Phát huy vai trò các nghệ nhân
Huyện Nậm Nhùn có 11 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi một dân tộc có những nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống riêng biệt. Những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn luôn được quan tâm, chú trọng.
Theo ông Hà Văn Ruệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Nậm Nhùn cho biết: Để giữ gìn, phát huy giá trị, bản sắc các dân tộc, huyện đã đẩy mạnh công tác sưu tầm, lưu giữ các nét văn hóa truyền thống thông qua việc tổ chức, phục dựng những lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ.
Tái hiện Lễ tế thần sông trong Lễ hội đua thuyền đuôi én tại huyện Nậm Nhùn. |
Cùng với đó, địa phương đã tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ, ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, lễ hội truyền thống. Nhiều hoạt động được tổ chức như: Trình diễn trang phục dân tộc, ca múa, ẩm thực và các trò chơi dân gian (đánh tù lu, bắn nỏ, đẩy gậy, đua thuyền…). Đây là dịp để nhân dân các dân tộc trên địa bàn có cơ hội được giao lưu, giới thiệu bản sắc văn hóa của mình đến với mọi người.
“Chúng tôi thường phát huy tốt vai trò của các nghệ nhân, đội văn nghệ quần chúng tại địa phương trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa. Đây là “nòng cốt” trong việc sưu tầm, truyền dạy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc” - ông Hà Văn Ruệ cho biết.
Huyện Nậm Nhùn cũng đã đẩy mạnh sưu tầm, phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số như: phong tục Xăm cằm, lễ Vào nhà mới của người Mảng; lễ hội "Mìn Loóng Phạt" (lễ hội kết thúc một mùa vụ) của người Cống; tục giã bánh dày của người Mông…
Nghệ nhân Lâm Văn Điện, ở bản Nậm Ty (xã Nậm Hàng) là nghệ nhân am hiểu về đàn tính, hát then - một trong những làn điệu dân ca, dân vũ mang đậm giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái. Không chỉ trực tiếp trình diễn mà ông còn tích cực tham gia công tác truyền dạy, lưu giữ các điệu múa then, điệu đàn tính tại địa phương.
Nghệ nhân Lâm Văn Điện chia sẻ: “Hát then, đàn tính là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của dân tộc Thái. Tuy nhiên hiện nay, số người biết, nắm rõ và biểu diễn được loại hình này rất ít. Để lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc, tôi đang cố gắng sưu tầm và truyền dạy lại cho con cháu và những người đam mê với loại hình nghệ thuật này để nó không bị mai một”.
Người Mông ở xã Nậm Manh gìn giữ nghề thêu thổ cẩm. |
Xây dựng gia đình văn hóa
Một trong những hoạt động cụ thể để bảo tồn và duy trì nét đẹp văn hóa các dân tộc được huyện Nậm Nhùn triển khai là quan tâm xây dựng thiết chế văn hóa trong cộng đồng. Đồng thời, đầu tư xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao làm nơi sinh hoạt cộng đồng.
Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thành lập đội văn nghệ, thể thao quần chúng. Cùng với đó, phục hồi lễ hội truyền thống, đầu tư xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao làm nơi sinh hoạt cộng đồng.
“Chúng tôi đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại khu dân cư, bản, xã. Duy trì hoạt động của những đội văn nghệ tại mỗi bản, xã. Họ thường xuyên luyện tập các điệu múa, làn điệu truyền thống, biểu diễn phục vụ nhân dân vào mỗi dịp lễ, tết” – ông Hà Văn Ruệ cho biết.
Đến nay, huyện Nậm Nhùn đã xây dựng được 7 nhà văn hóa xã, 56 nhà văn hóa bản. Hầu hết các nhà văn hóa được đầu tư thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng. Mỗi đội văn nghệ có từ 15 – 20 thành viên tham gia luyện tập, biểu diễn các tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Đội văn nghệ quần chúng tham gia biểu diễn tại Lễ hội "Mìn Loóng Phạt" của người Cống ở Nậm Chà. Ảnh: Ngọc Duy |
Xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn hiện có 8 bản, hơn 4.000 nhân khẩu. Đây là xã đa dạng về bản sắc văn hóa khi có nhiều đồng bào: Thái, Mông, Dao, Kinh, Mường, Hoa và Giáy cùng sinh sống.
Anh Lường Văn Nhã – công chức Văn hóa xã hội xã Nậm Hàng cho biết: “Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Qua đó, tuyên truyền người dân giữ gìn nét văn hóa dân tộc thông qua trang phục, lời ca, điệu múa, trò chơi dân gian và nghề truyền thống”.
Bên cạnh đó, xã Nậm Hàng còn khuyến khích người dân tham gia xây dựng, bảo vệ các công trình văn hóa lịch sử, thể thao, vui chơi trên địa bàn. Chú trọng biểu dương gương người tốt - việc tốt, khu dân cư điển hình trên các lĩnh vực văn hóa – kinh tế – xã hội”.
Với nhiều giải pháp thiết thực, người dân xã Nậm Hàng đã tích cực hưởng ứng thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Hàng năm, xã luôn có khoảng 90% hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa. 8/8 bản của xã có đội văn nghệ quần chúng với gần 200 thành viên thường xuyên luyện tập, biểu diễn tại hội thi, chương trình giao lưu văn nghệ và dịp lễ, tết.
Theo ông Vũ Tiến Hóa – Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng sức, đoàn kết lưu giữ bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Qua đó, mỗi dân tộc sẽ có một màu sắc văn hóa riêng, góp phần tô đậm thêm “bức tranh văn hóa” của 11 dân tộc trên địa bàn.
“Chúng tôi sẽ phối hợp tốt với các ngành liên quan để tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các lễ hội truyền thống các dân tộc, nhất là đồng bào thiểu số... Cùng với đó, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn gắn với phát triển ngành du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh” - ông Vũ Tiến Hóa chia sẻ.