Vũ Chí Quyết (SN1998) quê quán TPHCM, hiện đang học tập và làm việc tại thành phố Nagano (Nhật Bản).
Nhân dịp “xả hơi” sau kỳ thi bảo vệ đồ án tốt nghiệp, Quyết quay lại quê hương và sống tại ấp An Bình, An Tịnh, Trảng Bàng, Tây Ninh suốt nhiều tuần qua.
Vũ Chí Quyết đang là sinh viên năm cuối ngành kiến trúc tại Đại học Shinshu (Nhật Bản). |
Nhà anh nằm cách khu vực Cổng chào Tây Ninh khoảng 2km, hướng về phía địa bàn ấp An Bình, gần Trường tiểu học Tịnh Phong. Ngôi nhà chỉ vỏn vẹn 3 phòng (một phòng khách, một phòng ngủ và nhà kho) nhưng chất chứa gần 2000 quyển sách.
Hiện Quyết đang bắt tay vào việc biến căn nhà và kho sách nơi đây thành một thư viện nhỏ phục vụ người nghèo.
Không gian sách do chàng trai 9x thiết kế. |
Khoảng 2000 quyển sách đang chờ phân loại. |
Một số khu vực trong nhà đang được tu bổ nhằm phục vụ trẻ đến thư viện |
“Trước đây, mình có thói quen đọc và sưu tầm truyện sách. Ban đầu chỉ khoảng vài chục, vài trăm quyển, từ truyện tranh, truyện chữ, sách ảnh đến từ điển, giáo trình, sách giáo khoa,…
Lên cấp 3 rồi đại học, tuần nào có thời gian mình cũng đi nhà sách, rồi lang thang ở các hiệu sách cũ. Cứ mỗi khi có tiền lại đổ vào mua sách. Nhiều sách vẫn chưa mở niêm phong, chưa có dịp động đến.
Cách đây ít năm, bộ sưu tập của mình nhiều đến mức ba mẹ dọa vứt hết. Nhưng may mắn gia đình mình có một căn nhà nhỏ ở ấp An Bình nên mình xin phép tu bổ lại, tự mình thiết kế và hễ có dịp lại về nghỉ dưỡng, đọc đỡ ghiền.”, Quyết chia sẻ.
Quyết hy vọng kích thích niềm say mê của trẻ em đối với sách truyền thống. |
Vốn là du học sinh ngành xây dựng, toàn bộ thiết kế của ngôi nhà, kết cấu thư viện, vị trí lắp đặt kệ đều do Quyết lên ý tưởng và làm việc với nhà thầu.
Chia sẻ về cảm hứng phát triển thư viện sách tại nơi “nhà không số, phố không tên”, chàng trai 9x thật tình: “Sau khi đến Nhật, mình theo học ngành Kiến trúc Trường Đại học Shinshu. Đây cơ sở giáo dục thuộc trung tâm Thành phố Nagano nhưng không sầm uất như Tokyo, Osaka.
Mặc dù là thôn quê nhưng nơi đây vẫn có rất nhiều hiệu sách, thư viện, văn hóa đọc của người dân Nhật Bản nói chung và trẻ em đất nước mặt trời mọc nói riêng rất đáng học hỏi. Mình đọc tin tức thấy hiện nay nhiều vùng quê Việt Nam đều đang hướng đến nông thôn mới. Tuy nhiên, một số khu vực hẻo lánh, heo hút, trẻ em ít có cơ hội tìm mua cũng như duy trì văn hóa đọc.”
Chính vì thế, những năm qua, Quyết đã liên hệ với gia đình nhờ nâng cấp nhà cửa, cho phép một số trẻ em, người dân trên địa bàn đến mượn và đọc sách.
Chàng trai 9x tâm niệm, hầu hết những người thành công đều có thói quen đọc ít nhất 2 trang sách mỗi ngày. Sách là nguồn tài sản quý báu, đem lại lượng kiến thức dồi dào, bổ ích và phù hợp với tất cả đối tượng. Thật lãng phí và bất công đối với những trẻ em nghèo tại một số nơi khi không có cơ hội được đọc và học.
Ngoài những đầu sách bổ ích như khoa học thường thức, từ điển, sách dạy ngôn ngữ, kỹ năng sống,… phía trên những kệ inox vừa được sơn lại láng bóng, chàng du học sinh còn trưng bày nhiều truyện tranh, truyện chữ tuổi mới, ảnh dân gian để thu hút thêm độc giả trẻ.
Dự kiến trong thời gian sắp tới, sau khi quay về Nhật Bản tiếp tục chương trình học, Quyết sẽ nhờ người thân tiếp tục quản lý mô hình thư viện, đảm bảo trẻ em và người dân địa phương có thể đến đọc và mượn tài liệu.
Bên cạnh đó, chàng kỹ sư trẻ cũng tiết lộ sẽ nhờ bạn bè tại TPHCM liên hệ các hiệu sách, tìm mua thêm nhiều đầu sách mới.
Thư viện đang trong quá trình xây dựng, tu bổ tại ấp An Bình. |
Bên cạnh đó, Quyết cho biết, hiện nay tại một số khu vực của Nhật Bản, mô hình “cửa hàng không người bán” đang khá phổ biến. Theo đó, người mua hàng có thể lựa chọn sản phẩm mình cần, bỏ lại vào giỏ đựng số tiền tương ứng.
Nhận thấy mô hình này tương đối tiện lợi và có nhiều tiềm năng áp dụng tại Việt Nam, anh đã liên hệ với một số bạn bè am hiểu lĩnh vực khoa học - công nghệ, tiến hành nghiên cứu, tích hợp sử dụng thẻ thư viện online.
Qua đó, hướng đến vận hành mô hình từ xa, không tiêu tốn nhiều chi phí nhân sự, đồng thời số tiền quyên góp cũng được dùng để bảo trì thư viện, mua thêm đầu sách mới phục vụ mọi người.