nhân dân 115 trong năm 2019, ghi nhận tới 60 ca dị vật ống tiêu hóa các loại được lấy ra thành công. Dị vật hay gặp hàng đầu tại Bệnh viện Nhân dân 115 chủ yếu là viên thuốc còn vỏ, răng giả, xương, tăm xỉa răng…".

Theo bác sĩ Oanh, mọi người thường có thói quen cắt thuốc ra để chia liều, để lẫn lộn với các thuốc không còn vỏ. Khi uống thuốc vội vàng không kiểm tra lại, dẫn tới uống nhầm cả viên thuốc chưa bóc vỏ. Vì vậy, để tránh nguy cơ uống phải viên thuốc còn vỏ, cần hạn chế tối đa việc cắt thuốc để chia liều. Trước khi uống thuốc, mọi người được khuyến cáo nên kiểm tra kỹ lại xem còn vỏ hay không, đặc biệt là những người phải uống nhiều loại thuốc cùng một lúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ