Nam thanh niên 27 tuổi mắc uốn ván do chủ quan với vết thương nhỏ

GD&TĐ - Bệnh nhân nam 27 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê, cứng hàm, sốt nóng liên tục, bệnh nhân có cơn co giật toàn thân.

Bệnh nhân được xử trí điều trị tích cực. Ảnh: BV.
Bệnh nhân được xử trí điều trị tích cực. Ảnh: BV.

Theo thông tin từ Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Đồng Văn (Hà Giang), đơn vị đã tiếp nhận một nam bệnh nhân 27 tuổi, được đưa vào viện trong tình trạng hôn mê, cứng hàm, sốt nóng liên tục, bệnh nhân có cơn co giật toàn thân.

Qua khai thác tiền sử, thăm khám lâm sàng và hỏi người nhà, bệnh nhân có vết thương trên đỉnh đầu kích thước khoảng 1 x 0,5cm đã khô, không chảy dịch.

Vết thương này do trong quá trình lao động, bệnh nhân bị đá rơi trúng, tuy nhiên, do vết thương nhỏ, không chảy nhiều máu nên bệnh nhân và gia đình cũng không để ý.

Sau khi thăm khám và tiến hành hội chẩn toàn viện, các bác sĩ thống nhất chẩn đoán: Bệnh nhân mắc uốn ván giai đoạn toàn phát.

Ngay sau đó, các bác sĩ đã cho bệnh nhân thở máy, truyền dịch, điều trị SAT, an thần, kháng sinh... và chăm sóc cấp I.

Xác định đây là một ca bệnh rất nặng, nên đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng thường xuyên trao đổi, xin ý kiến của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang để có phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng của bệnh nhân.

Trước tình trạng diễn biến rất nặng của bệnh nhân, người nhà đã xin cho bệnh nhân về nhà không tiếp tục điều trị. Sau khi nghe bác sĩ điều trị giải thích thuyết phục, gia đình đồng ý để bệnh nhân ở lại tiếp tục điều trị.

Trải qua 28 ngày điều trị tích cực (trong đó, bệnh nhân phải thở máy 20 ngày), đến ngày 26/4, bệnh nhân đã tỉnh táo, giao tiếp tốt, tự vận động nhẹ nhàng, ăn uống được, các chỉ số sinh tồn bình thường.

Bệnh nhân được các bác sĩ tư vấn chế độ tập vận động, dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và cho ra viện, hẹn khám kiểm tra lại sau 3 tuần.

Theo các bác sĩ, uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính nặng nề, có tỷ lệ tử vong cao ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, gây tổn thương não, hệ thần kinh trung ương, dẫn đến cứng cơ và có thể gây tử vong nhanh. Do đó, người dân cần lập tức đến gặp bác sĩ nếu có vết thương hở miệng bị bẩn, đặc biệt khi lần cuối được tiêm phòng uốn ván là hơn 5 năm.

Hiện nay, tiêm vắc xin được xem là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa uốn ván. Có nhiều loại vắc xin cho từng đối tượng, cả trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.

Qua trường hợp bệnh nhân trên, các bác sĩ khuyến cáo: Khi lao động, cần mang đồ bảo hộ cẩn thận để tránh những vết thương hở. Khi có vết thương trên cơ thể cần rửa sạch, sát trùng, để hở vết thương, không để vết thương bịt kín tạo đường hầm, không đắp bất cứ thứ gì lên vết thương. Nếu gặp phải vết thương nên đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ